Và trong suốt cuộc trò chuyện kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, nhiều lúc vị CEO trẻ thất thần ngậm ngùi: "Hồi đấy, nhiều lúc nản, không biết mình có đi đúng hướng hay không. Lúc ấy chỉ nghĩ ít nhất là mình phải làm, phải làm sao đó để mình không "chết". Mình làm nghĩa trang xong lại chôn mình trước thì là chết thật".
Thế rồi, câu chuyện về chặng đường xây dựng công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên quy mô hơn 100 ha tại TP Hòa Bình, có những lúc rơi vào tình trạng bất định của vị CEO cứ thế hiện ra như mới ngày hôm qua. Và thành công sau hơn 10 năm được xây bằng những giọt mồ hôi thấm đẫm, những khó khăn hằn trên khuôn mặt vị Tổng giám đốc này.
Nhắc đến nghĩa trang, thường thì cảm giác đầu tiên là gai người, thậm chí sợ hãi, còn anh thì sao?
Hồi bé, ông ngoại tôi làm trông nom, hay người ta gọi là quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ của xã. Từ đó, tôi hay theo ông ra chơi và ngủ cùng Ông ở nghĩa trang. Quen dần, có những ngày đi học, đi thả trâu về, rồi ra nghĩa trang liệt sĩ cùng ông, ở đó có hồ sen mát mẻ, có cây ăn trái nên thường xuyên được có quả ăn, là một đứa trẻ dần dần tôi thấy gắn bó và thích nghĩa trang lúc nào không hay.
Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, mỗi ngày đến giỗ các Cụ là được bố đưa ra thắp hương tại mộ các Cụ. Giỗ các Cụ là mình lại được ăn ngon, có thịt gà, không phải nấu cơm, đi làm đồng… trẻ con nghĩ ngây thơ là những ngày này mình được các Cụ cho lộc, được ăn cỗ, cho nghỉ ngơi… nên thấy rất vui.
Sau này, năm 2004, khi tôi đang đi du học ở bên Úc, một lần vô tình đi qua công viên ghi là Memorial Park (Công viên nghĩa trang), một khái niệm mà tôi chưa từng nghe, tò mò vào xem thì tôi thấy quá bất ngờ vì cảnh quan ở đó quá đẹp, còn hơn cả công viên cho người sống tôi đã từng biết, đường xá được quy hoạch xây dựng sạch sẽ, thảm cỏ, cây, hoa được trồng rất sạch đẹp, và một số gia đình đang thăm viếng ở đằng xa, tôi nghĩ ở phương Tây người ta không coi trọng văn hóa tâm linh, không có văn hóa thờ cúng ông bà tổ tiên mà người ta làm công viên nghĩa trang cho người quá cố đẹp như thế này mà tại Việt Nam chúng ta, một nước Á Đông có nét văn hóa đạo hiếu thờ cúng ông bà tổ tiên rất lâu đời thì chỉ có những nghĩa trang theo kiểu tự phát hay người ta gọi là nghĩa địa rất lộn xộn và có thể nói là một trời một vực nếu so sánh với những gì họ làm ở đây. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy mê, bị cuốn hút nên đi thăm quan thêm 2 - 3 nghĩa trang khác cũng rất đẹp.
Bạn bè có người bảo vào làm gì nơi như thế này nhưng mình thấy vào đây cảm giác rất khoan khoái, nhẹ nhàng và sau này khi bén duyên với lĩnh vực này khi công tác nước ngoài tôi luôn thích vào nghĩa trang thăm quan. Nó như cái duyên ứng nghiệp của mình!
Anh có thấy mình là người kỳ dị với có sở thích đi ngắm nghĩa trang không giống ai?
Ngày xưa, tôi đã từng làm trong lĩnh vực tài chính, cụ thể chứng khoán khi đi Úc về, tôi cũng từng gắn bó với nghề giáo viên, dạy học hơn 10 năm. Nhưng nghĩa trang là một cái mà không hiểu sao mình thấy rất là mê đến vậy.
Năm 2004, khi tôi biết tin nhận được học bổng toàn phần đi Úc, việc đầu tiên tôi chạy thẳng về quê, ra nghĩa trang làng nơi các Cụ, Ông và Mẹ tôi an nghỉ thắp hương và báo tin vui của mình cho các Cụ xong tôi mới về nhà báo tin vui cho Bố tôi. Có thể nói đối với tôi từ bé nghĩa trang đã rất thân thuộc, nó như một các duyên nợ khó có thể giải thích được.
Từ ngày xưa, bất cứ giỗ ông giỗ bà dù bận mấy mình cũng đều về quê. Không về cảm thấy không thoải mái, không thắp hương được cho ông bà mình cảm giác mình không an tâm, cảm thấy mình có có lỗi, thiếu sót.
Khi đang là giảng viên tại Đại học Hà Nội, con đường sự nghiệp trên đà phát triển. Vì sao anh quyết định nghỉ công chức để ra ngoài bươn chải đi xây nghĩa trang?
Khi quay về Việt Nam mình chưa làm nghĩa trang mà đi dạy. Hồi đó, khi chưa làm nghĩa trang, trong các bài giảng tôi thường lấy ví dụ về sản phẩm công viên nghĩa trang làm ví dụ trong các bài giảng marketing của mình đến nỗi sinh viên tôi đến bây giờ ai cũng nhớ điều này.
Thêm nữa, thời điểm đó, nhìn lại Việt Nam, văn hóa thờ cúng ông bà tổ tiên được đặt lên hàng đầu. Nhưng thường những lúc đấng sinh thành đã mất thì con cháu mới thành đạt, làm giỗ rất hoành tráng, mâm cao cỗ đầy, rượu tây rượu ta..nhưng cuối cùng toàn con cháu được hưởng mà mộ ông bà lại ở ngoài đồng, ngoài ruộng. Người ta hay gọi nơi đó là nghĩa địa, thậm chí một số nơi gọi là bãi tha ma, nghe rất ghê.
Lúc sống thì mình có thể là nay ở nhà này, vài năm sau kinh tế khá hơn mình chuyển nhà khác nhưng mà người chết thì không thể là 5, 10 năm lại di dời. Đó là việc rất kiêng, rất kỵ.
Khi đó, mình đã nghĩ trong đầu, Tây không mê tín mà họ còn xây dựng những công viên nghĩa trang đẹp như thế. Ở Việt Nam, văn hóa thờ cúng rất thiêng liêng nếu có những công viên nghĩa trang có quy hoạch đồng bộ, xây dựng bài bản, có hệ thống giao thông, cảnh quan…thì sẽ là những sản phẩm người Việt Nam thực sự cần.
Lúc dự định sẽ làm nghĩa trang gia đình có ai phản đối anh không?
Thật ra khi đang dạy ở Đại học Hà Nội tôi là trưởng bộ môn marketing, đi tu nghiệp bên nước ngoài về là cán bộ chủ chốt và thuộc diện quy hoạch đấy (cười). Ngày xưa mà làm giảng viên đại học, đi học nước ngoài về, lại là cán bộ nguồn là oai lắm nhưng khi tôi quyết định nghỉ dạy làm nghĩa trang nhiều người thân tiếc lắm, bản thân tôi cũng tiếc vì cái nghề mình yêu quý nhưng do công việc, thời gian không cho phép nên mình đành phải chọn bỏ một cái để toàn tâm với cái kia thôi.
Nhưng thực sự, chỉ có bản thân mình mới hiểu cái mình muốn và đam mê. Mình suy nghĩ về việc nghỉ dạy mất ba năm, xong viết một lá thư gửi thầy hiệu trưởng, như kiểu yêu một người hơn 10 năm, còn rất yêu nhưng đau long phải rời xa vậy. Thực ra, lúc quyết định nghỉ dạy học tôi cũng thấy rất hụt hẫng, buồn. Bởi, nghề nhà giáo rất nhân văn và tôi cũng rất yêu thích. Nhưng mình thấy còn có một niềm đam mê nữa trong mình.
Mình làm doanh nghiệp môi trường sẽ thực tế hơn, còn việc dạy thì mình nghĩ rằng bất cứ lúc nào cũng có thể quay lại được. Mà ra ngoài làm có nhiều thực tế thì quay lại về dạy càng tốt. Cho nên, mình cũng suy nghĩ rất nhiều, mất 3 năm vừa dạy vừa làm. Sau đó công việc đòi hỏi nhiều thời gian hơn nên mình nghỉ. Quay đi quay lại chẳng ai nghĩ rằng mình đã làm nghĩa trang hơn chục năm.
Bắt tay vào làm Lạc Hồng Viên, cảm xúc của anh khi đó thế nào?
Khi chúng tôi thực hiện ý tưởng xây dựng công viên nghĩa trang cho người chết, nhiều người bảo chúng tôi điên, nhiều anh em, bạn bè bàn lùi, thậm chí có người từ bỏ. Nhưng lúc đấy, chúng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được.
Là một trong những người tiên phong làm bất động sản nghĩa trang ở Việt Nam, có lúc nào gặp khó khăn đến mức mà anh muốn dừng lại?
Thực ra, dự án này không phải của tôi, anh Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty là cha đẻ dự án, tôi được coi và cũng tự nhận mình là cha nuôi thôi (cười). Những thời đầu khó khăn chúng tôi phải cố gắng rất nhiều thậm chí từng phải đi vay mượn, cầm cố nhà cửa để làm. Nhưng chúng tôi có niềm tin rất lớn là mình sẽ làm được.
Thật ra làm nghĩa trang phải rất kiên trì, bền bỉ, những năm đầu tiên là rất vất vả. Năm 2011 - 2012, lãi suất cho vay cực kỳ cao, có thời điểm lên đến hơn 20%/năm, trong khi lúc đó mình còn chưa khai thác được gì thực sự là những giai đoạn vô cùng khó khăn với chúng tôi.
Nghĩa trang là một lĩnh vực rất đặc thù, nhiều người nghĩ rằng sẽ dễ thành công nhưng thực ra thì khi làm mọi người mới hiểu thế nào. Bây giờ có khi cả trăm doanh làm bất động sản cho người sống thì chỉ có một doanh nghiệp làm nghĩa trang phục vụ người chết thôi. Một dự án bất động sản cho người sống một vài tháng, hoặc 1-2 năm là khai thác hết là cùng nhưng bất động sản tâm linh cả chục năm thậm chí vài chục năm chưa khai thác xong, đấy là mình còn khai thác một cách chủ động. Có những nghĩa trang người ta tính vòng đời khai thác đến 200 năm thì gần như không chủ đầu tư nào muốn theo bởi tốc độ khai thác, chi phí vốn, chi phí cơ hội của dự án là rất là lớn. Nói chung là không kiên trì, không bền bỉ, không mê và không đủ duyên thì không thể làm được lĩnh vực này.
Phải nói thật, lúc đó nản không biết là mình có đi đúng hướng hay không. Ít nhất mình phải làm sao để duy trì được, mình làm nghĩa trang xong lại chôn mình trước thì chết. Nhưng cũng rất may, sau này xã hội cũng nhìn nhận tích cực hơn.
Anh đã vượt qua những lúc khó khăn nhất thế nào?
Khi bắt đầu, mình đã gặp khó khăn ngay từ quan niệm. Nhiều địa phương và người dân không chào đón, thậm chí họ còn phản đối kịch liệt. Do ngày đó chưa có mô hình nào như vậy nên họ vẫn nghĩ rằng nghĩa trang là một cái gì đó ghê sợ. Rất may, về Hòa Bình thì được lãnh đạo tạo điều kiện, nhưng lúc đầu khi người dân chưa hiểu chúng tôi phải đi vận động từ hộ gia đình, rồi tổ chức người dân đi thăm quan. Đưa những mô hình ở nước ngoài về cho mọi người dễ hình dung hơn.
Vì lĩnh vực này khi đó chưa được thể chế hóa như bất động sản nên rất khó khăn về pháp lý. Rất may, đến năm 2008 thì Chính phủ có Nghị định 35 về xây dựng, quản lý nghĩa trang và kêu gọi xã hội hóa.
Làm dự án đã khó nhưng khó hơn là khâu bán sản phẩm. Khác với việc mời khách mua nhà cửa, tivi hay ô tô…người ta đang khỏe mạnh đi mời mua bất động sản nghĩa trang nhiều người bảo chắc muốn trù họ "nhanh chết". Thêm nữa, bất động sản cho người sống thì khác hoàn toàn vì có tính chất đầu tư, có thể mua đi bán lại, cầm cố, thừa kế, cho tặng và sinh lời còn đất nghĩa trang khi đã mua xong đưa các cụ vào "ở" rồi thì cho không ai lấy, bán không ai mua.
Lúc đó, tôi phải ứng dụng rất nhiều cách tiếp cận và nghiên cứu hành vi, tâm lý khách hàng, xác định đi từ từ, từ những khách hàng đúng mục tiêu, phân khúc của mình nên tôi bắt đầu tiếp cận với Hội người cao tuổi của TP. Hà Nội và Hòa Bình. Tôi chọn cách tiếp cận rất nhẹ nhàng, các Bác hội trưởng lúc đầu cũng có giãi bày với tôi nhắc tới nghĩa trang giờ sợ lắm. Tôi cũng trình bày hết về ý tưởng quy hoạch, xây dựng, quản lý bài bản như thế nào, giao thông, cảnh quan và các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, các công trình công năng và tiện ích như Đền, Chùa, chòi nghỉ chân, café, nhà hàng cơm chay ra sao... thì bác ấy nói: "Nếu các cậu làm được thế này thì rất tốt, chỉ sợ không làm được".
Thế là tôi bắt đầu nhờ bác ấy mời tất các bác trưởng hội người cao tuổi các quận huyện rồi đến từng phường xã người trong Hội người cao tuổi của thành phố ra khách sạn nghe giới thiệu mô hình …. Sau khi nghe thì gần như tất cả các bác đều rất quan tâm và ủng hộ. Thời đó hay phổ biến phát tờ rơi, tôi cũng cho thử tiếp cận với một số khu dân cư bằng một cái thư ngỏ với thông điệp "Điều mà ít ai nghĩ tới" rất văn minh. Để tránh bị phản ứng tiêu cực khi đi chào sản phẩm nghĩa trang, tôi cho in hình chìm là hình Đức phật Thích Ca Mâu Ni, để nếu phát cho ai thì mọi người nhìn vào không dám vứt đi. Có người nhận được thì bảo thấy hay, có người bảo xui còn đuổi đánh (cười)
Đã là người kinh doanh thì ai cũng muốn bán phải nhanh, còn anh thì sao?
Thực ra xã hội này mọi mọi thứ có thể hoãn hoãn ăn, hoãn chơi thậm chí hoãn đẻ nhưng mà sinh lão bệnh tử là cái không hoãn được, theo quy luật tự nhiên. Cái gì là tự nhiên mình hãy cứ thuận theo tự nhiên.
Kinh doanh bất động sản tâm linh, câu chuyện nào để lại ấn tượng cho anh nhất?
Việt Nam là một trong các nước mà cái văn hóa gia đình rất là lớn và đặc biệt Cha Mẹ yêu thương con một cách vô bờ bến, phần lớn các bậc làm Cha Mẹ đều làm tất cả vì con, con 30-40 tuổi chưa lấy vợ gả chồng vẫn lo, thậm chí nhiều người gần chết vẫn lo, cả đời cứ chăm chăm lo nuôi con và tiết kiệm tối đa có thể đến lúc về già thì thì có bao nhiêu tài sản cho con hết. Thậm chí "chết nhắm mắt còn chưa nguôi".
Ở Lạc Hồng Viên có nhiều câu chuyện thực sự khiến mình phải suy nghĩ, có những người con cực kỳ có tâm. Tôi từng gặp có một gia đình 5 người con, trong đó, 4 người anh thì kinh tế rất khá. Bố mẹ muốn mua khoảng 50m2 để mai này quy tụ về một thể, thì 4 người anh lại bàn lùi, cho rằng, các cụ mua 9m2 là đủ, cần gì nhiều, tức chia nhau cho ít, trách nhiệm ít. Sau khi mấy người anh về, anh con út, kinh tế kém nhất, ngồi lại đặt vấn đề riêng với mình cho anh đặt cọc trước và xin giữ cho anh ấy 1 tháng. Gần một tháng sau, anh ấy bán cả một mảnh đất đi để mua hẳn 100m2, xây dựng đàng hoàng xong còn mua cả gói dịch vụ mấy chục năm. Câu chuyện này cho tôi thấy rằng là con, được báo hiếu cho Cha Mẹ phải là người đủ tâm, là người đủ Phúc, đủ Phần mới được lo được làm.
Mình không cổ xúy cho việc làm phần mộ phải thật hoành tráng. Nhưng rõ ràng đây là việc chúng ta có thể báo hiếu được cho các đấng sinh thành. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, để được lo cho bố mẹ nơi an nghỉ phải người nào thật có phúc, có phần mới được làm.
Mình đã chứng kiến có những gia đình vẫn coi như khi các cụ còn sống. Tháng nào con cháu cũng lên, không gia đình anh thì em cũng lên thắp hương, xong xuôi ngồi nói chuyện ở bàn ghế, chòi nghỉ chân ngay trong khuôn viên phần mộ, cảm giác có sự kết nối với bố mẹ, ông bà. Ở Lạc Hồng Viên chúng tôi chứng kiến rất nhiều gia đình có thể duy trì như vậy.
Nhiều người vẫn nói Lạc Hồng Viên là một công viên nghĩa trang đặc biệt nhất Việt Nam, điều khác biệt ở đây là gì thưa anh?
Lạc Hồng Viên không những là dự án tiên phong ứng dụng công nghệ vào việc quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, không chỉ ở Việt Nam mà thậm chí trên thế giới.
Từ năm 2010, Lạc Hồng Viên đã áp dụng dịch vụ cúng giỗ online. Mỗi gia đình sẽ có một tài khoản online giống như tài khoản ngân hàng thông tin cho khuôn viên của mình. Đối với những gia đình khi con cháu ở xa, đôi khi do điều kiện công tác không thể về tận khuôn viên phần mộ thăm viếng Cha Mẹ mình được khi cần sử dụng một gói dịch vụ như cúng giỗ online, KH có thể chọn hoa, vàng mã, đồ cúng lên bàn thờ... sau khi thắp hương điện tử xong có thể hóa vàng trên màn hình thiết bị, tất nhiên mọi thứ đều là ảo.
Sau đó nếu muốn cúng thực thì mọi người có thể đặt các dịch vụ tại ứng dụng từ chọn loại hoa theo mùa, đồ cúng, chọn ngày giờ... theo yêu cầu. Một số gói cao cấp thì có thể chọn luôn người cúng theo tuổi. Sau đó, tại nghĩa trang sẽ có người triển khai theo yêu cầu, rồi quay phim, chụp ảnh gửi lại cho khách hàng. Dịch vụ này đặc biệt rất tốt khi con cháu ở xa, ở nước ngoài không thể thường xuyên đến, hay khi dịch bệnh Covid-19 vừa qua thì thông qua ứng dụng vẫn có thể đặt các gói cúng giỗ tại nghĩa trang.
Lạc Hồng Viên cũng được áp dụng thực tế ảo có để đi tham quan toàn bộ khuôn viên dự án trực tuyến. Lạc Hồng Viên cũng có Apps (ứng dụng) riêng. Trên Apps sẽ cập nhật ảnh khuôn viên từng phần mộ của từng gia đình. Khi con cái nhớ bố mẹ đã mất hay nhớ người thân, ông bà tổ tiên thì có thể thỉnh thoảng mở ra xem và có thể nhẹ nhàng thắp một nén hương online. Sắp đến ngày giỗ Apps sẽ báo tin nhắn. Nếu ở xa không về được mình có thể yêu cầu một mâm cúng giỗ trực tiếp trên Apps. Chỉ vậy thôi là đã thấy ấm cúng trong lòng. Trong lĩnh vực nghĩa trang thì chúng tôi là đơn vị tiên phong thậm chí trên thế giới trong vấn đề ứng dụng công nghệ như thế này.
Vì vậy, xây dựng mỗi một khuôn viên phần mộ đẹp cho khách hàng để họ dành cho Cha Mẹ Ông Bà mình và mỗi lần đưa được thêm những dịch vụ, tiện ích mới đến với khách hàng là những niềm vui rất lớn với chúng tôi.
Trước kia khi anh bắt đầu xây dựng Lạc Hồng Viên, nhiều người cho rằng đây là ý tưởng "điên", đến bây giờ còn ai nói không?
Bây giờ người ta bảo ông này đi sớm, có tầm nhìn dài. Cũng may là mình còn sống chứ bây giờ mà lại ngoắc ngoải thì đúng thằng này điên thật (cười).
Nhiều người còn đặt cho tôi biệt danh "Tuấn Anh mồ mả", nghe nhiều rồi cũng thành quen, thành hay.
Làm nghĩa trang thường gắn với tâm linh, anh có phải một người mê tín không?
Mình tin một cách có biện chứng và nhân văn chứ không mê tín một cách u mê. Mình tin mọi thứ đều có năng lượng và người nào có đủ duyên sẽ cảm nhận được, kể cả là một đồ vật vô tri, vô giác. Tôi ví dụ bạn là người thích và trồng cây hoa hồng, hàng ngày mình chăm chút, lúc vui, buồn bạn đều ngắm hoa, bông hoa đó sẽ cho họ năng lượng tích cực, họ sẽ cảm thấy dễ chịu, khoan khoái. Nhưng nếu bạn là một người không yêu hoa, thậm chí dị ứng với hoa, đi qua nhìn thấy khó chịu thì rõ ràng là bạn không cho bông hoa cái gì, bông hoa cũng cũng chẳng cho mình cái gì.
Làm việc tâm linh tôi nghĩ đơn giản rằng, thành tâm thì sẽ linh ứng. Còn mê tín một cách thái quá nó mang ý nghĩa hơi tiêu cực.
Về quan niệm mồ mả theo tôi nếu nơi an nghỉ của các Cụ nhà mình "mồ yên mả đẹp", một nơi trang nghiêm, lịch sự thì bản thân cảm thấy tâm mình an, thanh thản, con người ta cảm thấy bình an thì tâm hồn lúc nào cũng thanh thản, sinh ra năng lượng rất tích cực. Nhưng khi mồ mả các Cụ nhà mình ở những nơi bị ồn ào, ô nhiễm hay bị động thì con cháu sẽ cảm thấy bất an, không vui, không thoải mái thì tự nhiên sinh ra khó chịu và những năng lượng tiêu cực cho chính bản thân họ.
Ông chủ một dự án bất động sản thường lúc nào cũng dành một phần cho mình ngôi nhà đẹp nhất. Anh có nghĩ xa hơn và làm tương tự hay không?
Có chứ! với mình việc này hoàn toàn bình thường. Tôi làm nghĩa trang thì phải là người tiên phong, nghĩa một cách rất tích cực. Ở Lạc Hồng Viên tôi cũng bớt một khu cho mình (cười).
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!