Cảnh báo rắn cắn
TS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết trong 2 ngày vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã cấp cứu 4 trường hợp bị rắn cắn, trong đó có 2 trường hợp nặng do bị rắn độc cắn, nguyên nhân đều do trong quá trình sinh hoạt hoặc lao động sản xuất đã vô tình đụng chạm phải rắn.
Ca bệnh thứ nhất là nam giới, 28 tuổi, trong khi lấy củi ở vườn đã bị rắn hổ mang bành cắn vào ngón tay. Sau khi bị rắn cắn, mặc dù đau nhiều nhưng bệnh nhân vẫn đập chết, chụp lại hình ảnh rắn rồi mới nhập viện. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, đau nhiều vùng vết thương và có tình trạng phù nề, hoại tử vùng ngón tay do rắn cắn.
Ca bệnh thứ 2 là nam giới, 38 tuổi, trong lúc kéo đường lưới điện, đã bị rắn lục ở trên cây cắn vào tay. Sau khi bị cắn, bệnh nhân đau, chảy máu nhiều vùng rắn cắn và cũng nhanh chóng được nhập viện.
Bệnh nhân bị rắn cắn đang điều trị tại bệnh viện.
TS Tình cho biết cả 2 bệnh nhân đã được điều trị tích cực, hiện tại đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi sát toàn trạng. Bệnh nhân thứ 3 và thứ 4 cũng vô tình bị rắn cắn khi đi làm ruộng nhưng rất may đó chỉ là rắn nước (rắn lành).
"Các trường hợp bị rắn độc cắn (rắn hổ, rắn lục), tuỳ mức độ bệnh mà chúng tôi sẽ theo dõi sát để điều trị chuyên sâu như sử dụng huyết thanh trung hoà độc tố, thở máy, lọc máu, kháng sinh…Trong mấy năm trở lại đây, rất nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn, nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhân phải thở máy, lọc máu… nhưng chưa có trường hợp nào tử vong", TS Tình cho biết.
Sơ cứu khi bị rắn cắn
TS Tình cho biết các loại rắn độc phổ biến ở Việt Nam là rắn hổ (hổ mang bành, hổ mang chúa, cạp nong/cạp nia) và rắn lục. Tai nạn rắn cắn hay gặp vào mùa hè (mùa mưa) do rắn hay ra khỏi nơi trú ngụ để đi kiếm ăn, hoặc do chỗ ở của rắn bị ngập nước. Rắn có thói quen sinh sống ở nơi ẩm thấp, bụi rậm, dưới tán lá cây, bụi cỏ…
Khi bị rắn cắn, sơ cứu rất quan trọng. Mục tiêu của sơ cứu không phải là chữa rắn cắn mà chỉ làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn. Nhờ đó nạn nhân có đủ thời gian để kịp được vận chuyển đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc.
TS Tình nhấn mạnh khi bị rắn cắn nên nhanh chóng rửa vết thương bằng nước sạch hoặc xà phòng, bất động chân tay bên bị bệnh, băng ép nhẹ vùng tổn thương, nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có khả năng hồi sức tích cực. Cố gắng chụp lại hình ảnh của rắn hoặc nhớ hình dạng của rắn, cung cấp cho thầy thuốc để nhanh chóng định danh được loại rắn.
Tuyệt đối không được sử dụng phương pháp garô vì hành động này làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch (mạch máu vận chuyển máu từ tim đi nuôi dưỡng các bộ phận của cơ thể), gây đau, rất nguy hiểm và không thể duy trì lâu (không quá 40 phút), chân tay rất dễ bị thiếu máu, gây nguy hiểm. Nhiều trường hợp sau đó phải cắt cụt chân, tay vì garô.
Không trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy các biện pháp này không có lợi ích mà còn gây hại thêm cho bệnh nhân, tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,... nhiễm trùng nặng thêm.
Không hút nọc độc vì thiết bị hút này không có hiệu quả và thậm chí còn làm vết thương nặng thêm.
Tuyệt đối không chườm đá, không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo. Tất cả các phương pháp này không có ích lợi. Nếu đắp tại vết cắn dễ gây nhiễm trùng thêm, trong khi uống có thể gây hại cho nạn nhân.
Phòng ngừa rắn cắn: đi ủng, đi giày cao cổ, mặc quần dài khi đi vào vùng bụi rậm hoặc trong đêm tối. Không đến gần các nơi rắn hay cư trú như các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, nơi nuôi các động vật của gia đình. Khi phải đi qua bụi rậm, rừng cây, cần sử dụng que, gậy đánh động ở những nơi mình sắp đi qua để xua đuổi rắn.