Trao đổi với PV , ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành của Brand Finance châu Á Thái Bình Dương, công tư vấn định giá doanh nghiệp hàng đầu thế giới của Anh – cho rằng: "Bất kỳ nỗ lực tầm cỡ quốc gia nào được ca ngợi trên toàn cầu cũng đều là một tài sản thương hiệu quý báu cho quốc gia đó. Phản ứng Covid-19 cũng không ngoại lệ, nó chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến danh tiếng của đất nước và giá trị thương hiệu quốc gia". Song, làm thế nào để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội từ đó?
Việt Nam phải bắt đầu chiến dịch truyền thông về những thứ khác!
Năm 2019, ông từng nhận xét về việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam: "Thương hiệu quốc gia cần phải đứng trên quan điểm quốc tế, bởi vì cái nhìn bên trong sẽ rất chủ quan". Vậy trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên tập trung vào hướng nào để xây dựng thương hiệu quốc gia?
Để tôi ví dụ nhé. Nếu Việt Nam kiểm soát tình hình Covid -19 rất tốt, nhưng bản thân Covid-19 lại không nhận được sự quan tâm toàn cầu nữa thì Việt Nam cũng không được hưởng lợi.
Trên thực tế, những hình ảnh đẹp về Việt Nam ở thời điểm hiện tại có thể không nhất thiết là đến từ những chiến dịch truyền thông của Việt Nam, mà rộng hơn là từ những quan sát, so sánh được thực hiện bởi các phương tiện truyền thông toàn cầu. Sau khi việc giãn cách xã hội được dỡ bỏ trên toàn thế giới, dần dần, trọng tâm truyền thông sẽ chuyển sang các quốc gia khác và tiêu điểm tin tức từ Việt Nam có thể sẽ biến mất.
Giờ đây, Việt Nam phải bắt đầu chiến dịch truyền thông về những thứ khác, xa hơn cả cách quản lý đại dịch. Không chỉ là các yếu tố thành công quan trọng trong việc kiểm soát tình hình, không chỉ là sự chủ động và sẵn sàng của Chính phủ trong tình huống khủng hoảng, những thứ này đã được nói quá nhiều.
Quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam là thể hiện khả năng sản xuất cho những mặt hàng mà thế giới đang rất cần tại thời điểm này: khẩu trang, thiết bị y tế như máy thở, thuốc và vaccine, bộ dụng cụ xét nghiệm…
Không bao giờ được phép lãng phí một cuộc khủng hoảng! Việt Nam cũng nên tiếp tục nói về lực lượng lao động trẻ, Chính phủ chủ động, những lợi thế của Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho dù có hay không có khủng hoảng.
Thương hiệu quốc gia đi lên như vậy sẽ giúp ích thế nào cho thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
Cho dù thương hiệu quốc gia thực sự đi lên trong tình hình hiện tại, nó cũng không tự nhiên mà có ảnh hưởng tích cực đến các thương hiệu doanh nghiệp. Các thương hiệu doanh nghiệp cần sử chủ động nắm bắt điều đó và sử dụng nó như là lợi thế của họ.
Ví dụ, thương hiệu quốc gia được nâng cao trong tình hình Covid-19 có thể mang lại lợi ích cho các công ty xuất khẩu hoặc các công ty có hoạt động ở nước ngoài. Nhưng các doanh nghiệp cần phải nói với thế giới: "Chúng tôi đã mở cửa cho hoạt động kinh doanh, ngay từ khi thế giới vẫn còn đang bị khóa". Nếu không có sự kết nối, sẽ không có ai được hưởng lợi.
Doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt cơ hội đó?
Bắt đầu tập trung vào việc xây dựng các thương hiệu nội địa theo từng bước: tại địa phương, trong khu vực và trên toàn cầu.
Nhấn mạnh giá trị thương hiệu Việt Nam chính là một cách để thể hiện sự vượt trội của hàng Việt
Hiện nay, vì dịch bệnh, Việt Nam vẫn phải hạn chế thương mại với nước ngoài, nên việc phục hồi nền kinh tế sẽ phải phụ thuộc nhiều vào các thương hiệu trong nước. Vậy các thương hiệu trong nước nên làm gì để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế khi nhiều người vẫn lo lắng về sự tái phát?
Đây chính là thời điểm tốt nhất để các công ty trong nước và các tổ chức thương mại bắt đầu chiến dịch "Mua hàng nội địa". Chiến dịch này sẽ có lợi theo nhiều cách: vừa tạo thêm thu nhập và tăng trưởng cho các công ty địa phương, vừa đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hóa không bị gián đoạn, ngay cả khi các nhà sản xuất sản phẩm ở nước ngoài vẫn bị khóa.
Chính phủ nên khuyến khích người dân mua hàng nội địa bằng cách giảm thuế hoặc giảm giá. Trong thời điểm này, nhấn mạnh giá trị thương hiệu Việt Nam chính là một cách để thể hiện sự vượt trội của hàng Việt, cả hàng nội địa và hàng xuất khẩu đều có lợi từ Covid-19.
Sau khi đại dịch kết thúc, cơ hội cho các thương hiệu quốc gia cũng như các thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam là gì?
Sau khi đại dịch kết thúc, việc thúc đẩy các cơ hội thu hút FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất sẽ là chìa khóa. Ấn Độ đã bắt đầu tập trung vào điều này rất nhiều. Ở châu Á, Ấn Độ, Việt Nam, Sri Lanka... tất cả đều sẽ ở một vị trí rất thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng có thể có một nhóm các nhà đầu tư tìm mua lại các công ty Việt Nam trong cơ hội này. Và Chính phủ phải có các biện pháp để đảm bảo rằng, họ có thể bảo vệ các công ty Việt Nam khỏi việc phải "bán mình" cho người nước ngoài hoặc bị bán đi với giá quá rẻ.
Tình hình hiện tại sẽ tạo cơ hội để bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách bứt phá Chương trình Thương hiệu Quốc gia (Vietnam Value). Nhưng nếu không ai biết về chương trình này ngoài chính người Việt Nam, thì lợi ích cho xuất khẩu sẽ rất hạn chế. Vì vậy, tất cả các đối tác của Chương trình Thương hiệu Quốc gia phải nỗ lực tập trung để làm nổi bật sáng kiến Vietnam Value.
Nhưng cũng có một con dao hai lưỡi ở đó. Nếu thế giới bên ngoài thấy rằng cách thức tổ chức Chương trình Thương hiệu Quốc gia của Việt Nam yếu hoặc chương trình này không đủ mạnh để lựa chọn và chứng nhận thương hiệu của các công ty thì sẽ mang lại rất ít hoặc hầu như không mang lại lợi ích.
Theo ông, thứ hạng thương hiệu quốc gia Việt Nam có thể tăng trong năm 2020 hay không?
Việc xếp hạng thương hiệu phụ thuộc vào một số yếu tố. Tăng trưởng GDP là một trong những yếu tố quan trọng. Chi tiêu cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố quan trọng. Quyền lực mềm của đất nước cũng là một yếu tố để xem xét.
Không dễ để dự đoán các yếu tố kể trên Việt Nam sẽ được đánh giá như thế nào so với phần còn lại của thế giới. Hiện vẫn là quá sớm để có thể đánh giá.
Covid-19 được xác định là thời cơ chuyển đổi số và là cơ hội lớn cho các công ty công nghệ. Đối với các công ty công nghệ nói riêng, họ có thể làm gì để củng cố thương hiệu tại thời điểm này?
Đây là một tình huống đặc thù và tác động của nó thì còn phải xem xét liệu dịch bệnh có kéo dài để nó tiếp tục trở thành xu hướng hay không, và loại công ty công nghệ nào sẽ được hưởng lợi ngoài cuộc khủng hoảng.
Việc làm việc tại nhà rõ ràng sẽ có tác động tích cực đến một số công ty. Nhưng một khi mọi người được đi lại tự do, không phải làm việc tại nhà nữa, liệu doanh số bán hàng trực tuyến, các giải pháp trực tuyến và kỹ thuật số có còn tăng trưởng cao như vậy? Hay cuối cùng cuộc sống sẽ trở lại bình thường?
Nếu muốn tận dụng cơ hội, các giải pháp dịch vụ mới cần được xây dựng sao cho ngay cả khi đại dịch kết thúc, giá trị của nó vẫn còn tồn tại lâu dài.
Ví dụ, nếu một công ty công nghệ chỉ cung cấp các giải pháp phục vụ giãn cách xã hội, và đến một lúc nào đó luật pháp không còn quy định, hay chính người dân không còn cảm thấy cần giãn cách xã hội nữa, thì giải pháp đó hiển nhiên cũng sẽ không còn cần thiết.