Các bãi rác, bãi chôn rác và bãi thải ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh là những nơi phát thải rất lớn khí metan – một loại khí nhà kính mạnh.
Nguồn gốc phát thải
Càng lúc càng có nhiều đám mây khí nhà kính mạnh được phát hiện ở Ấn Độ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Mỹ trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, Pakistan đứng thứ tư và Bangladesh đứng thứ sáu. Những đám mây khí ga này có sức nóng lớn gấp 84 lần so với chính nó trong 20 năm đầu tồn tại trong khí quyển, theo dữ liệu quan sát vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu do Kayrros SAS phân tích.
Nguồn phát thải ở Nam Á khác với Mỹ hoặc Nga vốn là những nước sản xuất nhiên liệu hoá thạch lớn. Ở những quốc gia đó, tỷ lệ phát thải do vệ tinh quan sát được phần lớn có liên quan đến sự rò rỉ từ các hoạt động khai thác dầu, khí đốt và than đá.
Năm ngoái, công ty giám sát GHGSat Inc. có trụ sở tại Canada đã đo được số liệu cho thấy một nửa lượng khí thải metan trên toàn cầu phát ra từ các bãi chôn rác ở châu Á. Ấn Độ chiếm một phần tư của tổng số.
Brody Wight, Giám đốc kinh doanh tại GHGSat cho biết: "Vấn đề có các bãi rác xung quanh các thành phố không phải chỉ tồn tại duy nhất ở Nam Á, nhưng điều khác biệt là hệ thống quản lý khí bãi rác. Thậm chí, câu hỏi đầu tiên phải đặt ra chính là liệu chúng tồn tại hay không trước khi bàn về chất lượng."
Các khu vực bãi thải sẽ tạo ra khí metan khi các vật chất hữu cơ như đồ ăn thừa hoặc bìa cứng bị phân huỷ trong điều kiện không có oxy. Mặc dù các vệ tinh lập bản đồ xác định vị trí của nhiều siêu đô thị Nam Á và các điểm nóng metan gần đó, vẫn còn có những lỗ hổng trong dữ liệu. Một số khu vực khó lập bản đồ hơn do cường độ ánh sáng và mây che phủ.
Ví dụ, Trung Quốc là nguồn khí metan lớn nhất thế giới từ các bãi chôn rác và chất thải, tiếp theo là Nam Á, Mỹ và Đông Nam Á, theo một báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Global Alliance for Incinerator Alternatives (GAIA).
Không kiềm chế được lượng phát thải có thể làm chệch hướng các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Việc phân loại thức ăn thừa và các chất hữu cơ khác trước khi đưa chúng đến bãi rác là rất quan trọng để hạn chế lượng khí thải trong tương lai. Có thể giảm thiểu các tác động của các bãi rác bằng cách thông gió các đống rác và sử dụng hệ thống thu khí.
Thực trạng tồi tệ
Bãi rác Ghazipur ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã phát thải ra khoảng 2,17 tấn metan trong 1 tiếng vào ngày 22/3, ngày mà một vệ tinh GHGSat bay ngang qua. Nếu tốc độ phát thải đó được duy trì trong một năm, thì sự rò rỉ sẽ gây ra tác động đến khí hậu chỉ trong thời gian ngắn ngang bằng với lượng khí thải hàng năm từ 350.000 chiếc ô tô ở Mỹ.
Bãi rác này hoạt động vào năm 1984 và hiện là một trong những địa điểm nguy hiểm nhất thế giới. Chiều cao của những đống rác không cố định nhưng vào năm 2019, nó đã cao tương đương 15 tầng nhà. Có diện tích khoảng hơn 28 ha, bãi rác đủ lớn để trở thành nơi rộng tương đương với địa điểm tổ chức trận cricket lớn nhất thế giới – sân vận động Narendra Modi. Bãi rác là một vật thể trung gian truyền bệnh và khiến bệnh lao lây lan. Khí metan bị rò rỉ từ đây cũng khiến lửa dễ bùng cháy thường xuyên. Vào năm 2017, mưa gió mùa đã gây ra một vụ sạt lở ở bãi rác khiến 2 người tử vong.
Gần đây, khi một phóng viên đến nơi này vào một buổi sáng mưa phùn xám xịt, mùi hôi thối của chất thải đã xuyên qua cả cửa kính ô tô và xộc vào mũi qua cả lớp khẩu trang. Hơn chục chiếc máy xúc đất và những máy móc khác đang tách rác thải nhựa khỏi các phần chất hữu cơ dễ phân huỷ hơn. Có thể nhìn thấy những tấm nệm, vali và thậm chí cả giày bẩn chìm trong lớp bùn nhớp nháp.
Ảnh vệ tinh chụp khí metan từ bãi rác Ghazipur ở Ấn Độ. Nguồn: GHGSat Inc.
Bộ Môi trường của Ấn Độ, Uỷ viên thành phố Đông Delhi và 2 người phát ngôn của chính phủ Delhi đã không trả lời email hay cuộc gọi nào để trả lời câu hỏi về lượng khí thải. Vào tháng 4, Toà án Xanh Quốc gia - nơi xử lý một số vấn đề môi trường khẩn cấp nhất của Ấn Độ - đã phải xúc tiến các kế hoạch để dọn dẹp chất thải cũ và mở rộng công suất khai thác sinh học tại 3 bãi rác của Delhi, trong đó bao gồm Ghazipur.
Động thái này phù hợp với chiến dịch Clean India (tạm dịch: Ấn Độ sạch sẽ) của Thủ tướng Narendra Modi. Qua đó, chính phủ liên bang có kế hoạch chi 41,52 tỷ rupee (519 triệu USD) để dọn sạch chất thải cũ tại các bãi chôn rác ở hơn 600 thành phố vào năm 2026. Tập đoàn South Delhi Municipal Corp. đang xây dựng một bãi chôn rác mới đủ tiêu chuẩn.
Nhiều bãi rác bên ngoài châu Á cũng đang là những nơi phát thải lớn. Mặc dù đã kích hoạt một nhà máy phát điện 5 megawatt vào mùa hè năm ngoái để sử dụng khí metan thu được từ bãi rác Norte III khổng lồ ở Buenos Aires, GHGSat cho biết các vệ tinh của họ vẫn tiếp tục quan sát khí thải từ địa điểm này và từ nhiều bãi đất thải trên toàn cầu.
Chọn cách đối diện hay phớt lờ
Metan là thành phần chính của khí tự nhiên. Khí sinh học được tạo ra từ các bãi chôn rác thường bao gồm metan và carbon dioxide và cũng có thể chứa amoniac hoặc các hợp chất hữu cơ.
Theo Shibu K. Nair, điều phối viên của GAIA tại ở Ấn Độ, hơn 60% chất thải có nguồn gốc từ các chất hữu cơ thường bắt nguồn từ các chợ bán rau, thịt và gia cầm và các thực phẩm khác. Các nhà thầu và những bên trục vớt không chính thức sẽ thu thập nhựa, kim loại và các vật liệu có thể tái chế tại nguồn hoặc các bãi chứa.
Ông nói: "Hiện tại, loại bãi rác mà bạn nhìn thấy ở Nam Á đang là mối đe doạ về khí hậu và cần phải giải quyết chứ không thể ngó lơ."
Một trong những giải pháp đơn giản nhất là phân loại rác hữu cơ tại nguồn. Đây là cách mà Hàn Quốc đang thực hiện. Chính phủ nước này đã cấm đổ thực phẩm vào các bãi chôn rác vào năm 2005 và hiện yêu cầu các hộ gia đình bỏ phế liệu vào các túi đặc biệt, sau đó để chúng vào thùng rác thực phẩm. Điều đó đã thúc đẩy tỷ lệ tái chế của Hàn Quốc lên hơn 90% vào năm 2020. Trong khi vài thập kỷ trước, hầu như tất cả thực phẩm đều được đưa vào các bãi xử lý rác tập trung.
Một người phụ nữ phơi quần áo trong khu ổ chuột bên ngoài bãi rác Ghazipur, hầu hết những người thu gom rác sống và làm việc tại khu vực này
Tại bang Kerala, miền nam Ấn Độ, các nhà chức trách đang giúp người dân địa phương triển khai các hệ thống quản lý chất thải rắn phi tập trung và đã phổ biến đến khoảng 70% hộ gia đình vào năm 2017.
Công nghệ mới cũng đang được sử dụng để tách các dòng chất thải hỗn hợp. Công ty Anaergia Inc. có trụ sở tại Ontario đã phát triển một hệ thống có chức năng giống như một chiếc máy nghiền tỏi khổng lồ, với một piston kim loại tạo áp lực để ra hơn 90% vật liệu hữu cơ. Sau đó, hỗn hợp này được đặt vào một bể phân huỷ kỵ khí, nơi các vi sinh vật phân huỷ rác và thu giữ metan.
Năm ngoái, sau khi Bloomberg báo cáo về lượng khí thải từ bãi chôn rác Matuail ở Dhaka, Bộ Môi trường Bangladesh cho biết họ đã thành lập một uỷ ban để đánh giá vấn đề này. Một công ty tư vấn đã được chỉ định để xác định lượng khí metan rò rỉ từ bãi rác và công việc xử lý sẽ sớm bắt đầu, một lãnh đạo của Dhaka South City Corp. cho biết.
Việc đáp ứng các mục tiêu chung về khí hậu toàn cầu sẽ đòi hỏi sự hy sinh của tất cả các quốc gia. Nhưng nhiều quốc gia giàu có đã gây ô nhiễm trong nhiều thế kỷ và tiếp tục có lượng khí thải bình quân đầu người cao hơn nhiều so với các quốc gia nghèo hơn. Họ vẫn muốn đạt được mục tiêu tăng thu nhập, an ninh lương thực và cung cấp các dịch vụ cơ bản.
Bên cạnh đó, vẫn còn những lo ngại về việc có một vài lãnh đạo các quốc gia chưa hành động đủ quyết liệt. Ví dụ, Ấn Độ và Bangladesh vẫn chưa tham gia Cam kết khí metan toàn cầu, một sáng kiến do Mỹ và EU đứng đầu cùng với sự tham gia của hơn 100 quốc gia nhằm mục đích cắt giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong vòng một vài năm.
Tham khảo Bloomberg