Liên tiếp ghi nhận các ca sốt rét từ châu Phi
Ngày 4/6 vừa qua, tại Bệnh Viện Nhiệt Đới TP HCM phát hiện 2 ca nhiễm bệnh sốt rét châu Phi. Được biết, các bệnh nhân này đều là du học sinh và vừa trở về từ châu Phi, cả hai đều xuất hiện triệu chứng sốt và xét nghiệm máu thấy có ký sinh trùng sốt rét. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp sốt rét ác tính với mật độ ký sinh trùng cao, suy thận, tổn thương gan, nhiễm toan axit lactic.
Trước đó, ngày 1/6, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân sốt rét sau khi trở về từ Angola.
Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra, ảnh hưởng đến con người, do ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Plasmodium gây ra. Mặc dù hiện nay, P. knowlesi (ký sinh trùng sốt rét ở khỉ) cũng có thể gây bệnh trên người, nhưng loài P. falciparum mới được xem là tác nhân chính gây ra phần lớn các trường hợp nhiễm trùng ở châu Phi và là nguyên nhân gây ra các dạng bệnh nặng nhất, với tỷ lệ kháng thuốc và tử vong cao nhất.
Khi một con muỗi bị nhiễm bệnh đốt người, nó có thể đưa ký sinh trùng từ nước bọt của mình vào máu của người. Nhiều loài muỗi khác nhau đều truyền bệnh sốt rét theo cách này. Mỗi loài muỗi truyền bệnh sốt rét sẽ có độ dài vòng đời khác nhau, môi trường sống ưa thích ở dưới nước và thích kiếm ăn. Tuổi thọ cao và thói quen cắn người mạnh mẽ của các loài muỗi châu Phi mang mầm bệnh sốt rét là những lý do chính khiến tỷ lệ mắc bệnh sốt rét ở châu Phi cao.
Mặc dù sốt rét có thể phòng ngừa và điều trị dễ dàng nhưng bệnh vẫn tiếp tục có những tác động tàn phá nhất định đối với sức khỏe của con người. Sốt rét ác tính là bệnh cảnh nặng, gây suy nội tạng, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân nhập viện sớm và được xử trí kịp thời, tỉ lệ cứu sống và hồi phục sẽ tương đối cao.
Đáng chú ý, từ nhiều năm nay, vùng dịch tễ sốt rét của Việt Nam còn rất ít, Hà Nội và các tỉnh thành ở miền Bắc và miền Nam hầu như không còn bệnh nhân sốt rét. Do đó, việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét từ nước ngoài trở về ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn, thường phát hiện trễ và dễ bị bỏ sót. Bệnh thường bị chẩn đoán nhầm với bệnh sốt xuất huyết Dengue đang lưu hành ở Việt Nam.
Vì vậy, khi khám một bệnh nhân bị sốt, nhân viên y tế cần khai thác kỹ về dịch tễ. Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện ở đô thị, nơi tập trung đông dân. Ngược lại, bệnh sốt rét chủ yếu xảy ra ở vùng lưu hành bệnh, đặc biệt các quốc gia châu Phi (Angola, Cameroon, ...). Tại Việt Nam, cần xem xét đến khả năng bệnh nhân mắc sốt rét nếu người bệnh sinh sống hoặc có lui tới vùng rừng núi, vùng ngập mặn ven biển (khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ).
Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho 2 bệnh nhân mắc sốt rét chủng Châu Phi. Ảnh: BVCC.
Sốt rét từ Châu Phi có nguy hiểm hơn sốt rét tại Việt Nam?
Về cơ bản, tỉ lệ tử vong, nguy hiểm của bệnh sốt rét tại châu Phi hay châu Á hầu như đều nguy hiểm như nhau. Tuy nhiên, nguy cơ mắc sốt rét ở người từ nơi khác đi du lịch hay đi làm ở vùng dịch tễ sẽ nặng hơn do chưa tiếp xúc và chưa có sự miễn dịch. Thêm vào đó, các trường hợp này cũng dễ bị bỏ sót, dẫn đến việc chẩn đoán cũng như quá trình điều trị bị chậm trễ.
Người về từ Châu Phi cần khám sàng lọc
Trong những năm vừa qua, bệnh sốt rét ở Việt Nam được kiểm soát khá thành công bởi chúng ta đã có chương trình phòng chống sốt rét hiệu quả ở các địa phương cũng như có đầy đủ thuốc sốt rét để điều trị nên tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét giảm nhiều, chỉ còn ở một số tỉnh ở Tây Nguyên và phía Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nước ta bắt đầu xuất hiện những bệnh nhân sốt rét trở về từ Châu Phi.
Những người dân trở về nước từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức năng. Khi có biểu hiện sốt, những người này cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót. Trong những năm qua, đã có nhiều cảnh báo về các trường hợp sốt rét đi từ Châu Phi về, đặc biệt các trường hợp công nhân, người lao động làm việc tại Angola thì cần phải lưu ý yếu tố dịch tễ, cần khai báo với cơ quan y tế hoặc đi xét nghiệm bởi sốt rét có thể trở thành sốt rét ác tính và nguy hiểm đến tính mạng.
Đã có nhiều trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau 3 - 5 ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Đi kèm với hôn mê là tình trạng suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi,..) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết, song nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục. Hiện nay, đã có sẵn các thuốc sốt rét như Artesunate, Arterakin và các loại thuốc này được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình.
Phòng ngừa sốt rét
Hiện nay, sốt rét là một căn bệnh lâu đời, bệnh có thể phòng ngừa và điều trị. Để làm giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như:
- Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét.
- Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.
- Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng, không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu,...
- Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ. Trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống dự phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đã phê duyệt vaccine ngừa sốt rét đầu tiên trên thế giới là vaccine RTS,S/AS01. WHO khuyến nghị tiêm vaccine này cho trẻ em ở các nước châu Phi, đánh dấu bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét.
Việc phòng ngừa và phát hiện bệnh kịp thời là rất cần thiết, ảnh minh họa.
Điều trị sốt rét
Trong 2 thập kỷ qua, việc tiếp cận mở rộng các công cụ và chiến lược phòng chống sốt rét do WHO khuyến nghị - bao gồm kiểm soát véc-tơ truyền bệnh hiệu quả và sử dụng thuốc phòng chống sốt rét - đã có tác động lớn trong việc giảm gánh nặng toàn cầu của căn bệnh này.
Phương pháp điều trị tốt nhất hiện có, đặc biệt đối với bệnh sốt rét do P. falciparum, là liệu pháp phối hợp dựa trên artemisinin (ACT) - một loại thuốc quan trọng trong điều trị sốt rét. Mục tiêu chính của điều trị là đảm bảo loại bỏ nhanh chóng và đầy đủ ký sinh trùng Plasmodium để ngăn chặn trường hợp sốt rét không biến chứng tiến triển thành bệnh nặng hoặc tử vong.
Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh sốt rét làm giảm bệnh tật, ngăn ngừa tử vong và góp phần làm giảm nguy cơ lây truyền. WHO khuyến cáo rằng tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sốt rét được xác nhận bằng xét nghiệm chẩn đoán dựa trên ký sinh trùng (thông qua kính hiển vi hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh). Xét nghiệm chẩn đoán cho phép các nhà cung cấp dịch vụ y tế phân biệt nhanh chóng giữa sốt sốt rét và sốt không sốt rét, tạo điều kiện cho việc điều trị thích hợp.
Nhóm tác giả:
Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).
Trần Huyền Thoại (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng)
Nguyễn Tiến Huy (PGS, TS, BS; Khoa Y, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)
Tài liệu tham khảo:
https://www.afro.who.int/health-topics/malaria
https://bit.ly/3aESbOp
http://ytehagiang.org.vn/tin-tuc/benh-sot-ret-va-cac-bien-phap-phong-chong.html
https://academic.oup.com/cid/article/47/2/158/356798