Hiện ông Nguyễn Thanh Bình (72 tuổi) ở tại một góc ngã ba đường Nguyễn Thái Bình - Nguyễn Văn Cừ (P.9, TP. Vũng Tàu) để ngày ngày mưu sinh. Hôm nào cũng vậy, chiếc xe bánh tráng nướng của người đàn ông quê Tiền Giang vẫn duy trì tình trạng “cháy hàng” chỉ sau 3 tiếng trong hơn 10 năm qua.
Người đàn ông ‘gà trống nuôi con’
Nhiều năm qua, đều đặn mỗi ngày từ 14h30', chiếc xe của ông Bình lại lăn bánh đến các điểm trường học tại TP.Vũng Tàu để bán. Xe đậu trên vỉa hè, không có “nhãn tên” rõ ràng, ấy vậy mà món bánh tráng nướng của ông Bình vẫn hút khách đến lạ và trở thành “điểm hẹn” ăn vặt quen thuộc của biết bao thế hệ học sinh.
Sau nhiều lần di dời, xe của ông giờ đây yên vị bên hông trường THCS Nguyễn An Ninh. Không khi nào xe bánh tráng của ông Bình thưa vắng khách. Từ 16h, cứ ngồi nghỉ ngơi chưa được 5 phút, ông Bình đã phải đứng phắt dậy để nướng bánh.
Cánh tay trái bị tật khiến ông khó mà thoăn thoắt làm. Hơn nữa, vì bị lãng tai, khách phải ghé sát lại và dõng dạc nói đến 2-3 lần thì ông mới nghe rõ.
Ông tha hương đến TP. Vũng Tàu để tìm kế sinh nhai rồi lập gia đình. Cuộc sống hôn nhân nhiều trắc trở khiến ông và vợ đi đến quyết định chia tay. Từ đó, với cánh tay thương tật, ông vất vả kiếm sống để nuôi lớn 2 cậu con trai nên người.
Bán bánh dạo, bán xiên que, làm phụ hồ ròng rã 5 năm… Không có công việc chân tay nào mà ông chưa từng kinh qua. Người đàn ông còm cõi, mang trong mình khiếm khuyết trên cơ thể vẫn nỗ lực đến kiệt cùng để con mình có được một tương lai no ấm.
Ông nói, cơ duyên bán bánh tráng nướng đến với ông trong một lần lên TP.HCM thăm con đang học Đại học. Sau khi trải nghiệm nhiều hàng ăn vặt tại đây, ông Bình đã tham khảo cách làm bánh tráng nướng và quyết tâm “chế” ra một công thức của riêng mình. Thế là vào năm 2010, ông Bình đã mang món đặc sản Đà Lạt về Vũng Tàu rồi đem đi bán trước các trường học.
Một đồn mười, mười đồn trăm, số lượng học sinh đến mua bánh tráng nướng của ông cứ thế tăng dần. Hầu hết ai cũng chờ được thưởng thức chiếc bánh tráng dai mềm có nhân thịt heo đầy ụ và dậy nên mùi thơm hương của mỡ hành. Với giá 15.000 đồng, ngày đắt khách nhất, ông Bình bán được 150 cái.
Không muốn cậy nhờ con cái
Mỗi ngày, ông đều lọ mọ dậy lúc 3 giờ sáng để đi chợ và mua về những nguyên liệu mới, tươi ngon nhất. Dẫu tay bị tật và sức khỏe dần yếu đi, một mình ông vẫn cân hết công đoạn sơ chế, chế biến thực phẩm. Thậm chí, ông còn mày mò cách tự làm tương ớt hợp vệ sinh.
Nguyên liệu được ông Bình đựng trong “chiếc bếp mini” do ông tự đóng từ những tấm inox, ngoài ra còn có nắp đậy cho bếp than. Ông chia sẻ: “Thời gian đầu không có nắp đậy đâu. Nhưng do nhiều học sinh hay dí sát mặt vào mà tàn lửa bốc lên lại rất hại cho mắt. Hơn nữa, có lần chạy xe, gió thổi mạnh làm than cháy lên và lửa lan sang cả bánh tráng mà tôi không hay biết. Vì vậy, tôi quyết định thuê thợ làm cũng như yêu cầu gia cố nắp nhiều lần”.
Theo lời kể, căn nhà cấp 4 ông đang ở trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.10 ngày xưa từng thiếu thốn điện, nước. Cuộc sống tạm bợ, khó khăn muôn phần khiến ông không dám nghĩ đến chuyện bỏ cuộc vì muốn có được một chỗ ở đàng hoàng. Có những ngày đổ bệnh, ông cũng không dám đi viện khám mà chỉ mua thuốc về uống vì sợ sẽ ngốn mất thời gian buôn bán của mình.
Giờ đây, số tiền ông bán bánh tráng nướng bao năm đã đủ để tu sửa nhà cửa và cho con cái học hành đến nơi đến chốn. 2 người con của ông hiện đã ngoài 30 và làm nghề xuất nhập khẩu.
Dẫu vậy, ông vẫn không muốn cậy nhờ con cái. Ông tâm sự: “Con mình còn vướng bận cuộc sống riêng, tôi không muốn vì tôi mà tụi nó phải khổ thêm. Thỉnh thoảng, tôi còn cho tiền để tụi nó đi du lịch nữa. Phận làm cha, lo được chừng nào cho con hay chừng đó”.
Sẽ bán bánh tráng nướng đến cuối đời
Giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, ông Bình "lặn mất tăm" và không ai hay tin gì về ông. Khi tôi hỏi chuyện, ông mới giải thích là do ông phải về quê để tránh dịch. Lúc đó, thấy ông đi biền biệt mấy chục năm, những người anh họ đã khuyên ông ở lại và hứa sẽ chia 1 công đất cho ông làm ruộng.
Hơn nữa, bà con còn thương tình đem biếu ông gà, vịt. “Tay tôi bị như thế này, lại già yếu, sao có thể sức bền như những người làm nông lâu năm. Họ có đến 4, 5 công đất, còn tôi chỉ có 1 nên cũng không kham nổi. Vả lại, tôi cũng không thể dựa dẫm hoàn toàn vào người thân của mình được”, ông cho hay.
Thế là chờ khi dịch Covid-19 qua đi, ông đã trở lại TP. Vũng Tàu và tiếp tục công việc buôn bán của mình. Tin ông Bình “tái xuất” đã dậy sóng những hội nhóm về ẩm thực Vũng Tàu trên mạng xã hội. Lập tức những khách hàng thân quen đã nô nức kéo đến. Chiếc xe bánh tráng nướng của ông lại tất bật đỏ lửa để phục vụ mọi người.
Đã lâu rồi mới tìm mua bánh tráng của ông Bình, chị Nguyễn Tuyết Nhi (23 tuổi, ngụ P.9) cho biết: “Lúc chú còn bán trước cổng trường Tiểu học Trưng Vương, tôi và bạn bè ngày nào cũng rủ nhau đến ăn. Bánh của chú thơm bơ, vừa vị, không như những chỗ tôi từng ăn. Thật sự rất vui khi thấy chú quay lại bán. Bánh tráng chú bán đã thành hương vị tuổi thơ của tôi”.
Trò chuyện với tôi, ông Bình nói bản thân từng có ý định bán thêm món ăn đi kèm, thậm chí mở cửa tiệm nhưng vì tuổi cao sức yếu, lại bị phổi tắc nghẽn mãn tính nên ông không có khả năng làm điều đó. “Sau tất cả, tôi sẽ chỉ bán bánh tráng nướng thôi và luôn cố làm tốt nhất có thể đến khi không còn sức nữa. Đây sẽ là công việc cuối cùng của cuộc đời tôi”, ông trải lòng.