Lá thư của
Kylian Mbappé - cầu thủ đắt giá nhất hành tinh vừa may mắn thoát khỏi đại dịch Covid-19 là một câu chuyện dài, và chắc chắn với những cầu thủ trẻ trên toàn thế giới, nó là lời động viên ngập tràn tình cảm với những tâm hồn luôn giữ cho mình sự mộng mơ, dù ước mơ của họ có xa vời đến đâu đi nữa. Nhìn vào Kylian Mbappé ngày hôm nay, mới thấy những giấc mơ ấy gần gụi đến nhường nào.
Gửi đến những đứa trẻ ở Bondy,
Gửi những đứa trẻ ở Île-de-France (vùng thủ đô nước Pháp, bao gồm 8 tỉnh - pv),
Gửi những đứa trẻ lớn lên ở vùng ngoại ô,
Tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện.
Chắc chẳng ai ngạc nhiên khi tôi nói rằng câu chuyện này là về bóng đá đâu nhỉ? Với tôi, bóng đá là tất cả. Cứ hỏi cha tôi thì rõ. Khi tôi mới lên 3, ông đã mua tặng tôi một chiếc xe ô tô 4x4 vào dịp sinh nhật của mình. Chiếc xe chạy bằng điện, oách lắm. Tôi có thể ngồi vào trong và lái nó đi loanh quanh. Nó có chân ga và mọi thứ như ô tô xịn.
Ngày ấy, bố mẹ đã cho tôi lái xe từ nhà đến sân bóng, thực ra là ngay bên kia đường. Tôi trông như một cầu thủ thực thụ chuyên nghiệp lái xe đến sân tập vậy. Tôi lái xe rất nghiêm túc, như một cầu thủ thực thụ, chỉ thiếu mỗi túi đồ để tắm rửa sau trận đấu nữa mà thôi.
Nhưng ngay khi đến nơi, tôi đỗ xe vào một góc để cắm mặt vào đá bóng. Chiếc xe tuyệt vời đó khiến đám bạn của tôi ghen tỵ ra mặt, nhưng khi ra sân bóng, tôi không thèm quan tâm gì đến nó nữa.
Tôi chỉ muốn được đá bóng mà thôi.
Với tôi, quả bóng là tất cả.
Bởi thế, bạn biết vì sao xuyên suốt toàn bộ câu chuyện này là bóng đá rồi đấy. Nhưng thật ra, chẳng cần phải yêu bóng đá thì mới cảm nhận được câu chuyện của tôi. Bởi đây còn là câu chuyện có thật về những giấc mơ. Ở Bondy, ở vùng ngoại ô này, chúng tôi nghèo lắm. Nhưng chúng tôi là những kẻ mộng mơ. Sinh ra đã vậy rồi, tôi nghĩ thế. Có lẽ bởi mơ mộng thì không tốn nhiều tiền lắm. Thực ra là nó miễn phí.
Khu phố của chúng tôi là nơi hội tụ đáng kinh ngạc của rất nhiều nền văn hóa khác nhau: Pháp, châu Phi, châu Á, Ả rập, mọi nơi trên thế giới... Ở bên ngoài nước Pháp, người ta luôn nhắc đến khu ngoại ô với những điều chẳng mấy tốt đẹp, nhưng là bởi họ không ở đây, nên chẳng thể thực sự biết nó thế nào.
Người ta nói về "côn đồ", giống như kiểu nơi đây khai sinh ra chúng. Nhưng khắp thế giới, ở đâu mà chả có côn đồ. Thực tế khi tôi còn bé, tôi vẫn thấy những người khốn cùng nhất trong khu phố mang đồ đến biếu bà tôi. Trên tin tức, họ chẳng bao giờ nói về phần văn hóa tốt đẹp của chúng tôi cả. Những thứ được rêu rao toàn điều xấu, chả có gì tốt đẹp cả.
Sự thực là có một quy tắc ở Bondy mà mọi người ở đây đều biết và tuân theo. Tất cả đều được học từ khi còn bé. Nếu bạn đi xuống phố và thấy 15 người đứng cùng nhau ở góc đường, và bạn chỉ biết có duy nhất một người trong số đó, bạn có 2 lựa chọn: vẫy tay và đi tiếp, hoặc dừng lại và bắt tay cả 15 người.
Còn nếu bạn bước tới nhưng chỉ bắt tay có một người, thì 14 người còn lại sẽ không bao giờ quên bạn. Họ sẽ biết bạn là loại người nào.
Thật buồn cười, vì tôi đã mang theo điều này của Bondy theo suốt cuộc đời. Mới năm ngoái thôi, trong lễ trao giải FIFA's Best Award, tôi cùng bố mẹ đi loanh quanh trước khi buổi lễ bắt đầu, và thấy Jose Mourinho đứng ở góc phòng. Tôi đã gặp ông ấy trước đây, nhưng khoảng bốn năm người đứng cạnh thì chưa bao giờ gặp. Lúc đấy, xuất hiện "khoảnh khắc Bondy". Tôi suy nghĩ liệu chỉ vẫy tay chào Mourinho là đủ, hay đi qua đó?
Rốt cuộc, tôi bước đến cạnh ông, chào và bắt tay, và rồi cứ thế với lần lượt những người bạn của ông.
"Xin chào!" Bắt tay.
"Xin chào!" Bắt tay.
"Xin chào!" Bắt tay.
"Xin chào!" Bắt tay.
Thật buồn cười, bởi mọi người đều rất ngạc nhiên, kiểu như: "Ồ, cậu ấy chào mình à? Xin chào!".
Khi chúng tôi rời đi, bố tôi cười và nói với tôi: "Đúng kiểu Bondy đấy".
Nó giống như một phản xạ. Đó là quy tắc mà chúng tôi nhìn vào nó mà sống. Ở Bondy, tôi học được những giá trị vượt xa bóng đá. Tôi học được cách đối xử với mọi người như nhau, bởi tất cả đều ở đây. Tất cả đều mơ chung một giấc mơ.
Tôi và bạn bè của mình không hi vọng trở thành cầu thủ bóng đá. Chúng tôi không mong đợi nó. Chúng tôi không lên kế hoạch. Chúng tôi mơ ước. Có một sự khác biệt. Rất nhiều trẻ em treo áp phích mang hình những siêu anh hùng trong phòng ngủ của mình. Còn chúng tôi phủ kín tường phòng ngủ của mình bằng hình ảnh các ngôi sao bóng đá. Tôi có rất nhiều áp phích của Zidane và Cristiano Ronaldo. (Thật ra là khi lớn hơn rồi, tôi cũng có cả áp phích của Neymar nữa. Anh ấy đã rất buồn cười khi biết chuyện này, nhưng đó là chuyện khác).
Đôi khi người ta cứ hỏi là tại sao có rất nhiều tài năng bóng đá đến từ các khu phố ngoại ô như của chúng tôi, kiểu như do nguồn nước, hoặc chúng tôi được đào tạo theo kiểu khác biệt, kiểu như Barcelona ấy. Không phải thế, khi đến AS Bondy, họ sẽ thấy chỉ là một CLB bóng đá rất bình thường, rất khiêm tốn. Cũng vài tòa chung cư, vài sân bóng cỏ nhân tạo. Nhưng tôi biết, đó là bởi với chúng tôi, bóng đá là điều gì đó rất khác. Nó quan trọng. Nó là thứ chúng tôi không thể thiếu mỗi ngày. Nó cũng giống như bánh mì và nước uống vậy.
Tôi nhớ giải đấu của trường cấp 2 ngày ấy. Tất cả các học sinh lớp 6, 7, 8, 9 đều tham gia. Nó giống như World Cup của chúng tôi. Chúng tôi chơi bóng để giành chiếc cúp nhựa chỉ có giá 2 euro, nhưng với chúng tôi, phải sống chết để nhất định phải giành được nó. Trong khu 93 của tôi, nó là danh dự.
Giải đấu ấy thật buồn cười, bởi luật là tất cả các đội phải được trộn lẫn, cả con trai lẫn con gái. Thật không may là chẳng mấy khi bọn con gái thích tham gia giải đấu này, nên chúng tôi phải sống chết đàm phán cho bằng được. Tôi nhớ từng nói với một cô bạn rằng nếu cô ấy nỗ lực hết sức trên sân cỏ và chúng tôi giành cúp, tôi sẽ mua cho cô ấy một quyển sách tô màu mới. Tôi đã phải cầu xin cô ấy.
Có thể bạn nghĩ rằng tôi phóng đại, nhưng nó thực sự có ý nghĩa với chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn nói: "Đây là Chín Ba. Chúng tôi không thể thua". (93 - là mã vùng của khu ngoại ô Paris mà Bondy nằm trong đó).
Chúng tôi đã chiến đấu để giành chiếc cúp trị giá 2 euro ấy như thể nó là chiếc cúp vàng World Cup Jules Rimet. Khi chúng tôi tập trung toàn lực vào giải đấu cũng là quãng thời gian gian khổ của các giáo viên. Với họ, tôi thực sự nên nói lời xin lỗi. Tôi vẫn nhớ một ngày đi học về với 9 tội khác nhau từ đích thân thầy hiệu trưởng.
"Kylian không làm bài tập về nhà".
"Kylian quên đồ dùng học tập".
"Kylian nói chuyện về bóng đá trong giờ học Toán".
Đầu óc của tôi để trên mây. Tôi chơi bóng khá giỏi, nhưng bước ngoặt của tôi - bước ngoặt thực sự của cuộc đời tôi là trận đấu tranh "Cúp 93" khi tôi 11 tuổi. Chúng tôi lọt vào đến bán kết, và trận đấu được tổ chức ở một sân vận động đích thực ở Gagny, thậm chí tôi còn nhớ như in rằng trận đấu ấy được tổ chức vào ngày thứ Tư. Với tôi, ký ức ấy sâu đậm đến thế cơ mà.
Tôi chưa bao giờ được chơi bóng trong một sân vận động lớn đến như thế trước đây, với rất nhiều khán giả. Tôi cảm thấy kinh hoàng. Tôi thậm chí còn không chạy nổi vì quá sợ hãi. Tôi hầu như chẳng chạm được vào quả bóng nào. Và tôi sẽ chẳng bao giờ quên cái cảnh sau trận đấu, mẹ tôi bước ra sân và nắm lấy tai tôi.
Không phải vì tôi đá kém. Mà bởi vì tôi sợ.
Mẹ nói: "Con sẽ phải nhớ điều này cả đời. Con phải luôn tin vào bản thân mình, ngay cả khi con thất bại. Con có thể bỏ lỡ 60 bàn thắng. Không ai quan tâm đến điều đó cả. Nhưng nếu con bỏ cuộc vì sợ hãi, điều đó sẽ ám ảnh con cả đời".
Tôi vẫn nhớ từng lời mẹ nói ngày hôm ấy, và nó đã thực sự khiến tôi thay đổi, đến mức tôi không còn sợ hãi thêm bất cứ lần nào trên sân bóng nữa, và suốt cuộc đời này, tôi vẫn sẽ thế. Sẽ không có một Kylian Mbappé ngày hôm nay nếu không có mẹ tôi, bố tôi, đồng đội và bạn bè của tôi...
(Còn tiếp)