Ba tôi là trưởng khoa Phong cùi. Ông dành mấy mươi năm đời mình trong bệnh viện để chữa bệnh và chăm sóc cho những người mắc bệnh phong - căn bệnh thường bị người đời xa lánh vì có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hồi trung học, tôi vào viện của ba chơi sau mỗi chiều tan học. Tôi quan sát ba kiên trì mổ phục hồi chức năng cho các bệnh nhân. Họ phải trải qua nhiều ca mổ trong hàng năm trời để tay chân hoạt động bình thường trở lại. Éo le thay, người mắc bệnh này lại thường có hoàn cảnh khó khăn. Nên sau khi chữa bệnh cho họ xong, ba còn tạo công ăn việc làm cho các bệnh nhân cũ của mình như cho họ chăm sóc vườn lan hay làm việc trong nông trại nhà tôi. Khi trở về nhà ăn uống hay sinh hoạt, ba không dùng chung muỗng đũa hay nước chấm với các thành viên khác vì sợ lây nhiễm.
Nhiều lúc tôi tự hỏi: Tại sao ba lại chịu rủi ro nhiều đến vậy?
Ra đời bôn ba, tôi đã tự tìm thấy câu trả lời cho mình: Nếu thấy việc khó ai cũng từ chối làm thì những người đang gặp khó khăn trong xã hội sẽ ra sao? Tôi được ba truyền tinh thần bản lĩnh và cảm hứng sống theo cách âm thầm mà mạnh mẽ như vậy.
Tháng 2/2020, tôi ngồi trên xe vào khu cách ly ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi với tâm trạng bồn chồn. Thời điểm ấy, dịch mới chớm. Hành khách trên những chuyến bay từ nước ngoài về nước được chuyển thẳng đến khu cách ly này.
“Nếu mình bị nhiễm bệnh và ảnh hưởng tới gia đình nhỏ thì sao?”, ý nghĩ thoáng qua khi tôi biết mình có thể sẽ tiếp xúc với người mang nguy cơ lây nhiễm.
Tôi đến bệnh viện để tặng thiết bị camera chuông cửa thông minh. Thiết bị này được lắp trong các phòng áp lực âm, phòng xét nghiệm để giúp 3-4 y bác sĩ hỗ trợ được cho khoảng 300 bệnh nhân thông qua một ứng dụng cài trên điện thoại, nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp hoặc phải trực tại các phòng bệnh 24/24.
Nhanh chóng lấy lại thăng bằng, tôi nghĩ cùng lắm là đâu đó trong vòng mười mấy ngày tự cách ly rồi mới dám về nhà. May mắn, hôm đó đa số các phòng bệnh đều chưa tiếp nhận bệnh nhân. Lo sợ của tôi cũng tan biến lúc nào không hay.
Tôi đã tặng khoảng hơn 115 thiết bị chuông cửa cho Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện huyện Cần Giờ và viện Pasteur thành phố, chi phí khoảng 400 triệu. Những hình ảnh đầu tiên về quá trình chăm sóc bệnh nhân nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong phòng áp lực âm do báo chí đăng tải, đều là ảnh trích xuất từ thiết bị camera chuông cửa thông minh mà tôi đã trao tặng. Những y bác sĩ trong các bệnh viện ấy cũng là những đồng nghiệp của ba, tôi thấy ba rất vui vì con trai giúp được họ. Như ba ngày xưa làm ở khoa có nguy cơ lây nhiễm cao mà hầu như chẳng có thiết bị nào bảo vệ, giờ đây tôi đã tìm ra cách hữu ích như vậy rõ ràng là chuyện nên làm.
Đến đầu tháng 4/2020, khi thành phố bước vào giai đoạn cách ly xã hội và nhiều người bị đói vì mất việc, tôi dựng ATM gạo đầu tiên dưới sân nhà. Tôi bỏ ra 5 tấn gạo để phát cho mọi người nhưng đến cuối ngày thứ 2 thì tôi đã phát lố số lượng của 10 ngày tiếp theo. Vào thời điểm không biết lấy gạo đâu để phát nữa, phép màu xuất hiện.
Nhờ hiệu ứng của truyền thông hình ảnh về ATM gạo viral trên MXH, các doanh nhân, mạnh thường quân bắt đầu tìm đến để đóng góp, chung tay giúp đỡ người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn. Tôi choáng ngợp khi chứng kiến làn sóng thiện nguyện lớn chưa từng thấy. Từ vài tấn gạo ban đầu, tôi nhận được vài chục tấn rồi vài trăm tấn. Từ 1 máy ATM dựng ở sân nhà, tôi bắt đầu đi đến các điểm khác, tỉnh khác để dựng lên 100 máy trong vòng chỉ 15 ngày đầu của tháng 4.
Cách ly xã hội, mọi người ở nhà còn tôi bị cuốn theo ATM gạo. Khối lượng công việc tôi phải làm gấp 5-10 lần những lúc thường. Tôi phải đi tỉnh nhiều hơn, thời gian ngủ trung bình cỡ 7 tiếng nay giảm xuống còn 2-3 tiếng. Ngay cả những lúc rảnh nhất, tôi vẫn cứ làm nên cuộc đời thăng trầm theo những việc đó.
Nhân viên của tôi có nhiều người chịu áp lực lớn, lúc chưa dịch họ có thể là người làm ở bộ phận kỹ thuật, văn phòng… vào thời điểm cách ly xã hội hộ phải vác gạo, trông coi hệ thống, khối lượng công việc tăng lên nhiều lần, không chỉ dùng trí mà còn dùng cả sức.
Vợ tôi, một phụ nữ Malaysia, ngạc nhiên khi chứng kiến không khí thiện nguyện ở khắp nơi. Cô ấy thắc mắc: “Tại sao người Việt có nhiều người muốn làm từ thiện đến vậy?”.
Tôi ngẫm cũng đúng. Nếu ATM gạo này chạy ở một nước nào đó, chưa chắc đã thành công và thu hút nhiều người đóng góp đến vậy. Trong những lúc khó khăn, dân tộc mình rất đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái khiến những người nước ngoài cảm thấy bất ngờ. Vợ tôi đã chuyển từ tò mò sang khâm phục và cuối cùng cô ấy trở thành chỗ dựa về tinh thần lẫn người cộng sự của tôi trong quá trình lắp đặt các máy ATM gạo ở nhiều nơi khác.
Vợ chồng tôi gửi con (một bé 5 tuổi, một bé 3 tuổi) cho người trông trẻ và cũng nhờ ba tôi hỗ trợ chăm sóc. Trong vòng có mười mấy ngày đi về tỉnh phải dựng gần cả trăm điểm phát gạo, vợ chồng muốn dồn hết sức. Chúng tôi tâm niệm: Mười mấy ngày tuy ngắn nhưng nếu không có ATM gạo thì có hàng nghìn người phải nhịn đói suốt thời gian ấy. Một ngày trôi qua, tôi càng sợ mình sẽ hối tiếc, nên càng cố làm nhanh nhất có thể.
Hai đứa con tôi rất thích thú và tò mò về việc tại sao có nhiều người đứng trước nhà mình nhận gạo đến thế, lâu lâu thấy ba trên tivi bé cũng mừng rồi chỉ vào hãnh diện.
Tôi nghĩ không ít thì nhiều, những điều bé trông thấy cũng sẽ tác động đến nhận thức cũng như hình thành ý niệm làm từ thiện trong bé. Ba mẹ tôi cũng chưa bao giờ nói rằng làm từ thiện là phải như thế nào, giúp đỡ ra sao… song thông qua những việc mà ba mẹ đã làm, tôi tự suy nghĩ 1 hướng cho riêng mình.
Đến tháng 7, dịch tạm lắng và xã hội bước vào giai đoạn mới, vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế. Tôi không muốn dựng ATM phát gạo nữa vì điều đó sẽ tạo nên sự ỷ lại cho một bộ phận người lao động, tôi chuyển sang phát khẩu trang. Đây là cách tôi khuyến khích họ lao động an toàn. Thay vì số tiền dùng để mua khẩu trang, họ sẽ dùng nó để mua vài kg gạo.
Cuối tháng 9, địa chỉ đầu tiên đặt ATM gạo ở đường Vườn Lài, nơi từng có hàng dài người lao động đứng cách nhau 2 mét chờ đến lượt mình, đã biến mất. Thay thế là một quán ăn có quy mô lớn đang sang sửa mặt bằng để bắt đầu kinh doanh. Nhẹ nhõm có lẽ là cảm giác chính xác khi nhìn những đổi thay đang diễn ra. Khi không còn phát gạo nghĩa là cuộc sống cơ bản đã lấy lại được nhịp bình thường.
Dẫu vậy, tôi luôn ý thức được rằng người bị đói vì dịch có thể không còn, nhưng người nghèo, người già neo đơn và trẻ em mồ côi cần được giúp đỡ trong xã hội thì vẫn còn rất nhiều.
Vậy nên, tôi cùng một số anh em ở các doanh nghiệp khác sẽ mở một cái quỹ, trích 2% doanh thu công ty để làm ATM gạo. Máy này sẽ được đặt tại các tỉnh thành cả nước như trại trẻ mồ côi, bếp ăn từ thiện của các bệnh viện… Mình sẽ phát cho họ một cái thẻ để lấy gạo tự động. Người nào có nhu cầu cứ đến máy lấy, tuỳ theo số lượng được cấp trong thẻ. Ước chừng, mỗi trại trẻ sẽ lấy được khoảng 100-200 kg gạo/tháng.
Tôi muốn áp dụng công thức như cách mà ATM gạo đã áp dụng và rất thành công. Công thức là:
Khi tôi bỏ ra một số lượng nhất định để làm từ thiện thì các mạnh thường quân khác họ cũng bỏ vào thêm, tôi lấy một số chia sẻ cho những điểm khác, những điểm khác khi phát ra thì họ cũng sẽ nhận được vào.
Cũng giống như công thức tạo điều kì diệu từ ATM gạo, từ 5 tấn gạo ban đầu, tôi nhận được 300 tấn. Trong 300 tấn ấy, tôi dành 200 tấn để tặng cho mỗi một điểm (10-20 tấn mỗi nơi). Từ một điểm có 10-20 tấn ban đầu, họ lại tiếp tục nhận thêm vào và “quỹ gạo” sau đó đạt tới 100-200 tấn. Đó là lý do để tổng số lượng gạo trong chương trình (tính đóng góp của tôi và những bên khác) ước tính lên đến con số 10.000 tấn. Đây là con số khổng lồ trong từ thiện, tương đương đến cả hơn 100 tỷ đồng.
Tại sao tôi phải làm như vậy?
Trẻ em mồ côi và những người già neo đơn có những lúc họ nhận được rất nhiều, nhưng cũng có những lúc họ nhận được con số 0. Họ không thể ăn nhiều lúc này bù cho những lúc khác không có ăn.
Tôi muốn cùng mọi người tạo ra một số lượng lương thực cơ bản, đặt nó ở một nơi nếu họ thiếu họ có thể tới lấy. Hôm nay không lấy thì hôm sau, lấy theo tuần, theo tháng và theo quý. Người gặp khó khăn sẽ luôn biết có một nơi để mình được no bụng, sẽ luôn có một lối thoát khi cần. Những máy ATM ấy sẽ được cải tiến lại từ những ATM gạo được sử dụng trong dịch.
Làm từ thiện rất lời! Và bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm đó. Tôi bỏ ra 1, nhưng người khác họ nhận đến 100 - đó là lời. Bình thường, tôi bỏ ra 1 người khác chỉ nhận được 1 mà thôi. Còn lúc đó, tôi bỏ ra 1 tấn gạo thì người nghèo nhận được cả 99 tấn gạo từ những mạnh thường quân khác.
Tôi cảm giác rất vui, nó là cảm giác khi bạn bỏ ra một số tiền lớn để bản thân hưởng thụ cũng không vui được đến thế. Mấy anh trong hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng mà tôi có dịp gặp trong đợt ra đó tổng kết chương trình ATM gạo cũng chia sẻ với tôi cảm giác này.
Họ nói: Các anh rất muốn cảm ơn em, anh chưa bao giờ có được một cảm giác tuyệt vời như vậy dù trước đây từng bỏ ra hàng chục triệu, trăm triệu để làm mình vui. Thông qua công việc thiện nguyện này, bọn anh cảm thấy đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp và ý nghĩa quá. Tôi cũng đang trong hoàn cảnh ấy, nên thấm thía những lời các anh nói.
Vừa rồi, khi có người đến thuê mặt bằng để mở nhà hàng, tôi có đề cập chuyện giữ lại chiếc máy ATM gạo ở Vườn Lài. Đó cũng là một kỷ niệm với tôi nhưng bên thuê họ cũng cần mặt tiền nên phải dỡ đi.
May mắn là bên Bảo tàng Việt Nam đã liên hệ với tôi tỏ ý muốn trưng bày máy ATM gạo trong bảo tàng. Tôi thấy cũng đúng, vì ATM gạo đâu phải của riêng tôi, nó là của tất cả mọi người trên đất nước này, để ATM gạo hoạt động được cần phải có những mạnh thường quân cùng rất nhiều người Việt đóng góp. Nó là một tài sản của người Việt mình, có thể giữ nó trong bảo tàng thì rất hay.
Tạm kết:
Năm 2020 có thể là năm thất vọng của nhiều người nhưng Hoàng Tuấn Anh tự nhận đây lại là năm thành công nhất trong hơn ba mươi mấy năm cuộc đời mình. Anh mừng vì đã làm được 1 câu chuyện khá ý nghĩa, về sau cũng chưa chắc có thể thực hiện được nữa.
Đúng như Hoàng Tuấn Anh nhận định, dịch có thể kéo dài một hai năm nữa - người thất nghiệp rồi cũng sẽ tìm được lối thoát để thích nghi với cuộc sống mới, song nếu chúng ta cứ làm từ thiện theo tư duy truyền thống (cho người nghèo một lúc thật nhiều, lúc khác lại chẳng có gì) thì bức tranh tổng thể của xã hội không tươi sáng lên được. Cần có kế sách chung tay vì cộng đồng về lâu dài để từ thiện đúng người, đúng cách và có tác động bền vững hơn.
Hình thức lan toả điều tốt đẹp trong cuộc sống đã được kiểm chứng về độ hiệu quả không gì khác chính là ATM gạo. Anh Hoàng Tuấn Anh cùng sáng kiến của mình đã truyền đi tinh thần lạc quan, bản lĩnh để những người khó khăn có thêm hy vọng trong cuộc sống.
Với nỗ lực đem những giá trị tích cực tới cộng đồng, hành trình Road to WeChoice 2020 với sự đồng hành của Tiger Beer đã bắt đầu. Với nhiều nhân vật và câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích, là mang lại niềm cảm hứng sống tích cực và bản lĩnh đương đầu trước bất kỳ thử thách nào để một lần nữa tạo nên những diệu kỳ bản lĩnh Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi lan tỏa những giá trị này bằng cách chia sẻ câu chuyện của bạn ngay hôm nay nhé!
Truy cập Road to WeChoice 2020 để gửi câu chuyện của bạn về cho chúng tôi, bắt đầu từ ngày 22/9/2020.