Chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở bắp thịt, thường là co cơ lạnh hay hoạt động quá sức. Nhưng tại sao tình trạng này được gọi là "chuột rút" mà không phải là "mèo rút", "heo rút" hay là bất cứ một con vật nào khác. Nếu chưa biết nguyên do thì bạn hãy tham khảo ngay kiến thức hữu ích sau đây.
Theo nhiều tư liệu, điều này được cho là do sự đồng âm của "con chuột" và "bắp thịt" trong một số ngôn ngữ. Cụ thể như sau:
- Trong tiếng Hy Lạp, "mus" vừa có nghĩa là "chuột" (rat, souris), vừa có nghĩa là "bắp thịt" (muscle).
- Trong tiếng Pháp, bắp thịt của con dê, con cừu, con hươu, con nai được gọi là "chuột" (souris).
- Trong tiếng Nga, từ "bắp thịt" cũng có nguồn gốc từ "chuột".
- Trong tiếng La Tinh, từ "bắp thịt" là "musculus", vốn phát sinh từ "mus", có nghĩa là "chuột".
Ngoài ra, có một số định nghĩa thú vị về chuột rút trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức như sau: "Chuột rút: Vọp bẻ".
Thực tế, "vọp bẻ" cũng dùng để chỉ tình trạng co cơ, tương tự như từ "chuột rút". Tuy nhiên, từ này được sử dụng phổ biến ở Nam Bộ. Theo người dân địa phương, "vọp" là một loài thuỷ sản sống ở đầm lầy.
Người miền Nam có thói quen dùng con vật để tạo ra các lối nói hài hước như: Đuối nước gọi là bị "hà bá rước"; người khoẻ mạnh thì gọi là "cái thây cọp ăn ba ngày không hết",… Ngày xưa, người ta phải lội nước rất nhiều để mò cua bắt ốc, làm việc đồng áng. Trong lúc lội nước mà bị căng cơ thì lại đổ cho… con vọp nó bẻ chân. Từ đó hình thành lối nói "vọp bẻ".
Tóm lại, "chuột rút" là một cách nói bắt nguồn từ phương Tây, dựa trên sự đồng âm của "chuột" và "bắp thịt". Trong miền Nam, hiện tượng này còn được gọi là "vọp bẻ".
Cho những ai chưa biết, chuột rút xảy ra vào ban đêm, thường là những cơn co thắt đột ngột hoặc thắt chặt các cơ ở bắp chân. Chuột rút đôi khi có thể xảy ra ở đùi hoặc bàn chân và thường đến khi đang ngủ hoặc vừa tỉnh giấc. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị chuột rút ở những nhóm cơ ở: Thành bụng, bàn tay, cánh tay.
Khi bị chuột rút, bạn thường có cảm giác đau nhức, thậm chí là rất đau và không có khả năng cử động cơ đó trong chốc lát. Nhiều người vẫn nghĩ đây chỉ là hiện tượng thông thường nên ít quan tâm. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng (xảy ra ở các phủ tạng như: Tim, não) nếu không biết phòng ngừa và xử lý kịp thời.
Hiện nay, vẫn chưa tìm thấy rõ cơ chế gây ra hiện tượng chuột rút. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, chuột rút có thể đến từ các nguyên nhân sau: Vận động quá sức; do thiếu canxi, magie và kali; do sự lão hoá hệ thần kinh, hệ cơ hay hệ mạch; sự hoạt động thái quá của các hệ thần kinh cơ bắp; mất nước, mất cân bằng chất điện giải; tâm trạng căng thẳng, lo lắng; dấu hiệu của một bệnh lý; thường xảy ra ở phụ nữ mang thai.
Khi bị chuột rút, bạn có thể thực hiện các biện pháp: Vận động hoặc đi bộ nhẹ nhàng; massage vùng bị chuột rút; áp dụng các bài tập kéo căng cơ đối với chân; tắm nước ấm thư giãn cơ thể; tránh căng thẳng; sử dụng túi chườm nóng cho các cơ chuột rút, cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày; tập thể dục thường xuyên và khởi động kỹ trước khi tập luyện, ăn nhiều rau trong các bữa chính,…