Loại đồ uống khiến cậu bé 15 tuổi suýt bị mù vĩnh viễn
Một tuần trước, cậu bé 15 tuổi, Xiao Li (Cù Châu, Chiết Giang) cùng cha đến phòng khám ngoại trú của bác sĩ trưởng khoa mắt Xu Wen (Bệnh viện trực thuộc thứ hai của Trường Đại học Y khoa Chiết Giang).
Tại phòng khám, bác sĩ khám mắt và phát hiện cậu bé bị đục thủy tinh thể, thị lực gần như mất hoàn toàn. Bố Xiao Li kể với bác sĩ rằng trong 6 tháng qua, thị lực của con trai ông bắt đầu giảm dần, trong vòng 1 tháng trở lại đây thị lực đột ngột giảm đến mức không thể nhìn thấy gì cả.
Bác sĩ Xu Wen quan sát, thấy cậu bé này chỉ cao 1m60 nhưng thân hình rất béo. Cho rằng có vấn đề về nội tiết nên lập tức khuyên 2 bố con họ nên đi khám chuyên khoa nội tiết. Kết quả đo đường huyết lúc đói cho thấy cậu bé này có lượng đường trong máu rất cao, chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 và phải nhập viện.
Tuy nhiên, việc tiểu đường và đục thủy tinh thể thì có gì liên quan đến nhau?
Theo lời bố của Xiao Li, con trai mình tăng cân rất nhanh, có nhiều dấu hiệu tiểu đường từ lâu nhưng không đi khám. Đáng nói, cậu bé rất thích uống nước ngọt có ga, có thể uống hết một chai nước ngọt loại 1L trong một buổi tối. Đặc biệt trong dịp nghỉ hè, Xiao Li càng uống nhiều nước ngọt hơn, có khi uống 2-3L nước ngọt một ngày.
Bác sĩ trưởng Xu Wen cho biết trên thực tế, những trường hợp như Xiao Li không phải là hiếm. Bác sĩ đã nhiều lần nhắc nhở các bạn trẻ và các bậc phụ huynh phải chú ý đến thói quen ăn uống và không nên uống nước ngọt.
Theo bác sĩ, uống quá nhiều nước ngọt làm gia tăng mạnh mẽ về nồng độ glucose và insulin trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc làm gia tăng biến chứng ở căn bệnh này.
Vì sao mắc tiểu đường lại gây đục thủy tinh thể?
Đái tháo đường là một căn bệnh mãn tính, có thể dẫn đến nhiều biến chứng trên các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, thận, răng, thần kinh, trong đó có mắt (gây đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc).
Khi đường huyết tăng cao liên tục, sẽ làm tổn thương các mao mạch võng mạc, làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề. Nếu mao mạch bị phá hủy sẽ gây tắc và làm thiếu máu võng mạc, khi đó cơ thể phản ứng bằng cách kích thích sự phát triển các mạch máu mới để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên những mạch máu này mỏng manh dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết dịch kính, xơ hóa gây co kéo bong võng mạc. Ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường trên võng mạc làm cho võng mạc bị tổn thương nặng, ảnh hưởng trầm trọng tới chức năng thị giác.
"Bởi vì toàn bộ thủy tinh thể của Xiao Li đã bị đục, có màu trắng sữa. Bệnh đục thủy tinh thể nghiêm trọng như thế này không thể chữa khỏi bằng thuốc, vì vậy phải dùng đến phẫu thuật mới có thể giải quyết được", bác sĩ Xu Wen cho hay.
Theo bác sĩ, dù Xiao Li có thể phẫu thuật loại bỏ thủy tinh thể bị đục, nhưng khó có thể khôi phục hoàn toàn chức năng của mắt. Sau khi phẫu thuật, có thể phải đeo kính cả đời.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyên phụ huynh nên kiểm soát chế độ ăn của con cái. Tránh tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt, nước ngọt kẻo làm gia tăng đường huyết, dẫn đến các biến chứng đáng tiếc như thế này.
Quả táo
Chất pectin và chất xơ hòa tan trong táo có thể làm giảm lượng đường trong máu, điều chỉnh lượng đường trong máu và duy trì sự ổn định của đường huyết. Ngoài ra, thường xuyên ăn táo có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời giúp ngăn ngừa táo bón.
Mướp đắng
Mướp đắng có chứa một hợp chất giống insulin gọi là Polypeptide-p hoặc p-insulin, chất này đã được chứng minh là có thể kiểm soát bệnh tiểu đường một cách tự nhiên.
Bắp cải mini
Rau cải bắp mini có chứa các chất chống oxy hóa axit alpha-lipoic cùng hàm lượng chất xơ cao, do đó chúng giúp hạ đường huyết, cải thiện chức năng insulin của cơ thể. Đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Dưa chuột
Nghiên cứu cho thấy dưa chuột chỉ chứa 1,6% đường, là loại thực phẩm vô cùng lành mạnh cho bệnh nhân đái tháo đường.