Điển hình nhất, Trung Nam đã được Chính phủ cũng như UBND tỉnh và cho phép đầu tư nhà máy điện 450 MW kết hợp với trạm 500 kV. Trạm 500 kV hiện nay Trung Nam đầu tư thuộc vào một trong những trạm lớn nhất của EVN. Dự kiến tháng 8-9/2020 sẽ đóng điện 100%.
Đây là bước đột phá mà Đảng và Chính phủ cho phép tư nhân tham gia. Tuy nhiên, để tham gia vào mạng lưới truyền tải quốc gia, ông Tâm Tiến cho rằng đây là câu chuyện lớn.
Theo CEO này, tư nhân bước đầu chỉ tham gia vào phạm vi hẹp, nhưng phải nói rằng, Nghị quyết 55 đã giải quyết hai vấn đề lớn mà tư nhân quan tâm. Thứ nhất, tất cả những thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào việc phát triển và truyền tải nguồn năng lượng. Thứ hai, điểm mạnh của Nghị quyết là tháo bỏ tất cả rào cản và xóa bỏ độc quyền, để tư nhân tham gia truyền tải.
"Phát triển nguồn và truyền tải cần phải đồng bộ. Làm đường dây 500 kV tư nhân chúng tôi làm chỉ 6-8 tháng, EVN làm phải 4 năm, nhưng không phải EVN không thể làm bởi nền tảng kỹ thuật của EVN lớn hơn chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên để họ làm đầy đủ quy trình thì rất mất thời gian" - ông Nguyễn Tâm Tiến nói. "Ví dụ, chúng tôi có thể đền bù giải tỏa nhà máy 700 ha với sự hỗ trợ của tỉnh, giải quyết trong vòng 45 ngày. Đảng ra Nghị quyết 55 như cho chúng tôi đòn bẩy, vấn đề còn lại là điểm bẩy ở đâu? Là hành lang pháp lý, là việc các bộ ngành tham gia vào".
"Nếu như có đòn bẩy, mở toang cửa nhưng đi vào không biết lối thì sẽ luẩn quẩn trong vòng đó thôi. Không thể bẩy lên được nếu như không có điểm bẩy" - ông Tâm Tiến nhấn mạnh.
CEO Trung Nam bày tỏ mong muốn các bộ ngành hỗ trợ Chính phủ đưa ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia vào mảng rất lớn và đón đầu việc dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam.