PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm, Đơn vị Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết viêm da cơ địa là một bệnh dị ứng khiến da người bệnh đỏ và ngứa. Bệnh xảy ra ở hầu hết các đối tượng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi ngứa, bệnh nhân càng gãi thì càng làm bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí các vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng. Nguyên nhân là do cơ địa của họ nhạy cảm với điều kiện thời tiết lạnh, khô hanh và độ ẩm tương đối thấp.
Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính nên có thể tái phát bất kỳ khi nào có các yếu tố thuận lợi làm bệnh nhân khó chịu. Bệnh thường khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ tuổi, với những đợt tái phát và có thể kéo dài suốt đời.
"Chưa có nghiên cứu nào xác định chính xác nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể là các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ và khiến bệnh trở nên nặng hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể tiếp xúc nhiều dị nguyên, các yếu tố này khiến cho bệnh có thể khởi phát như: Vệ sinh kém, căng thẳng, stress, sức đề kháng yếu, cơ địa nhạy cảm…", PGS Lâm cho hay.
Yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng làm khởi phát bệnh, cụ thể:
- Ô nhiễm môi trường, môi trường công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, hóa chất hoặc bụi vải,...
- Yếu tố khí hậu: Bệnh viêm da cơ địa nặng hơn khi giao mùa, hoặc thời tiết lạnh khô làm tình trạng khô da nặng hơn.
Ngoài ra, di truyền cũng là một nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa. Các nghiên cứu cho thấy bệnh viêm da cơ địa chưa xác định được rõ ràng do gen nào đảm nhiệm. Nhưng khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này, nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con sinh ra có đến 80% cũng bị bệnh viêm da cơ địa. Vì vậy có thể nói, với những người có ông bà, cha mẹ mắc viêm da cơ địa thì thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh hơn nhiều lần, và cao hơn so với những người có cha mẹ bị hen phế quản hay viêm mũi dị ứng. Điều đó cho thấy yếu tố cơ địa dị ứng rất quan trọng trong viêm da cơ địa.
Dấu hiệu của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa thường thể hiện với các dấu hiệu sau:
- Ngứa ngáy: Đây là triệu chứng đầu tiên dễ nhận thấy gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh mắc viêm da cơ địa.
- Xuất hiện nổi ban đỏ và mụn nước trên da: Người bệnh viêm da cơ địa sẽ xuất hiện những vùng da dễ bị ảnh hưởng nhất là mặt sau đầu gối, mặt trước khuỷu tay, vùng cổ, ngực, da mặt... gây mất thẩm mỹ.
- Đóng vảy tiết: Người bệnh viêm da cơ địa gãi nhiều khiến vùng da bị tổn thương nứt rách tạo thành các vết vảy tiết có thể gây đau đớn, khó chịu.
Theo PGS Lâm, các biểu hiện khác của viêm da cơ địa có thể xảy ra như viêm da lòng bàn tay, bàn chân: gặp ở 20-80% người bệnh, là dấu hiệu đầu tiên của viêm da cơ địa ở người lớn; Viêm da quanh mi mắt, chàm ở vú; Viêm môi bong vảy.
Các yếu tố thường thấy khiến cho tình trạng viêm da cơ địa tái phát đó là:
- Dị ứng hóa chất: Những hóa chất trong sinh hoạt hoặc trong công nghiệp (chất bảo quản, chất tẩy rửa) khi tiếp xúc vào da khiến cơ thể dị ứng có thể dẫn đến bệnh viêm da cơ địa;
- Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường, khói bụi, nhiễm bẩn nguồn nước cũng là những nhân tố gây viêm da cơ địa dị ứng;
- Dị ứng thực phẩm: ăn một số loại thực phẩm dễ bị dị ứng như trứng, sữa, cá, đậu nành hay lúa mì...
Làm gì khi mắc viêm da cơ địa?
- Không gãi chỗ ngứa: Thay vì dùng móng tay gãi, bạn hãy dùng đầu ngón tay ấn vào chỗ ngứa để cảm thấy bớt khó chịu hơn. Bạn còn có thể cắt móng tay hay đeo bao tay vào ban đêm để tránh làm da bị tổn thương khi vô tình gãi.
- Cần bôi kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm có tác dụng chống khô da và tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.
- Cần mặc quần áo thoải mái: Người bệnh có thể giảm kích ứng cho da bằng cách tránh những bộ quần áo chật và cứng. Vì vậy hãy chọn những trang phục thấm mồ hôi và mềm mại.
- Cần giảm căng thẳng và lo lắng: Stress và những rối loạn khác về mặt tâm lý khác có thể khiến chứng viêm da cơ địa nặng thêm. Bạn cần tìm cách cải thiện sức khỏe tâm lý của mình để bớt tình trạng ngứa da.
- Có thể sử dụng các thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa như: bôi kem corticoid, kháng sinh. Cho kháng sinh uống để chống tụ cầu trùng vàng trong trường hợp bội nhiễm, thuốc kháng histamin chống ngứa. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chỉ định của các bác sĩ.
- Thuốc uống chữa viêm: Trong những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc có tác dụng chống viêm, giảm dị ứng và giảm các triệu chứng ngứa.
Ngoài ra, để giảm tình trạng đỏ và ngứa da, người bệnh hãy chọn thực phẩm kháng viêm để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Những thực phẩm kháng viêm có thể kể đến là: Cá, đồ lên men, trái cây và rau củ. Những chất này có thể giúp người bệnh kháng viêm rất tốt. Tránh các thực phẩm có thể gây ra bệnh bùng phát viêm da cơ địa như: Trứng, cà chua, đậu nành, một số loại hạt, trái cây họ cam quýt, các sản phẩm từ sữa, các thực phẩm có chứa gluten, các gia vị như vani, đinh hương và quế, trà đen, chocolate, thịt đóng hộp,...