Câu chuyện của chàng bác sĩ điển trai: Từ mơ ước theo nghề y để nối nghiệp mẹ đến kế hoạch đủ tâm tầm “tìm lại nụ cười” cho mọi người

Tiểu Nguyễn - Ảnh: Chí Hiếu | 13-07-2021 - 08:40 AM

(Tổ Quốc) - Nhiều người cứ nghĩ, nghề bác sĩ làm việc ở phòng đặc thù như phòng cấp cứu mới tất bật. Thế nhưng, những thiên thần áo trắng đem lại nụ cười hoàn hảo nhất có thể cho bệnh nhân răng miệng thật ra cũng đâu nhàn rỗi?

BS Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1990, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, chuyên khoa Bác sĩ Răng Hàm Mặt khóa 2008-2014) là một người như thế. Anh bắt đầu làm việc lúc 7 giờ sáng, kết thúc vào lúc 7 giờ tối, thông thường quỹ thời gian làm việc trong ngày chiếm 12 tiếng. Những ngày có ca trực, anh thường trở về nhà lúc 9 giờ tối.

"Tôi muốn trở thành bác sĩ để có thể nối nghiệp của mẹ"...

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề y, BS Tuấn tâm sự, mong muốn trở thành một bác sĩ đã được nuôi dưỡng trong mình từ rất sớm. Anh vốn xuất thân con nhà nòi, có mẹ là bác sĩ. Mẹ BS Tuấn đã lựa chọn ngành y với mong muốn được chữa bệnh cứu người. Nghề nghiệp cao cả của mẹ đã gây ảnh hưởng rất lớn đối với anh.

Niềm vui của vị bác sĩ trẻ điển trai chuyên khoa răng hàm mặt: "Hạnh phúc của tôi đơn giản là nụ cười của bệnh nhân mỗi khi ra về"! - Ảnh 1.

BS Nguyễn Thanh Tuấn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, chuyên khoa Bác sĩ Răng Hàm Mặt khóa 2008-2014.

"Khi còn nhỏ, mình hay được mẹ cho vào bệnh viện để thăm thú nơi mẹ làm việc. Những ca trực cấp cứu, những đêm trông bệnh nhân… cùng mẹ dần dần giúp mình cảm nhận rõ nghề bác sĩ thiêng liêng và vô cùng cao quý. Thế nên, mình cũng muốn được đóng góp một chút sức lực nhỏ bé, trở thành người có ích cho xã hội giống mẹ".

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, BS Tuấn đã rất chú trọng học những bộ môn khối B. Đặc biệt, anh vô cùng say mê môn Sinh học nên càng xác định rõ hơn mục tiêu nghề nghiệp sau này của mình.

Thế rồi sau bao ngày đèn sách ôn thi đại học, anh thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Đến nay, sau khi tốt nghiệp và hành nghề trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt, BS Tuấn nhìn nhận mình chỉ là một bác sĩ bình thường như bao đồng nghiệp nhưng thật sự rất hạnh phúc, hãnh diện vì đã góp phần tìm lại nụ cười cho nhiều người. Bởi lẽ, với đặc thù của ngành Răng Hàm Mặt, ngoài việc điều trị bệnh lý còn có cả những yếu tố thẩm mỹ. Thế nên, BS Tuấn cho rằng, mỗi ca điều trị răng cho bệnh nhân với anh không chỉ là giúp họ đỡ đau đớn mà hơn thế là mong muốn mang lại nụ cười thật đẹp, thật rạng rỡ. Nụ cười đó mang tên nụ cười hạnh phúc!

Mẹ chính là người truyền cảm hứng giúp BS Tuấn đến với nghề y.

"Mình làm trong nghề chính thức thì được 7 năm, chưa kể thời gian còn là sinh viên, mình cũng xin đi thực tập, phụ việc ở nha khoa, phần để học hỏi, phần để tích lũy thêm kinh nghiệm nữa", BS Tuấn cho biết.

Câu chuyện của chàng bác sĩ điển trai: Từ mơ ước theo nghề y để nối nghiệp mẹ đến kế hoạch đủ tâm tầm “tìm lại nụ cười” cho mọi người - Ảnh 4.

Trở thành bác sĩ đồng nghĩa mỗi ngày sẽ trải qua nhiều kỷ niệm khó quên

Quãng thời gian hành nghề chưa phải dài nhưng cũng không phải mới ngày một ngày hai nên đã đem lại cho BS Tuấn những dấu ấn thực sự khó quên, kỷ niệm vui rất nhiều nhưng kỷ niệm buồn cũng có.

"Đã chọn nghề bác sĩ là sẽ gặp vô số ca bệnh trong đời. Mỗi ca bệnh sẽ là một kỷ niệm, giờ nhiều khi nhìn bệnh mà biết bệnh nhân chứ cũng không thể nhớ hết từng người", BS Tuấn tâm sự.

Đã chọn nghề bác sĩ là sẽ gặp vô số ca bệnh trong đời. Mỗi ca bệnh sẽ là một kỷ niệm.

Niềm vui của BS Tuấn đơn giản, bình dị nhưng cũng ấm áp vô cùng. Đó là trường hợp nhổ răng số 8 không gây đau cho một bác bệnh nhân tuổi đã cao, nhiều lần nằm lên ghế lại bước xuống vì sợ. Sau nhiều lần trò chuyện, giúp bác vững tâm lý, cuối cùng, BS Tuấn đã "nhổ gọn trong một nốt nhạc", bệnh nhân không bị đau hay trải nghiệm kinh hoàng, có thể giãn cơ mặt hài lòng, ngủ một giấc thật ngon lành, không còn sợ hãi vướng bận.

Đó là kế hoạch “tìm lại nụ cười” cho một cô sinh viên trẻ đã vượt qua sợ hãi và dũng cảm để niềng răng, được chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc của cô gái sau khi tháo niềng: "Em vô cùng biết ơn BS Tuấn".

Niềm vui của vị bác sĩ trẻ điển trai chuyên khoa răng hàm mặt: "Hạnh phúc của tôi đơn giản là nụ cười của bệnh nhân mỗi khi ra về"! - Ảnh 5.

Già có, trẻ có nhưng ấn tượng hơn cả với BS Tuấn đến thời điểm này chính là đem lại niềm vui cho một trường hợp khá khó khi làm răng. Đó là một bác ở Thái Bình, tuổi đã cao, bác từng phải đi nhiều phòng khám nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì xương hàm dưới bị tiêu trầm trọng, nếu đặt implant (đặt chân răng nhân tạo) thì dễ ảnh hưởng đến dây thần kinh.

"Nghĩ đến việc sẽ không có răng trong suốt quãng đời còn lại, bác tưởng như hoàn toàn mất hy vọng và bác đến gặp mình. Quá trình tự tay cắm implant cho bác, mình cũng hồi hộp, cũng run chứ, nhưng may mắn, ca cắm đã thành công, bác cười mãn nguyện và có thể ăn uống bình thường. Nhìn bác, mình chợt nhận ra mang lại nụ cười cho bệnh nhân khi ra về là điều hạnh phúc nhất với bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt", BS Tuấn nhớ lại.

BS Tuấn nghĩ đối với mỗi người đến khám, chữa bệnh, tâm lý tác động rất lớn tới hiệu quả chữa bệnh.

Là người hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, BS Tuấn nghĩ đối với mỗi người đến khám, chữa bệnh, tâm lý tác động rất lớn tới hiệu quả chữa bệnh. Khi bác sĩ tạo cho người bệnh cảm giác tin tưởng, dễ chịu và an tâm thì khi ấy, việc tư vấn hay chữa trị cho bệnh nhân cũng sẽ đạt kết quả tốt.

Chính vì thế nên khi gặp bệnh nhân, BS Tuấn thường tạo ra một không khí thoải mái, nói chuyện với họ thân thiết như người thân, động viên, hỏi thăm họ mọi thứ trong cuộc sống trước khi khám bệnh. Nhờ thế, bệnh nhân có thể thoải mái chia sẻ với anh, không còn sợ đau hay căng thẳng quá khi ngồi nghe hoặc nằm trên ghế khám.

Luôn đam mê học hỏi vì “một bác sĩ có "tầm" thì mới là một bác sĩ có "tâm"”

Con người trong cuộc sống và con người trong công việc của BS Tuấn là 2 con người khác nhau rất nhiều. Trong công việc, anh là một người khá kỹ tính và đôi khi phải nói là khó tính. BS Tuấn rất muốn chỉn chu từ những việc nhỏ khi điều trị cho bệnh nhân, kể cả khâu nhỏ nhất.

“Mình tâm niệm, trong công việc, dù không giỏi nhất nhưng hãy cố gắng nhất có thể, kiên trì và cầu tiến hết sức có thể. So với tuổi đời, mình chỉ là học trò, thậm chí là “một hạt cát” rất nhỏ trong nghề thôi, nhưng dù là đứng ở vị trí nào, bản thân mình cũng luôn muốn làm việc một cách chỉn chu, tử tế nhất. Khi đó mới có thể làm tốt những việc khác”, BS Tuấn chia sẻ.

"Vì đặc thù công việc nên mình hầu như ở phòng khám cả tuần, chưa kể những hôm phải trực về muộn, nên thời gian dành cho gia đình khá hạn hẹp. May mắn là vợ mình luôn hiểu, thông cảm, cô ấy thay mình vừa đảm đương công việc vừa chăm sóc các con", BS Tuấn cho hay.

Tổ ấm hạnh phúc của BS Tuấn.

Bên ngoài công việc, BS Tuấn lại là một người có chút hướng ngoại, thích vui vẻ, sống lạc quan và đôi chút bay bổng nữa. Mọi người nhìn anh và thường đùa rằng “bác sĩ không biết buồn”.

“Thật ra là con người thì vui buồn đều có cả. Nhưng với mình, nếu có thất bại, buồn chán cũng không giải quyết được điều gì, mình không bao giờ để sự buồn chán hay suy nghĩ kéo dài quá một ngày. Bước sang ngày mới, mình thường áp dụng nhiều cách để refresh lại bản thân, để tiếp tục trải nghiệm, bắt nhịp với mọi thứ”, BS Tuấn cho hay.

Niềm vui của vị bác sĩ trẻ điển trai chuyên khoa răng hàm mặt: "Hạnh phúc của tôi đơn giản là nụ cười của bệnh nhân mỗi khi ra về"! - Ảnh 8.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, BS Tuấn cười nói: "Mình là một bác sĩ trẻ và vẫn còn quá nhỏ bé để nói tới những điều lớn lao trong phát triển chuyên môn". Trước mắt, anh vẫn cố gắng đi học thêm để trau dồi kỹ năng, chuyên môn, cố gắng làm tốt nhất khi bệnh nhân trao hy vọng cho mình. Vì nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân hay những phản hồi tích cực từ họ, với anh, đó là điều tuyệt vời nhất khi làm việc.

Với nghề y nói chung và chuyên ngành Răng Hàm Mặt nói riêng, để tránh bị tụt hậu và làm tốt nhất cho bệnh nhân, bác sĩ phải liên tục học hỏi, cập nhật các kĩ thuật, phương pháp cải tiến như những điều trị khó liên quan đến phẫu thuật hàm mặt, cấy ghép răng Implant, nắn chỉnh răng với phương pháp Invisalign, nắn chỉnh răng mắc cài mặt lưỡi, phục hình Veneer... Những điều trị tổng quát khác như nội nha, nha chu, tiểu phẫu, BS Tuấn cũng đang từng ngày cập nhật các kỹ thuật mới để giúp tăng tỷ lệ thành công cho bệnh nhân.

“Mình nghĩ, một bác sĩ có "tầm" thì mới là một bác sĩ có "tâm". Bởi vì khi có đủ "tầm" mới có đủ khả năng để hiện thực hóa cái "tâm" đó và bản thân mình cũng đang cố gắng nỗ lực từng ngày”, vị bác sĩ trẻ nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM