Theo báo cáo của Google và Temasek, thương mại điện tử (TMĐT/e-commerce) toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, trên 43%/năm. Đồng thời, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ được dự đoán tăng từ 3% năm 2018 lên hơn 10% vào năm 2025.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất. Theo GlobalData, thị trường TMĐT Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, tổng chi tiêu trực tuyến tăng từ 90,1 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 218,3 tỷ đồng năm 2019; được dự báo chạm mức 399,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 17,3 tỷ USD) vào năm 2023.
Song song đó sẽ kéo theo cơ hội phát triển bùng nổ của các dịch vụ logistics, kho vận hậu cần, vận chuyển, thanh toán thuận tiện…, vốn là những yếu tố then chốt cho thành công trong ngành TMĐT hiện đại.
Trong thời gian khủng hoảng Covid-19 vừa qua, trái ngược với sự suy yếu của các ngành nghề khác nói chung và bán lẻ nói riêng, e-commerce và các dịch vụ bổ trợ đã lội ngược dòng, dẫn đầu xu hướng mua sắm toàn cầu. Tổng số đơn đặt hàng trên Shopee đạt 429,8 triệu trong quý đầu tiên, tăng 111,2% so với 203,5 triệu cho cùng kỳ năm ngoái. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đều coi đây là cú hích, là cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.
Boxme – startup tiên phong cung cấp giải pháp hậu cần kho vận cho TMĐT tại Việt Nam là một doanh nghiệp như vậy. Theo anh Hán Văn Lợi - CEO của Boxme, ngoài những khó khăn bất khả kháng như quy trình vận hành bị chậm lại do nhiều khu vực thực hiện giãn cách xã hội, doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng 45 – 50% một tháng.
"Đôi khi khó khăn của người khác lại là cơ hội cho mình", anh Hán Văn Lợi, CEO Boxme chia sẻ.
Cơ hội luôn song hành với thử thách
Đi vào hoạt động từ năm 2015, từ một công ty cung cấp giải pháp công nghệ, hiện BoxMe đã trở thành mạng lưới dịch vụ hậu cần hỗ trợ thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp giải pháp tổng thể về lưu kho, thông quan, vận chuyển, thanh toán…, hiện thực hoá mong muốn bán hàng xuyên biên giới, vươn ra quy mô toàn cầu của nhiều doanh nghiệp.
Sau 5 năm hoạt động, Boxme hiện có công ty con cung cấp dịch vụ tại 6 nước và 10 kho hàng trong khu vực, là đối tác với hơn 50 đơn vị vận tải, TMĐT trong nước và quốc tế, phục vụ hàng chục nghìn khách hàng với trung bình hơn 2 triệu đơn. Cho đến nay, Boxme đang là doanh nghiệp duy nhất với hệ thống hậu cần hoàn thiện trên quy mô Đông Nam Á cùng mạng lưới đối tác tại Trung Quốc, Mỹ, Hong Kong…
Tuy nhiên, theo anh Lợi, công ty anh tiên phong ở Việt Nam nhưng so với khu vực và thế giới vẫn đi sau rất nhiều. Cụ thể, trên thế giới, dịch vụ logistics 5PL (e-logistics: quản lý tất cả các bên liên quan trong chuỗi phân phối trên nền tảng thương mại điện tử) đã được triển khai nhiều năm thì tại Việt Nam mới đang phổ biến dịch vụ 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3) và mới đây là 4PL (chuỗi logistics, dịch vụ logistics được cung cấp đầy đủ) nhưng số lượng chưa nhiều. Ngay cả Boxme cũng mới chỉ dừng ở 4PL, chưa thể triển khai 5PL chuyên nghiệp và bài bản.
Như vậy, muốn theo kịp tốc độ phát triển của TMĐT toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực gấp 3, gấp 5 lần. Đặc biệt là sau "cú hích" Covid, thị trường sẽ phát triển và mở rộng rất nhanh, đồng nghĩa với cạnh tranh khốc liệt hơn.
Hơn nữa, thị trường tiềm năng như Việt Nam sẽ là "miền đất hứa" với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài. Theo anh Lợi, với thế mạnh về vốn, nhiều khả năng họ sẽ chi mạnh để giảm thời gian xây dựng doanh nghiệp và chiếm lĩnh thị trường.
"Ví dụ như để mở được một kho hàng diện tích 10.000m2, một doanh nghiệp Việt phải mất 3 năm để tìm kiếm, tích góp vốn… Nhưng khi doanh nghiệp nước ngoài nhận ra tiềm năng của thị trường, họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đầu tư luôn kho 20.000, 30.000m2, nhanh và lớn gấp mấy lần mình. Với sự đầu tư bài bản, quy mô ra tấm ra món, uy tín hơn và đưa ra mức giá tương đương, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó mà cạnh tranh, có khi đối mặt nguy cơ bị đào thải khỏi cuộc chơi nếu không phát triển nhanh", anh Lợi giải thích.
Tuy nhiên, CEO Boxme cũng lưu ý, các doanh nghiệp nội địa khi cạnh tranh cần tỉnh táo, không nên sử dụng chiêu trò, đặc biệt là "chiêu" phá giá. Logistics là một ngành rộng lớn, mỗi doanh nghiệp sẽ có một đặc thù, một phân khúc khách hàng riêng và cũng có hạn chế, rào cản riêng. Nên thay vì "kèn cựa", mỗi doanh nghiệp nên tập trung vào thế mạnh của mình để phát triển nó, tạo lợi thế cạnh tranh độc đáo trên thị trường.
Anh Lợi nói: "Nhiều doanh nghiệp nội địa khi mới tham gia thị trường thường nghĩ mình sẽ đạt được thành công bằng cách học hỏi lại mô hình, kinh nghiệm của những công ty đã đi trước rồi đưa vào một chút khác biệt, thậm chí có thể là phá giá để hút khách. Tuy nhiên thị trường đã định hình, miếng bánh có đủ cho mọi người, mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng nên không cần phải cạnh tranh theo kiểu ‘giết’ nhau, phá giá là một hình thức tự ‘giết’ lẫn nhau như vậy. Điều chúng ta cần làm là cạnh tranh để cùng phát triển"
Với những startup sắp tham gia vào lĩnh vực logistics, CEO Boxme đưa ra lời khuyên: "Đây là ngành thiết yếu, cốt lõi của mọi nền kinh tế nên cuộc chơi sẽ còn rất xa và dài. Thị trường sẽ phát triển nhanh nhưng luật chơi sẽ không dễ dàng thay đổi trong thời gian ngắn. Các startup không nên chạy theo quy mô, cái đã là thế mạnh của những doanh nghiệp đi trước. Thay vào đó, hãy tìm ra vòng quay về vốn, tìm ra thế mạnh và tập khách hàng có thể tạo lợi nhuận cho mình mới có thể phát triển bền vững".
Những bài học xương máu
Theo chia sẻ của anh Lợi, để có được ngày hôm nay, BoxMe đã nhiều phen tưởng chừng "đâm đầu vào đá" vì đưa ra những quyết định sai lầm.
"Là doanh nghiệp đi tiên phong, nhiều người sẽ nghĩ BoxMe có nhiều lợi thế. Nhưng không. Người đi đầu thường cô đơn và hay đi sai đường mà không biết", anh Lợi nói.
Xuất phát điểm là cử nhân công nghệ thông tin, khi mới thành lập Boxme, anh Lợi định vị mình là công ty công nghệ. Chỉ tập trung làm tốt và cung cấp giải pháp công nghệ, lấy đây làm nền tảng để hợp tác với các doanh nghiệp khác về kho bãi, vận chuyển… Nhưng hậu cần TMĐT gồm nhiều khâu nên khi không làm chủ được dịch vụ, mọi quy trình trở nên rất chậm, chất lượng dịch vụ nằm ngoài tầm kiểm soát.
"Giống như Grab, công nghệ là nền tảng nhưng chính các tài xế mới là người quyết định dịch vụ của mình như thế nào. Thời điểm đó, Boxme hoàn toàn không làm chủ được dịch vụ nên mọi quy trình rất chậm và khó thực hiện. Cứ như thế, chúng tôi mất tới 2 năm dậm chân tại chỗ không làm được gì, tưởng chừng như đâm đầu vào đá", CEO Boxme chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, BoxMe ban đầu còn định vị sai tập khách hàng khi nhắm cả vào những người buôn bán online nhỏ lẻ với suy nghĩ "ai bán hàng online thì đều cần kho". Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Những người bán hàng online quy mô nhỏ chỉ cần sử dụng chính chỗ ở của mình làm kho, vừa chủ động, vừa tiết kiệm chi phí, không "tội gì" phải bỏ tiền thuê bên thứ 3.
Đến năm 2018, sau vài "đòn đau", BoxMe mới quyết định tự xây dựng hệ thống kho hàng dù sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi chi phí cố định rất lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng có như vậy, công ty mới có thể làm chủ dịch vụ, dần ổn định việc kinh doanh và mở rộng quy mô ra tầm khu vực; nhắm vào những khách hàng doanh nghiệp, có thương hiệu…
Khi tìm đường mở rộng thị trường ra nước ngoài, Boxme lại một lần nữa lựa chọn sai khi nhắm vào Indonesia đầu tiên vì nghĩ rằng, sự tương đồng về kinh tế, con người, văn hoá tại đây sẽ mang lại nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, những rào cản quá lớn về pháp luật lại khiến anh Lợi và đồng sự mất thêm 2 năm lăn lộn xoay xở mà không thể gia nhập thị trường.
"Chúng tôi mất 2 năm ở Indo mà không thu được gì vì rào cản về luật pháp quá lớn. Họ có chủ trương bảo hộ doanh nghiệp trong nước nên rất khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài. Nếu như ở Việt Nam chỉ mất vài ngày thì ở Indo có thể mất tới 6 tháng đến 1 năm riêng cho việc thành lập công ty", anh Lợi hồi tưởng.
Tuy nhiên, bí quyết kinh doanh bền vững trong mọi ngành nghề luôn là mang lại cho khách hàng sản phẩm, dịch vụ tốt nhất. Theo anh Lợi, chính khách hàng là người giúp Boxme ra nước ngoài thành công. Phần lớn khách của Boxme đều là doanh nghiệp hoạt động xuyên quốc gia. Thấy dịch vụ tốt, họ chủ động đề nghị hỗ trợ mở rộng ra ngoài khu vực.
Anh Lợi kể lại: "Khi đó, doanh nghiệp của chúng tôi vẫn rất nhỏ, chỉ nghĩ làm mọi thứ có thể để phục vụ được khách hàng một cách tốt nhất trong khả năng. Thấy mình làm tốt, họ chủ động tới đặt vấn đề mở rộng ra nước ngoài. Điều may mắn là Boxme được hợp tác với những doanh nghiệp xác định câu chuyện làm toàn cầu mà không giới hạn thị trường".
Nắm bắt cơ hội, Boxme đã thành công lấn sân thị trường Thái Lan đầu tiên, sau đó dần mở rộng ra Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines,…; tìm được đối tác chiến lược tại Trung Quốc, Hong Kong, Mỹ…, hướng đến tối ưu hoá mạng lưới hậu cần kho vận trên toàn khu vực.
Anh Lợi nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển tốc độ như hiện nay, các doanh nghiệp phải học cách xoay chuyển và thích nghi nhanh. Trong đó, muốn hạn chế rủi ro, doanh chủ cần đưa ra được quy trình tiêu chuẩn cho việc tái cấu trúc, thay đổi quy mô hay quản trị nhân sự. Thời gian dịch bệnh vừa qua chính là một bài học, khi có khủng hoảng ập đến bất ngờ, quy trình có sẵn sẽ giúp doanh nghiệp ứng phó chủ động và giảm thiểu thiệt hại.
Lợi thế khi là người Việt Nam
Khi được hỏi về thành tựu của Boxme trong 5 năm hoạt động, anh Lợi không nói đến số lượng kho hàng hay khách hàng mà chỉ trả lời: "Chúng tôi đã định vị được tiếng nói của mình trong khu vực, định vị được chúng tôi là doanh nghiệp Việt Nam".
Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều nước, với nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau, anh Lợi cho biết, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế về nền tảng công nghệ tốt hơn, chi phí rẻ hơn. Người Việt cũng thông minh, nhanh nhạy, linh hoạt hơn nên đây đã là một thế mạnh khi doanh nghiệp muốn "go global".
Sau thời gian khủng hoảng vừa qua, Việt Nam cũng đã khẳng định thêm sức mạnh của mình khi là một trong những quốc gia đầu tiên kiểm soát được dịch Covid trên thế giới và tập trung khôi phục nền kinh tế. Trong công cuộc này, e-commerce là một trong những ngành mũi nhọn, được chính phủ tạo nhiều điều kiện bằng cách thay đổi các cơ chế, chính sách. Nhà nước ta đang đặt ra mục tiêu 55% dân số sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2025 nên có thể nói rằng, đây chính là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hoà cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, anh Lợi vẫn kỳ vọng chính phủ sẽ sớm có biện pháp cải thiện 2 yếu tố, đó là hạ tầng và chi phí logistics. Đây chính là hai điểm nghẽn còn tồn tại, góp phần làm chậm đà phát triển của TMĐT và dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.
Trong nghiên cứu Hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2019 cũng từng nêu rõ: "Vấn đề khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng cho dịch vụ logistics chưa được đầu tư, nâng cấp tương xứng và phù hợp với yêu cầu phát triển nhanh, hiện đại của dịch vụ logistics trên thế giới". Điều này sẽ dẫn đến chi phí vận tải đắt đỏ, giảm khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực"
Anh Lợi phân tích: "Các chi phí cấu thành nên giá bán đều ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Chi phí và hạ tầng logistics không đủ tốt thì hình thức mua bán online sẽ không có nhiều lợi thế hơn so với mua sắm truyền thống. Chi phí hậu cần tại Việt Nam còn khá đắt đỏ, nếu chưa thể thực hiện ngay các biện pháp cải thiện hạ tầng, tôi mong rằng nhà nước sẽ có những ưu đãi khác, như giảm thuế, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và ngành TMĐT nói chung".