Cần gấp 200 tiêm kích tàng hình, Trung Quốc sản xuất hàng loạt J-20: Hé lộ biến thể mới

Trà Khánh | 14-07-2020 - 11:58 AM

(Tổ Quốc) - Không quân Trung Quốc cần từ 100 đến 200 tiêm kích tàng hình trong 5 năm tới, việc đưa J-20B vào sản xuất hàng loạt là động thái cho thấy họ đang thực hiện kế hoạch này.

Sputnik dẫn một báo cáo nội bộ của Không quân Trung Quốc cho biết, dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của nước này - Chengdu J-20 đã sẵn sàng đưa vào biên chế chính thức, khi chúng đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết cho hoạt động tác chiến trên không.

Thông tin này được phía Trung Quốc đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt một biến thể mới của J-20 theo một hợp đồng lớn với Không quân Trung Quốc. Có vẻ như các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại trên J-20 đã được phía Thành Đô giải quyết triệt để ở biến thể nói trên.

Cũng theo Sputnik, ngoài phiên bản cho Không quân, Thành Đô cũng sẽ phát triển một biến thể J-20 mới cho Không quân quân Hải quân Trung Quốc, một số thông tin cho thấy mẫu J-20 mới sẽ có kích thước nhỏ hơn cho phép nó có thể hoạt động trên tàu sân bay.

Cần gấp 200 tiêm kích tàng hình, Trung Quốc sản xuất hàng loạt J-20: Hé lộ biến thể mới - Ảnh 1.

Việc khắc phục triệt để các vấn đề liên quan đến hệ thống động cơ đã giúp Trung Quốc tự tin đưa vào sản xuất hàng loạt tiêm kích tàng hình J-20. Ảnh: Before Flight.

Còn tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn một nguồn tin quân sự có liên hệ với chương trình phát triển J-20 cho biết, biến thể J-20 vừa được Thành Đô đưa vào sản xuất hàng loạt vào là J-20B. Phiên bản này được đánh giá là mẫu tiêm kích tàng hình hoàn hảo, có khả năng cơ động cao và đáp ứng các yêu cầu mà Không quân Trung Quốc đưa ra.

Có thể nói việc Thành Đô cho ra mắt biến thể J-20B là bước ngoặt quan trọng giúp chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc thoát khỏi "vũng lầy" sau hơn 10 năm phát triển. Bằng chứng là việc Không quân Trung Quốc đặt mua số lượng lớn J-20B thay vì thận trọng biên chế số lượng nhỏ J-20A như hiện tại.

Tính tới cuối năm 2019, Thành Đô đã cho xuất xưởng khoảng 50 chiếc J-20A, phần lớn trong đó đều đã được bàn giao cho Không quân Trung Quốc. Theo SCMP, Bắc Kinh cần tới 100-200 tiêm kích tàng hình trong 5 năm tới và việc đưa J-20B vào sản xuất hàng loạt là động thái cho thấy họ đang thực hiện kế hoạch này.

Với năng lực của Thành Đô hiện tại mỗi tháng họ có thể cho xuất xưởng 4 chiếc J-20B.

Nguồn tin của SCMP cũng cho biết, điểm nhấn trên biến thể J-20B so với các phiên bản trước đó là việc nó được trang bị hệ thống điều khiển lực đẩy vector (TCV), một tính năng cao cấp và tiên tiến được sử dụng trên các mẫu chiến đấu cơ thế hệ mới cho phép chúng thay đổi hướng ống xả của động cơ. TCV về cơ bản giúp J-20 trên nên cơ động hơn.

Hiện tại chỉ có một số chiến đấu cơ trên thế giới được trang bị công nghệ TCV như tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ, dòng tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30, tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 của Nga và tiêm kích J-10C của Trung Quốc.

Việc trang bị công nghệ TCV cho J-20 còn liên quan đến chương trình phát triển hệ thống động cơ phản lực nội địa của Trung Quốc, khi các mẫu động cơ như WS-10 (Trung Quốc) và AF-31 (Nga) bị đánh giá là không phù hợp với một dòng tiêm kích tàng hình như J-20. 

Chính vì lý do này, Trung Quốc đã quyết tâm đẩy mạnh việc phát triển mẫu động cơ phản lực có điều khiển lực đẩy vector nội địa là WS-15. Nếu thành công, WS-15 sẽ là mẫu động cơ mới cho J-20 cũng như các mẫu tiêm kích tàng hình của Trung Quốc trong tương lai.

Nguồn tin của SCMP cũng nhấn mạnh rằng, Không quân Trung Quốc muốn biến thể J-20B được trang bị các động cơ phản lực nội địa trong từ một tới hai năm tới.

Màn trình diễn ấn tượng của tiên kích tàng hình J-20 tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2018.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM