Sarah Breedlove, còn được biết đến với cái tên "Quý bà" (Madam) C.J. Walker, có thể xem là một biểu tượng của cái gọi là "giấc mơ Mỹ". Sinh ra trong một gia đình cựu nô lệ, bà từng bước tạo dựng nên cơ nghiệp của bản thân, lập kỷ lục Guinness khi trở thành nữ triệu phú tự thân đầu tiên của thế giới. Bà làm nên tất cả từ 2 bàn tay trắng, tạo ra việc làm cho hàng ngàn phụ nữ châu Phi. Thậm chí, câu chuyện về cuộc đời của Madam Walker còn được dựng thành phim, hiện vẫn đang trình chiếu trên Netflix.
Cuộc hôn nhân ở tuổi 14
Sarah Breedlove sinh năm 1867 tại Louisiana (miền Nam nước Mỹ). Cha mẹ và anh chị em cô đều là nô lệ, phải làm việc trên những cánh đồng bông. Sarah may mắn hơn, cô sinh ra là người tự do, vì chế độ ấy đã bị xóa bỏ. Nhưng đến năm 7 tuổi, cha mẹ cô qua đời.
Sarah sau đó chuyển đến ở cùng gia đình vợ chồng chị gái. Ngay từ nhỏ, cô đã phải nai lưng lao động, làm giúp việc nhà, đến mức không có thời gian để học. Quý bà Walker từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng bà chỉ có khoảng 3 tháng học hành tử tế, khi tham gia các lớp mở vào ngày Chủ nhật.
Năm 14 tuổi, Sarah kết hôn cùng Moses McWilliams. Cuộc hôn nhân này không xuất phát từ tình yêu, mà do anh rể cô vốn là một gã đàn ông cực kỳ bạo lực, và đó là cách duy nhất để cô được an toàn. 4 năm sau, Sarah hạ sinh con gái A'Lelia. Nhưng chỉ được 2 năm, Moses qua đời. Sarah trở thành bà mẹ đơn thân ở tuổi 20.
Bước ngoặt từ tiệm làm tóc
Năm 1888, Sarah chuyển đến St. Louis. Các anh trai của cô sống ở đây và hành nghề thợ cắt tóc. Còn Sarah, cô bắt đầu nhận giặt đồ và nấu ăn thuê để kiếm tiền đóng học phí cho con. Thời điểm ấy, cô kiếm được khoảng 1,5 đô mỗi ngày.
1,5 đô của năm 1888 có giá trị khá lớn. Nhưng giống như bao người thợ giặt khác, Sarah bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng từ hóa chất. Bệnh da liễu, gàu, điều kiện vệ sinh kém khiến suýt chút nữa rụng hết tóc.
May mắn là nhờ các anh trai, cô học được cách chăm sóc tóc cơ bản. Thế rồi một thời gian sau, Sarah biết đến Annie Malone - một doanh nhân bán các sản phẩm dưỡng tóc, và cũng tự mình đến gặp Annie. Cô sau đó trở thành đại lý bán hàng cho Malone, và cảm thấy đam mê công việc này.
Năm 37 tuổi, Sarah và con gái chuyển tới Denver. Lúc này, cô vẫn làm đại lý bán hàng, nhưng ý định mở ra một dòng mỹ phẩm riêng dành cho phụ nữ châu Phi bắt đầu nhen nhóm. Sau nhiều thử nghiệm, cuối cùng cô đã thành công, và quyết định tạo dựng một sự nghiệp riêng.
Năm 1906, Sarah tái hôn cùng Charles J. Walker, một cuộc hôn nhân giúp cô trở nên nổi tiếng. C.J vừa là chồng, vừa là đối tác làm ăn của Sarah, bởi anh làm trong ngành quảng cáo và có thể cho cô những lời khuyên tốt nhất. Sarah bắt đầu gõ cửa từng nhà để giới thiệu sản phẩm của mình, đồng thời hướng dẫn các bà nội trợ cách tự chăm sóc và tạo kiểu tóc phù hợp nhất.
Cũng trong năm đó, Sarah quyết định mở rộng quy mô kinh doanh. Cô và chồng di chuyển tới rất nhiều nơi tại Nam và Đông Mỹ. Con gái Sarah lúc này cũng đã hoàn thành việc học, hỗ trợ cho mẹ và trở thành quản lý toàn bộ các đơn đặt hàng qua bưu điện tại Denver.
2 năm sau, Sarah chuyển tới Pittsburgh. Gia đình cô mở một tiệm làm đẹp, cùng một cơ sở đào tạo các chuyên gia chăm sóc tóc với nền tảng cực vững, để họ có thể tiếp bước bán các sản phẩm của mình sau đó.
Năm 1910, nhà Walker chuyển tới Indianapolis, thành lập trụ sở công ty Madam C. J. Walker. Quý bà C.J xây dựng một nhà máy, trong đó trang bị cả phòng thí nghiệm, tiệm làm tóc và trường học để đào tạo các đại lý bán hàng.
Sau đó 7 năm, cơ ngơi của Sarah trở nên vững mạnh hơn bao giờ hết. Ít nhất 20.000 phụ nữ đã có việc làm kèm mức thu nhập rất tốt nhờ Madam C.J. Walker. Thời điểm ấy, mỗi đại lý có thể kiếm từ 5 đến 15 USD mỗi ngày.
Chưa hết, ước vọng của Sarah là muốn các phụ nữ Mỹ gốc Phi phấn đấu để tự chủ tài chính, nên bà khuyến khích họ tự mở ra con đường kinh doanh của bản thân, và dạy họ cách để xử lý tốt đồng tiền mình có được. Khi Sarah càng giàu thêm, bà càng dành nhiều thời gian cho từ thiện cùng các vấn đề xã hội. Bà đi giảng dạy về bất công xã hội, đóng góp tiền cho các quỹ học bổng. Trước khi qua đời, Sarah đã đã quyên góp hàng trăm ngàn đô cho các cơ sở hỗ trợ trẻ mồ côi. Đồng thời, di nguyện của bà cũng là dành 2/3 lợi nhuận tương lai của thương hiệu mình cho từ thiện.
Ra đi ở tuổi 51, "Quý bà" C.J. Walker được xem là người phụ nữ Mỹ gốc Phi giàu có nhất, với khối tài sản ước tính lên tới 1 triệu USD. Trong bản cáo phó có ghi, 2 năm trước khi qua đời Sarah vẫn chưa có nhiều tiền đến vậy, nhưng bà muốn được là một triệu phú. Có điều, số tiền ấy sẽ không để cho bản thân bà, mà dành cho những điều tốt đẹp hơn.
Câu chuyện của Madam C.J. Walker cho đến nay vẫn được nhắc đến rất nhiều. Bởi dù có xuất phát điểm không tốt, bà chưa bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh mà một tay tạo dựng một sự nghiệp cho riêng mình, lại trợ giúp được nhiều người khác. Một nguồn cảm hứng bất tận, dành cho những ai đang cảm thấy cuộc sống có nhiều bất công.
Nguồn: BS, VT.co