Quán cơm ấm áp với cách tính tiền đặc biệt
Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6, những thành viên của quán "Nụ cười Shinbi" lại tập trung đúng 3h chiều. Cùng nhau, họ chế biến từng mớ rau, miếng thịt, quả trứng…để tạo ra những bữa cơm thật ngon, giàu dinh dưỡng cho những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều.
"Nụ cười Shinbi" là quán ăn của anh chị Lâm, My (Thanh Xuân, Hà Nội) thành lập để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.
Quán cơm tất bật đón rất nhiều thực khách ghé đến mỗi ngày
Chia sẻ với chúng tôi, chị My cho biết: "Trước đây, quán có tên là Yên Vui Tân Triều, mình và chồng là những hội viên gắn bó với quán từ rất lâu. Quán hoạt động được một thời gian thì quỹ tài trợ bị dừng, khiến quán phải dừng hoạt động. Vợ chồng mình cũng đắn đo suy nghĩ mãi, sau cuối cùng thống nhất tiếp quản lại quán để tiếp tục giúp đỡ cho bệnh nhân bệnh viện K và những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, các nhà hảo tâm, anh chị đã thuê lại mặt bằng, sửa sang lại quán và lấy tên là "Nụ cười Shinbi". Lý giải cho cái tên này, chị My chia sẻ, để có thể vận hành quán thì nguồn kinh tế của hai vợ chồng là chưa đủ. Thật may mắn anh chị được một người bạn trong lĩnh vực nha khoa tài trợ chính. Với số tiền tài trợ của người bạn có thể giúp vợ chồng anh chị đủ chi phí trả tiền thuê nhà, trả lương đầu bếp, giúp quán có thể duy trì tốt. Do đó, anh chị đặt tên quán là "Nụ cười Shinbi" để tri ân người bạn này. Ngoài ra "nụ cười" còn mang thông điệp rằng dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất cũng hãy giữ niềm hy vọng trong tim.
Hàng ngày, quán sẽ phục vụ từ 150 đến 200 suất cơm cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, quán sẽ dành ra 30 suất để dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa nhi, bệnh viện K Tân Triều.
Để đảm bảo mỗi suất cơm đều thơm ngon, hợp khẩu vị cũng như đầy đủ dinh dưỡng, quán sẽ lên thực đơn thay đổi mỗi ngày. Mỗi khay cơm có đủ bốn món: mặn, xào, canh, sẽ có thêm hoa quả tráng miệng hoặc sữa tùy thực đơn ngày hôm đó.
Thực đơn dinh dưỡng thay đổi mỗi ngày, không trùng lặp
Điều đặc biệt của quán là những thực phẩm ở đây luôn được lựa chọn kĩ càng, tươi sạch mà giá chỉ 2000 đồng/suất. Chị My chia sẻ: "Mình có biết một số mô hình về làm cơm miễn phí, tuy nhiên sau khi hai vợ chồng mình đắn đo, đã quyết định lấy 2000 đồng/suất cơm. 2000 đồng không phải số tiền lớn, nhưng chừng đó là vừa đủ để người đến ăn vừa cảm giác được trả tiền cho cơm mình ăn, mình cũng giúp đỡ cho họ được một phần về kinh tế". Bên cạnh đó, nếu có một nhóm cùng đến ăn, họ có thể "mời" nhau ăn, điều này giúp gia tăng tình cảm giữa những người có cùng hoàn cảnh.
Người phục vụ trong quán có thể là bất cứ ai, họ ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội. Dù là ai, đến từ đâu thì tất cả mọi người đều hăng hái, dốc hết sức mình để vận hành quán cơm, nhằm phục vụ những thực khách "đặc biệt" tốt nhất có thể.
Mỗi người một chân một tay, người đập trứng, thái thịt, băm hành tỏi, xào rau,…không ngơi nghỉ phút nào. Dù có mệt mỏi, nóng nực đến độ mồ hôi đầm đìa trên trán, nhưng nghĩ đến niềm vui của những bệnh nhân khi ăn những suất cơm này, họ lại có thêm động lực để cố gắng.
Mỗi người đảm nhận một công việc, dốc hết sức mình để phục vụ những thực khách "đặc biệt"
Là tình nguyện viên trẻ tuổi nhất ở quán, bạn Diệu Anh (16 tuổi) chia sẻ niềm vui khi được đứng bếp cùng với các cô chú ở quán. "Em cũng biết quán mới gần đây thôi, và đây cũng là ngày đầu tiên em ở đây. Dù bản thân em cũng chỉ hỗ trợ được một phần rất nhỏ nhưng em cảm thấy rất vui vì mình đã làm được một điều có ý nghĩa tích cực để giúp đỡ cho những bệnh nhân ung thư", bạn Diệu Anh chia sẻ.
Không chỉ là suất cơm, đó là còn là niềm an ủi với mỗi người bệnh
Đến với quán "Nụ cười Shinbi", việc chỉ phải trả 2000 đồng cho 1 suất cơm là cách mà quán hỗ trợ một phần về mặt tài chính cho những bệnh nhân tại viện K và những người lao động nghèo.
Chị Vi Thị Hồng đưa người nhà lên bệnh viện K điều trị ung thư não di căn đã được một tháng. Trong một tháng đó gần như ngày nào chị cũng đến đây ăn, chị thấy cơm ở đây rất ngon, món nào chị cũng thích. "Mình thấy cơm ở đây ngon lắm, người của quán cũng quan tâm hỏi han, nhất là chị My, hôm nào cũng thấy chị đi từng bàn, hỏi xem cơm hôm nay thế nào, mặn nhạt ra sao,…chính những điều đó khiến mình rất cảm động và muốn ăn ở đây thêm nhiều lần nữa". chị Hồng cho hay
Vừa nhập viện chưa lâu, ông Hà Văn Lợi (đang điều trị ung thư hạ họng tại bệnh viện K Tân Triều) không khỏi lo lắng khi không biết sẽ phải mua cơm ở đâu, nếu mua ở ngoài ông sợ giá thành cao, chưa kể vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa chắc đã đảm bảo. Rất may ông được mọi người ở cùng phòng bệnh chỉ cho quán "Nụ cười Shinbi".
"Tôi thấy cơm ở đây rất ngon, rất sạch sẽ, thực đơn thì đa dạng hợp với khẩu vị của tôi, mọi người ở quán cũng rất tận tình quan tâm tới tôi cũng như những bệnh nhân khác đến ăn. Với chúng tôi, đây không chỉ một suất cơm mà còn là niềm an ủi rất lớn trong lúc bạo bệnh. Chúng tôi mong cộng đồng và các nhà hảo tâm sẽ hỗ trợ quán để những mô hình như này được nhân rộng", ông Lợi chia sẻ.
Trong quá trình hoạt động, anh Lâm chị My cũng như đội ngũ của quán gặp không ít khó khăn, từ việc thiếu tình nguyện viên khiến công việc gia tăng, thiếu nguồn kinh phí để duy trì được mức giá 2000 đồng/suất…chưa kể trong quá trình hoạt động, nhiều người muốn lợi dụng hoạt động thiện nguyện của quán bằng cách mua cơm của chị, rồi mang ra ngoài bán với giá cao hơn nhiều để kiếm lời. Nhưng không vì thế mà nản chí, tất cả mọi người cùng động viên nhau cố gắng, mỗi người một chân một tay.
"Mình không ngại bất kì khó khăn gì, vì ở đây không chỉ có đội ngũ của quán, các bạn tình nguyện viên mà còn có cả làng xóm xung quanh sang giúp đỡ. Về mặt tài chính thì hiện tại quán vẫn được các nhà hảo tâm ủng hộ, người ủng hộ tiền, người ủng hộ gạo, người ủng hộ rau,…mỗi thứ một ít là đủ. Mình chỉ ngại mọi người không biết đến quán, lại mất công, mất tiền ra ăn ở bên ngoài", chị My nói.
Ở thời điểm hiện tại, quán vẫn hoạt động khá ổn định do đội ngũ của quán và tình nguyện viên tương đối đông, cũng như hàng xóm, bạn bè, các nhà hảo tâm giúp đỡ rất nhiệt tình. Chị My chia sẻ: "Về lâu dài thì mình chưa dám nói trước, nhưng hiện tại, quán sẽ cố gắng hết sức để phục vụ những bữa cơm ngon nhất, đầy đủ dinh dưỡng nhất để hỗ trợ được càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Đó là điều mà vợ chồng mình mong muốn khi mở quán cơm "Nụ cười Shinbi".