Mỹ đã ghi nhận thêm 26.109 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 214.639, số ca tử vong là 5.009, tăng 1.046 trường hợp so với ngày hôm trước. Các bác sĩ ở "ổ dịch" New York cho biết, tỷ lệ nhập viện vì nhiễm Covid-19 của người trẻ ở thành phố này cao một cách bất ngờ, điều này trái ngược với giả định về việc người già là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Ngoài ra, do dịch bệnh lây lan mạnh, hầu hết các thành viên phụ trách vấn đề về Covid-19 tại Nhà Trắng đều đồng ý rằng người dân Mỹ nên đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng, theo CNN.
Số ca ở Italy hiện là 110.574, tăng thêm 4.782 trường hợp so với ngày hôm trước, ghi nhận thêm 727 người chết, theo đó có 13.155 trường hợp tử vong. Quốc gia này quyết định kéo dài thời gian phong toả đến ngày 13/4, nhưng hiện tại đang ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong hơn 1 tuần, đây là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh ở Italy có thể đã đạt đỉnh.
Tây Ban Nha có thêm 8.195 người nhiễm mới trong hôm 1/4, nâng tổng số ca lên 104.118, có thêm 923 trường hợp tử vong, theo đó số người chết ở nước này là 9.387. Cho đến nay, tốc độ tăng của tỷ lệ ca nhiễm và tử vong ở Tây Ban Nha thay đổi theo xu hướng tương tự như Italy. Từ ngày 15-25/3, số ca nhiễm mới ở nước này tăng với tốc độ 20%/ngày, nhưng đã giảm xuống mức 12% và thấp hơn kể từ ngày 25/3. Điều này cho thấy số ca nhiễm mới đang tăng chậm lại.
Số người dương tính với SARS-CoV-2 ở Đức và Pháp cũng tăng thêm lần lượt là 6.173 và 4.861, theo đó tổng số ca nhiễm của 2 nước hiện là 77.981 và 56.989. Trong khi đó, số người chết tăng thêm 156 và 509, nâng trường hợp tử vong lên 931 và 4.032. Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra thông báo, hơn 1 tuần sau khi cấm các buổi tụ tập với hơn 2 người tham gia thì chính phủ yêu cầu người dân nước này tránh tiếp xúc với những người bên ngoài ra đình và kéo dài thời gian phong toả thêm 2 tuần cho đến ngày 19/4.
Iran cho đến nay vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc, với 47.593 ca nhiễm, tăng 2.988 trường hợp so với ngày hôm trước và thêm 138 người chết, tổng số trường hợp tử vong là 3.036. Tình hình dịch bệnh ở quốc gia Trung Đông có diễn biến phức tạp hơn khi giới chức thường xuyên kêu gọi người dân ở trong nhà. Phớt lờ những cảnh báo từ phía chính phủ, nhiều người dân Iran vẫn tụ tập và đi du lịch vào dịch năm mới của người Iran vào cuối tháng 3.
Tại Đông Nam Á, Malaysia là "tâm dịch" của khu vực với 2.908 ca nhiễm và 45 trường hợp tử vong. Indonesia là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực là 9,4%, với 157 người chết trong tổng số 1.677 ca nhiễm.
Quận Jia, thuộc tỉnh Hà Nam Trung Quốc, bị phong toả từ ngày 1/4, toàn bộ người dân đều được yêu cầu đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ khi đến và rời khỏi khu vực. Hà Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào trong 30 ngày, cho đến khi 3 bác sĩ ở Pingdingshan (quận Jia) được chẩn đoán nhiễm nCoV dù không có triệu chứng.