Tiếng Việt là ngôn ngữ giàu đẹp, đa dạng và phong phú bởi cấu tạo, ngữ nghĩa. Cùng một sự vật nhưng có nhiều cách chỉ, cách gọi khác nhau. Chẳng hạn như chúng ta thường gọi con bò con là "bê", trâu con là "nghé", chó con là "cún". Đây là cách gọi thân thuộc, đã có từ lâu đời.
Trong đó, chó con hay còn gọi là "cún" là vật nuôi gần gũi với con người. Cún còn là người bạn thân thiết của những em nhỏ. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc vì sao lại gọi chó con là "cún" mà phải không là một từ nào khác? Vậy "cún" có nghĩa là gì, nguồn gốc từ đâu, hãy tham khảo ngay bài viết để có thêm kiến thức bổ ích. Từ "cún" có nguồn gốc cực kỳ thú vị mà bạn chưa biết đấy!
Thực tế, "cún" không phải là một từ mới đây mà đã xuất hiện từ lâu đời. Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản vào đầu thế kỷ XX có giảng: "Cún" – Tiếng gọi con chó con.
Theo học giả An Chi, "cún" là một điệp thức của chữ "khuyển", nghĩa là "chó". Chữ này có phát âm trong tiếng Quan Thoại là "quăn", trong tiếng Quảng Đông là "hun", trong tiếng Mân Bắc là kụing, ít nhiều có sự gần gũi với từ "cún".
Ngoài ra, từ "cún" không được ghi nhận trong Từ điển Việt – Bồ - La, chứng tỏ từ này ra đời vào khoảng thế kỷ XVII – XIX. Đây là giai đoạn mà nhiều từ Tiếng Việt được mượn từ Tiếng Hoa bằng lối phiên âm trực tiếp chứ không phải chiết tự.
Bên cạnh "khuyển", ta còn có chữ "cẩu" để chỉ chó. Chữ này vốn có Hán tự là 狗, được học giả Vương Lực chứng minh có nguồn gốc với chữ "cẩu", nghĩa là "hổ con, chó con". Bản thân Hán tự của chữ "cẩu" lại là nguồn gốc của "gấu" trong Tiếng Việt.
Tóm lại, trong 2 từ Hán Việt chỉ "chó" thì có thể thấy "khuyển" có họ hàng với "cún", còn "cẩu" có quan hệ với "gấu".
Thông tin cho những ai chưa biết, chó con hay còn gọi là "cún" là một con chó vị thành niên. Chúng thường nặng từ 1 – 7kg, màu lông thay đổi khi lớn lên. Thuật ngữ "puppy" trong Tiếng Anh để chỉ những chú chó nhỏ. Đây cũng là cách gọi chó con được sử dụng thông dụng.
Lúc đầu, chó con dành phần lớn thời gian để ngủ và phần còn lại cho ăn. Khi được 1 tháng tuổi, chó con dần dần cai sữa và bắt đầu ăn thức ăn đặc. Theo bản năng, chúng thường nằm đè lên nhau và trở nên khó sống nếu bị tách khỏi sự tiếp xúc vật lý với lứa.
Chó con được sinh ra với khứu giác đầy đủ chức năng, chúng không thể mở mắt. Trong 2 tuần đầu tiên, tất cả giác quan của chó con đều phát triển nhanh chóng. Trong giai đoạn này, mũi là cơ quan cảm giác chính được sử dụng để tìm vị trí của mẹ. Chó con sẽ mở mắt khoảng 9 – 11 ngày sau khi sinh. Lúc đầu, võng mạc của nó kém phát triển và thị lực kém.
Ngoài ra, tai của chúng vẫn hạn chế cho đến khoảng 13 – 17 ngày sau sinh mới phản ứng tích cực với âm thanh. Từ 2 – 4 tuần tuổi, chó con bắt đầu gầm gừ, cắn, vẫy đuôi và biết sủa. Chó con phát triển rất nhanh trong 3 tháng đầu tiên. Đặc biệt là sau khi mở mắt và tai thì chúng không còn phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ nữa.
Chó con là động vật có tính xã hội cao và dành phần lớn thời gian tương tác với mẹ hoặc bạn cùng lứa. Khi chó con được xã hội hoá với con người, đặc biệt là trong độ tuổi từ 8 – 12 tuần, chúng sẽ phát triển các kỹ năng để thích nghi với môi trường sống.