Trong tuần qua, một câu chuyện được nhiều game thủ Việt bàn tán đó chính là việc VTV thực hiện phóng sự về vấn đề chơi game ở lứa tuổi trẻ Việt Nam hiện tại. Trên chương trình thời sự 19 giờ, hàng loạt những vấn đề VTV cho là nhức nhối của game online đã được nêu tên. Trong số đó là việc gây nghiện, không kiểm duyệt được nội dung, không giới hạn được thời gian chơi và không kiểm soát được lứa tuổi thực sự của game thủ.
Mới đây, một người dùng Facebook đã đăng tải một bài viết về vấn đề này, chúng tôi xin được trích dẫn nguyên văn bài viết này như sau:
Câu chuyện về các nhà phát hành game và những đứa trẻ "miệng thì nhai cơm còn tay thì tốc biến"
Thị trường game mobile ở Việt Nam thì ai cũng biết là tăng trưởng mạnh mẽ và độ tuổi người chơi thì cũng rất là trẩu tre luôn.
Với những game cần tính đồng đội như Liên Quân hay những game tương tự thì độ tuổi của các thành viên trong đội cũng là một yếu tố quan trọng để tăng tỉ lệ thắng trong game. Thật sự, việc kiểm soát độ tuổi của users cũng không mấy phức tạp (theo mình nghĩ). Hơn 80% users sử dụng các mạng xã hội (phần lớn là Facebook) để đăng nhập hoặc đăng ký tài khoản trên các game mobile.
Bài viết của người dùng Hoàng Lâm trên group J2TEAM Community
NPH sử dụng User ID/Email để định danh user chơi game trên hệ thống của mình, nhưng lại không bao giờ lấy số tuổi của user để ngăn chặn việc trẻ em dưới 13/14 tuổi sử dụng sản phẩm của mình cả. Về kỹ thuật thì cũng không có gì khó, không tốn nhiều quy trình và review quyền user birthday trên App Facebook cũng khá dễ dàng. Riêng về Facebook kiểm soát khá tốt về độ tuổi và việc lập clone facebook khác sẽ nhanh chóng bị checkpoint. Giải pháp này ít nhiều cũng hạn chế được một phần nào đó nếu như các NPH "chịu" áp dụng.
Người lớn cũng là một bug trong cái sự việc này. Đừng thấy mình chơi vô hại thì nó cũng vô hại với con mình. Trải nghiệm chơi game của người lớn với trẻ con là khác nhau.
"Chơi game đừng để game chơi con mình"
Bài viết nhanh chóng nhận được sự chia sẻ và bình luận của người dùng Facebook. Đa phần trong số này đều ủng hộ cách nhìn nhận và đặt vấn đề của tác giả. Vấn đề ở đây nằm ở tất cả các phía, trong đó NPH được xem là nhân tố chủ chốt, Facebook đóng góp một phần không nhỏ và từ phía phụ huynh cũng chính điều thực sự quan trọng.
Nếu thực sự làm tốt được vấn đề kiểm soát độ tuổi thì phải cần rất nhiều các yếu tố từ cả phía NPH lẫn người dùng. Hy vọng, trong tương lai, vấn đề trẻ nhỏ chơi game không phải là của mình sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn, để tránh tạo nên tình trạng đại bộ phận game thủ bị "réo tên" trên sóng thời sự VTV một lần nữa.