Cảnh giác với quảng cáo trên TikTok: Cứ được trả tiền là khen lên tận mây xanh!

Huyền Trang/ Design: Trang Bé | 22-08-2022 - 09:00 AM

(Tổ Quốc) - Nguồn thu chủ yếu của TikToker đến từ quảng cáo vì thế nhiều người đã bất chấp làm liều.

Nhãn hàng "vung tiền" để quảng cáo trên TikTok

Quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook, YouTube hay TikTok thông qua người nổi tiếng (KOLs hay Influencer) đang rất phổ biến. Theo thống kê của eMarketer tính đến tháng 7/2022, các nhãn hàng đã bỏ ra tới hơn 2,2 tỷ USD để chi cho những hoạt động quảng cáo trên Instagram, con số này ở YouTube - TikTok - Facebook lần lượt là 948 triệu USD, 774 triệu USD và 739 triệu USD. Có thể thấy chi phí quảng cáo mà các thương hiệu chi trên TikTok đang tăng nhanh và với tốc độ này, việc TikTok vượt qua YouTube là chuyện sớm muộn.

Theo Zarnaz Arlia, Giám đốc tiếp thị của Emplifi - công ty tiếp thị truyền thông xã hội toàn cầu chia sẻ trên Forbes, TikTok sẽ tiếp quản lĩnh vực tiếp thị và thương mại vào năm 2022. Bởi lẽ nền tảng này đang ngày càng phát triển nhiều tính năng và phiên bản thương mại, giúp cho các thương hiệu thuộc mọi quy mô đều có thể mua quảng cáo, theo dõi hiệu suất và mở rộng quy mô doanh thu.

Chuyện quảng cáo loạn trào trên TikTok: Khó kiểm soát chất lượng, người dùng dễ gặp cảnh tiền mất tật mang - Ảnh 1.

Chẳng hạn Dunkin' - thương hiệu bánh và cafe đình đám tại Mỹ đã hợp tác với Charli D'Amelio - TikToker có 145,6 triệu người theo dõi để làm clip giới thiệu các món mới trong thực đơn của mình. Kết quả, lượng tải app của Dunkin' tăng 57%, doanh số bán hàng tăng 20% với tất cả các loại cà phê ủ lạnh. Ví dụ này cho thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của hình thức quảng cáo thông qua người nổi tiếng trên TikTok.

Ở Việt Nam, chưa có thống kê chính thức nào nhưng nếu là một "tín đồ" TikTok không khó để nhận ra quảng cáo trên nền tảng này đang phát triển thế nào. Các nhãn hàng ở mọi lĩnh vực ráo riết tìm kiếm các hot TikToker để chi tiền, mời họ trải nghiệm và làm clip giới thiệu sản phẩm cho mình. Từ mỹ phẩm đến quán ăn, từ quần áo đến công nghệ điện tử, từ đồ ăn vặt đến khóa học... tất cả đều được quảng cáo nhiệt tình.

Chuyện quảng cáo loạn trào trên TikTok: Khó kiểm soát chất lượng, người dùng dễ gặp cảnh tiền mất tật mang - Ảnh 2.

Quảng cáo đem lại thu nhập khủng cho TikToker

Với mức độ chịu chi như vậy của các shop và nhãn hàng, nhận quảng cáo sản phẩm trở thành nguồn thu nhập không hề nhỏ cho hội TikToker. Không có một mức quy định nào về lượng người theo dõi đủ để quảng cáo sản phẩm nhưng hầu hết các TikToker đều có từ dăm bảy chục nghìn lượt theo dõi trở lên. Và đương nhiên, lượng người theo dõi càng tăng, tương tác càng nhiều thì giá quảng cáo càng cao.

Năm 2021, hot TikToker Tun Phạm (sinh năm 1997) công khai báo giá các hạng mục quảng cáo cho những ai thắc mắc. Cụ thể, một clip quảng cáo trên kênh TikTok của Tun Phạm có giá từ 13 - 17 triệu đồng, tùy thuộc vào thời lượng clip, kịch bản và địa điểm quay. Ở thời điểm đó, lượng theo dõi trên kênh của Tun Phạm là 2,6 triệu người và hiện tại con số đã lên 3 triệu người.

Có giá quảng cáo tương tự Tun Phạm là Đức Anh Phạm (sinh năm 1994) - "thánh đột nhập" trên TikTok với 4,7 triệu người theo dõi. Đầu năm 2022, Đức Anh cho biết một video quảng cáo trên kênh của mình sẽ có giá trung bình từ 10 - 20 triệu đồng, thay đổi tùy theo yêu cầu của nhãn hàng. Trong tháng nhiều quảng cáo nhất, Đức Anh nhận trên dưới 20 cái, đồng nghĩa với việc anh chàng sẽ có khoảng 200 - 400 triệu đồng.

Một TikToker khác cũng công khai thu nhập từ quảng cáo trên nền tảng này là Hải Ninh Nguyễn (sinh năm 2002). Ở thời điểm 2021 với tài khoản 1,1 triệu người theo dõi, mỗi job (công việc) của Hải Ninh có giá khoảng 2 triệu. Cậu bạn cho biết mỗi tháng nhận 15 job là có thể thu về 30 triệu - mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều người.

Chuyện quảng cáo loạn trào trên TikTok: Khó kiểm soát chất lượng, người dùng dễ gặp cảnh tiền mất tật mang - Ảnh 3.

Những con số biết nói này là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy quảng cáo đã và đang trở thành một nguồn thu nhập quan trọng của các TikToker. Đây cũng chính là lý do khiến cho nhiều người trẻ quan tâm đến công việc TikToker và theo đuổi nghiêm túc.

Mua bán theo trend, chất lượng không qua kiểm định và hậu quả khó lường

Nhưng mọi chuyện đều có 2 mặt, thu nhập cao ngất ngưởng trở thành nguyên nhân khiến nhiều TikToker nhận quảng cáo bất chấp. Với cát-xê từ nhãn hàng, sản phẩm được một bộ phận TikToker khen lên tận mây xanh mà không hề tìm hiểu, càng không quan tâm đến chất lượng. Thậm chí nhiều sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng không được kiểm định chất lượng, dẫn đến tình trạng tiền mất tật mang cho người sử dụng.

Chuyện quảng cáo loạn trào trên TikTok: Khó kiểm soát chất lượng, người dùng dễ gặp cảnh tiền mất tật mang - Ảnh 4.

Tháng 7/2022, tờ Theo Washington Post đưa tin các bác sĩ da liễu và chuyên gia trang điểm từ nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng cảnh báo về xu hướng sử dụng kem dưỡng da calamine làm kem lót hot trên TikTok ở thời điểm đó.

Xu hướng này đến từ việc rất nhiều người đam mê làm đẹp ca ngợi calamine như một loại kem lót "thần thánh". Một TikToker khẳng định "Tôi không thể nhìn thấy lỗ chân lông của mình ở bất cứ đâu" còn người khác lại tuyên bố calamine giúp lớp trang điểm lâu trôi dưới ánh nắng mùa hè và trong suốt 12 giờ làm việc. Với những lời quảng cáo này, kem dưỡng da calamine trở thành mặt hàng được nhiều người tìm mua ở thời điểm đó.

Tuy nhiên xu hướng này có thể gây nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng da và làm da tổn thương lâu dài. Theo Azadeh Shirazi, bác sĩ da liễu tại San Diego (Mỹ), việc sử dụng kem dưỡng chứa calamine làm kem lót không có ý nghĩa chăm sóc da, mà ngược lại có nguy cơ làm khô da và làm hỏng hàng rào bảo vệ da.

Ở trong nước, cuối tháng 7/2022, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng tố H.P - TikToker có 1,1 triệu người theo dõi. Chủ nhân bài đăng cho biết chị mình là sản phụ, vì nghe theo quảng cáo của H.P về thạch nghệ saffron và sử dụng hàng ngày dẫn tới bị hỏng thai. Sau bài tố, H.P đã xóa clip quảng cáo sản phẩm đi và tổ chức phát trực tiếp để thanh minh rằng bà bầu có thể sử dụng được nhưng dùng ít. Điều này hoàn toàn không được nhắc đến ở clip quảng cáo trước đó nên một bộ phận dân mạng đã không đồng tình. Tuy nhiên một số người cũng đặt vấn đề rằng người đăng bài tố là tài khoản không rõ danh tính đồng thời không có bằng chứng cụ thể nào. Sau khi H.P lên tiếng, người đăng không có bất cứ chia sẻ nào khác khiến cho vụ việc nhanh chóng chìm xuống.

Không chỉ thuê hot TikToker, một số chủ cửa hàng/ thương hiệu kem trộn - mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cũng đổ xô lên TikTok để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Ngoài việc làm clip, họ còn phát sóng trực tiếp cảnh đang khuấy kem. Toàn bộ quá trình sản xuất, người khuấy kem không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào, không đeo bao tay, không dùng khẩu trang.

Các TikToker nói gì?

Về chuyện nhận quảng cáo, các hot TikToker cũng có nhiều lần chia sẻ thẳng thắn với chúng tôi.

Đầu năm 2022, "bà hàng xóm" Phạm Vinh tiết lộ trong 1 bài phỏng vấn rằng có 3 sản phẩm mà anh chàng nhất quyết không nhận quảng cáo cho dù có giá cao thế nào là trị mụn, tăng/ giảm cân và các loại thuốc. Phạm Vinh cho biết:

"Vì những sản phẩm này không thể phù hợp với tất cả người dùng, rất dễ kích ứng. Nếu mình quảng cáo mà một trong những người theo dõi mua theo, không may gặp vấn đề gì thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mình. Kể cả những nhãn hàng này có đưa ra con số cao đến mấy mình cũng không nhận, mình làm nghệ thuật không phải vì tiền mà vì đam mê".

Chuyện quảng cáo loạn trào trên TikTok: Khó kiểm soát chất lượng, người dùng dễ gặp cảnh tiền mất tật mang - Ảnh 4.

Trước tình trạng TikToker nhận quảng cáo đại trà, Phạm Vinh nói: "Mình biết nhiều bạn TikToker đang nhận tất tần tật các sản phẩm để quảng cáo mà không để ý đến chất lượng. Mình nghĩ nên hạn chế bởi nếu có vấn đề, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của các bạn ấy. Số tiền nhận được từ việc PR quá rẻ mạt so với sự ảnh hưởng này. Tất nhiên mỗi người có một quan điểm, mình không thể nào bắt các bạn ấy không được quảng cáo nữa hay bắt mọi người không mua nữa nhưng tóm lại là nên hạn chế".

Một cái tên có tiếng khác trên TikTok là 1977 Vlog cũng thẳng thắn nói về chuyện nhận quảng cáo của mình. Họ đã nhiều lần từ chối hợp tác với các nhãn hàng khi giới hạn, nguyên tắc của nhóm bị ảnh hưởng. Việt Anh - thành viên của 1977 Vlog cho biết: "Bọn mình cũng có những nguyên tắc riêng khi nhận quảng cáo như rất hạn chế nhận quảng cáo về dược phẩm, làm đẹp,... bất kể nội dung thế nào. Bởi vì khi chưa sử dụng sản phẩm, bọn mình không muốn đem ra truyền thông cho khán giả. Ví dụ mỹ phẩm chẳng hạn, mặt bọn mình xấu như thế này làm sao quảng cáo được kem dưỡng da?".

Chuyện quảng cáo loạn trào trên TikTok: Khó kiểm soát chất lượng, người dùng dễ gặp cảnh tiền mất tật mang - Ảnh 5.

Tạm kết

Không thể phủ nhận vai trò của các TikToker và TikTok trên thị trường quảng cáo cũng như các lĩnh vực khác. Tuy nhiên suốt thời gian vừa qua, đây lại là nơi bắt nguồn của nhiều trào lưu bát nháo và không ít trò lố. Tình trạng bất chấp vì cái lợi trước mắt như vậy khiến nhiều người không khỏi lo lắng về cái hại lâu dài có thể xảy ra.

Vì vậy ở vị trí người tiêu dùng, điều đầu tiên mà bất cứ ai cũng phải nhớ là hãy cẩn thận. Dù mua hàng theo quảng cáo trên TikTok hay ở bất cứ đâu cũng phải tìm hiểu kỹ càng để bảo vệ sức khỏe và tinh thần của mình cũng như người thân, tránh cảnh tiền mất tật mang nhé!

Chuyện quảng cáo loạn trào trên TikTok: Khó kiểm soát chất lượng, người dùng dễ gặp cảnh tiền mất tật mang - Ảnh 6.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM