Đây là nơi mà Uông Vượng và Hoàng Dung - một cặp vợ chồng làm nghề kim hoàn thủ công sinh sống.
Mỗi lần Uông Vượng đăng ảnh lên mạng xã hội, nhiều người lại đồn đoán rằng chủ nhân của ngôi nhà chắc hẳn phải có nền tảng tài chính rất vững chắc. Trên thực tế, nghề nghiệp của hai vợ chồng đã không còn phổ biến, do đó, họ cũng phải vượt qua không ít trắc trở.
"Thuê một ngôi nhà phù hợp rồi sửa sang theo gu thẩm mỹ của riêng mình, tự tay trang trí, thiết kế từng chi tiết một, công việc này vô cùng vất vả; tuy nhiên, sẽ đạt được sự tự do trong tâm trí", anh nói.
Vợ chồng Uông Vượng và Hoàng Dung
Bỏ việc ổn định ở thành phố về ngoại ô theo đuổi nghề kim hoàn
Uông Vượng và vợ chuyển tới ngôi nhà trên đồi ở ngoại ô Bắc Kinh vào năm 2016. Ngay khi mới nhìn thấy, họ đã mê mẩn căn nhà có vị trí đắc địa này.
"Xung quanh là rừng thông rộng lớn với cả vạn cây, xa xa lại là núi non trùng điệp. Chỉ riêng cảnh đẹp như vậy, đã khiến lòng muốn thuê luôn. Còn căn nhà chỉ cần ở được là được", anh nói.
Uông Vượng và Hoàng Dung gặp nhau khi còn là sinh viên tại một trường đại học ở Bắc Kinh. Do đặc thù của chuyên ngành, Đôi vợ chồng này thất nghiệp trong suốt 5-6 năm sau đó, thay đổi chỗ ở tới hơn 10 lần.
Năm 2006, Uông Vượng quyết định bỏ nghề giảng viên tại Học viện Mỹ thuật để dành thời gian sáng tạo cá nhân. Anh thuê một trang trại ở ngoại ô Bắc Kinh, biến nó thành một studio làm việc, mỗi ngày dành 4 tiếng để di chuyển.
Do không có thu nhập thường xuyên, Uông Vượng và Hoàng Dung chi tiêu gì cũng phải cân nhắc thấu đáo. Tuy nhiên, anh chẳng bao giờ tiếc tiền phục vụ cho công việc.
"Khi tôi muốn làm một món đồ bằng bạc, lúc đó tôi chỉ có vài nghìn NDT. Nếu không mua vật liệu thì vẫn đủ 2 tháng tiền sinh hoạt, nhưng tôi vẫn sẽ mua vật liệu. Bởi tôi biết sẽ luôn có cách trả tiền thuê nhà và tiền ăn uống sinh hoạt cho tháng sau", anh nhớ lại.
3 năm sau, Hoàng Dung cũng từ bỏ nghề thiết kế quảng cáo, theo chồng mình trở thành một nghệ sĩ độc lập. Hai người rời thủ đô, chuyển ra ngoại ô định cư.
Không phải ai cũng tán thành quyết định của đôi vợ chồng này. Nhưng đối với hai người, công việc ổn định mà nội tâm xáo trộn, thì đó không phải là ổn định.
Sống ở ngoại ô có rất nhiều thuận lợi. Uông Vượng và Hoàng Dung có thêm không gian để chứa vật liệu kim loại, không bị ai phàn nàn về tiếng ồn, có thể đi dạo để cảm nhận sự thay đổi của thiên nhiên bốn mùa. Họ rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Ngôi nhà tối giản nằm giữa rừng thông 10.000 cây
Ngôi nhà của Uông Vượng và Hoàng Dung là một tam hợp viện điển hình. Do bận nhiều dự án, phải 2 năm sau khi thuê nhà họ mới có thể bắt tay vào cải tạo. Bản thảo thiết kế đã được hai người ấp ủ từ rất lâu. từ màu sắc, họa tiết cho đến các chức năng cơ bản, tất cả đều đã được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
Hai vợ chồng để nguyên tảng đá, hồ nước và cây cối ở sân trước, không sửa sang nhiều. Vì quá bận rộn với công việc sáng tạo và không có thời gian chăm sóc sân vườn, anh không trồng những loại thực vật cần phải chăm sóc kỹ càng.
Các cây cột đá được bọc trong xi măng dưới tầng 1
Do cảnh quan bên ngoài đã đủ đẹp, Uông Vượng và Hoàng Dung cố gắng trang trí nội thất một cách đơn giản nhất. Màu sắc chỉ có đen và xám giúp không gian không bị lộn xộn mà vẫn giữ được sự đơn giản và thoải mái.
Với ngân sách hạn hẹp, toàn bộ việc cải tạo được đích thân hai vợ chồng thực hiện. Chỉ những công việc chuyên môn như điện và nước họ mới phải thuê thợ tự bên ngoài.
Đối với tường xi măng và gạch lát sàn nhà, Uông Vượng đều tự mình nghiên cứu vật liệu, tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với ngôi nhà của mình. Anh cũng tự mày mò học cách sử dụng các loại công cụ.
Trong quá trình cải tạo, Uông Vượng còn tìm một căn phòng nhỏ để thử nghiệm xi măng và sơn tường từ nhiều hãng khác nhau. Cuối cùng, anh tìm ra công thức cho riêng mình: sử dụng xi măng rẻ nhất, trộn với nhựa cây và nước, rồi điều chỉnh tỷ lệ và nguyên liệu để có màu sắc và họa tiết phù hợp.
Giá xi măng trên thị trường rơi vào khoảng 1.000 NDT/m2 , trong khi xi măng tự tạo của Uông Vượng có giá chưa đến 10 NDT/m2. Chi phí vật liệu giảm được 100 lần, nhưng hiệu quả lại tăng cao. Nhờ vậy, anh nhận được không ít lời ca ngợi từ các nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Ở hành lang tầng 1 từng có một dãy cột đá cẩm thạch trắng, được chủ nhà đặc biệt làm với chi phí cao. Uông Vượng và Hoàng Dung được dặn là không được phép dỡ bỏ chúng.
Dãy cột này không phù hợp với thẩm mỹ của Uông Vượng, nhưng anh cũng không muốn lãng phí vật liệu đắt tiền như vậy. Vì thế, người đàn ông này đã nghĩ ra cách đúc một cây cột rỗng bằng xi măng để bọc hàng cột bằng đá cẩm thạch trắng lại. Khi đến kiểm tra, chủ nhà chẳng những thích thú mà còn thán phục óc sáng tạo của đôi vợ chồng.
Để duy trì sự thống nhất về màu sắc, Uông Vượng đã sơn đen các đường ống lộ thiên và các công tắc. Chiếc điều hòa mới cũng được sơn một lớp xi măng, tuy đơn giản, thô sơ nhưng rất hợp không khí chung và đẹp mắt.
Rèn tâm tĩnh qua từng món đồ gia dụng nhỏ
Dù đổi nhà nhiều lần nhưng Uông Vượng và Hoàng Dung hiếm khi sắm sửa đồ đạc mới. Thứ nhất, họ muốn tiết kiệm tiền. Thứ hai, họ muốn thể hiện khả năng sáng tạo của bản thân. Những món đồ nội thất ưng ý nhất phải do chính tay bạn làm ra.
Hai vợ chồng cùng nhau thiết kế một dãy bàn trưng bày gần cửa ra vào, được làm hoàn toàn thủ công bằng thép không gỉ và đồng thau. Uông Vượng lo việc nặng nhọc, còn Hoàng Dung chăm chút cho các chi tiết nhỏ. Họ đặt tên cho bộ sưu tập là "Ngày và đêm".
Tác phẩm "Ngày và đêm" của đôi vợ chồng kim hoàn
Trên tầng hai có một không gian rộng 60m2, được thiết kế vuông vắn và độc đáo. Thay vì đặt ghế sofa lớn thoải mái, cô lựa chọn đặt một tấm thảm lớn có đường kính 4,2 m. Họ không đặt một chiếc ghế nào, vì muốn tối giản đồ đạc, tăng khả năng tập trung.
Mỗi khi bạn bè đến chơi, họ chuẩn bị đủ nệm êm để khách có thể ngồi dưới đất. Nhờ vậy, ai cũng cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên, tâm hồn cũng thêm vững vàng và tĩnh lặng. Đồ nội thất duy nhất trong nhà là một tấm gỗ cũ được dừng lại, quét sơn đen, đặt trên các khối trụ, vừa vặn cho một chiếc bàn trà.
Đồ nội thất duy nhất là một tấm gỗ cũ được dùng lại, quét sơn đen, đắt trên các khối trụ, vừa vặn cho một chiếc bàn trà. Không gian thoáng đãng này trở thành chốn vui chơi yêu thích của lũ trẻ.
"Con cái của bạn bè tôi như được giải thoát khi tới đây. Chúng rất vui vẻ, chạy nhảy xung quanh. Nhìn chúng vui đùa, lòng chúng tôi cũng hạnh phúc", Uông Vương nói.
Trên tầng hai còn có một ô cửa sổ thủy tinh lớn, được trang trí đặc biệt. Từ đây, Hoàng Dung hy vọng có thể thu được nhiều nhất phong cảnh ở bên ngoài. Cô thích cửa sổ kiểu châu Âu hình tam giác trên nóc nhà. Chỉ cần nắng lên, trên tường sẽ hình thành một "ngọn núi tuyết nhỏ", di chuyển chậm rãi rất đẹp mắt từ sáng đến tối.
Cửa sổ hình tam giác mô phỏng "núi tuyết"
Hồi đôi vợ chồng mới chuyển đến đây, mùa đông tuyết rơi dày đặc. Hoàng Dung mời bạn bè đến nhà uống trà, qua ô cửa sổ nhìn ra rừng thông lớp lớp phủ đầy tuyết cùng những ngọn núi ẩn hiện ở phía xa. Cô cảm thấy cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
"Sau khi sống trong ngôi nhà này, tôi cảm giác như thiên nhiên đang nói với chúng tôi rằng nhiều điều không thể tưởng tượng và không thể khống chế được", cô cho biết.
Cảnh tuyết hôm đó đã truyền cảm hứng cho Hoàng Dung tạo ra một món đồ bạc có tên là "Tuyết Trai". Mỗi khi dùng nó để uống trà, cô sẽ được nhắc lại cảm xúc cũ.
Tác phẩm sắp đặt "Tuyết trai" của Hoàng Dung
Năm 2020, dịch Covid-19 khiến mọi người phải cách ly trong nhà, cô đã nghĩ đến việc dùng lá thiếc để thực hiện các tác phẩm mô tả tâm trạng con người - nhạy cảm, bất an và dễ bị tổn thương.
Hoàng Dung và Uông Vượng thường trao đổi kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật với nhau. "Cuộc hôn nhân tuyệt vời nhất là khi hai người vẫn độc lập và có hứng thú của riêng mình. Khích lệ, động viên nhau cùng phát triển", họ giải thích.
Tác phẩm nghệ thuật làm từ thiếc của Hoàng Dung
***
Theo đuổi nghề kim hoàn đang dần bị mai một, Uông Vượng và Hoàng Dung cũng không qua dư dả về kinh tế. Dù vậy, họ vẫn quyết tâm không bỏ nghề.
Hai vợ chồng đều có studio độc lập; Uông Vượng thường làm việc ở tầng một, đằng sau phòng khách. Cuộc sống của anh diễn ra khá đơn giản, mỗi ngày đều thức dậy, ăn uống, lao động rồi nghỉ ngơi.
Hơn 20 năm trong nghề, chưa bao giờ người đàn ông này cảm thấy buồn tẻ. Vợ chồng anh coi đây là một hình thức thiền, giúp bản thân đạt được sự tĩnh lặng, tiến tới những cảnh giới cao hơn trong tâm thức.
Hãy cùng ngắm nhìn một số hình ảnh khác về ngôi nhà tối giản của đôi vợ chồng làm nghề kim hoàn ở ngoại ô Bắc Kinh.
(Theo Zhihu)