Hạ huyết áp thế đứng là một căn bệnh nghe khá lạ với nhiều người, nhưng lại xảy ra thường xuyên, nhất là ở người lớn tuổi. Đây là tình trạng hạ huyết áp đột ngột khiến bạn cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng trong lúc đang đứng dậy, sau khi vừa ngồi hoặc nằm trong một khoảng thời gian dài.
Hạ huyết áp thể đứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chẳng hạn những người phải nằm lâu một chỗ do chấn thương, bệnh tật hoặc phẫu thuật. Một số bà bầu cũng gặp phải tình trạng này, nhưng người ở độ tuổi trung niên trở lên mới là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Hạ huyết áp thế đứng nguy hiểm như thế nào?
Căn bệnh này cũng là nguyên nhân dẫn tới các tai nạn té ngã và gãy xương ở người cao tuổi. Họ thường bị ngã và gãy xương chậu khi cố gắng ra khỏi giường vào buổi sáng hoặc vào buổi tối để đi vệ sinh. Dần dần, hạ huyết áp thế đứng dẫn tới suy giảm sức khỏe và mất khả năng tự chủ. Theo một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Neurology, căn bệnh này có thể làm tăng thêm 40% nguy cơ mắc bệnh mất trí khi về già.
Hạ huyết áp thể đứng còn là yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới đột quỵ và đau tim, thậm chí là gây ra tai nạn giao thông. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm một chứng rối loạn thần kinh hay bệnh tim mạch nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, dù hạ huyết áp thể đứng là một căn bệnh "có độ phổ biến cao", nhưng "thường không được phát hiện cho đến khi đã muộn".
Trong điều kiện bình thường, khi chúng ta đứng dậy, trọng lực sẽ tạm thời khiến cho máu dồn về nửa dưới của cơ thể. Sau đó, trong vòng 20-30 giây, các thụ thể ở tim và các động mạch cảnh ở cổ sẽ kích hoạt cơ chế bù trừ gọi là phản xạ baroreflex làm tăng nhịp tim và co thắt mạch máu, nhằm tăng huyết áp và cung cấp máu cho não.
Ở người bị hạ huyết áp thế đứng, cơ chế phản xạ này sẽ bị trì hoãn hoặc không đủ lực, dẫn đến các triệu chứng như choáng váng, chóng mặt, đánh trống ngực, mờ mắt, suy nhược, lú lẫn hoặc ngất xỉu. Huyết áp tâm thu sẽ giảm từ 20mm trở lên hoặc huyết áp tâm trương sẽ giảm 10mm trở lên chỉ trong vòng 3 phút sau khi đứng dậy.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đã được tiến hành trên 11.429 tình nguyện viên ở độ tuổi trung niên trong vòng 23 năm. Kết quả cho thấy, việc đo huyết áp trong vòng 1 phút sau khi đứng lên gây nguy hiểm hơn so với việc đo trong vòng 3 phút.
"Bạn có thể bỏ lỡ những vấn đề xuất hiện sau đó 3 phút", bác sĩ Stephen P. Juraschek - Giáo sư Y khoa tại Trường Y Harvard - cảnh báo. Theo ông, hạ huyết áp thế đứng thường được cho là vấn đề về thần kinh, nhưng nó cũng có liên quan nhiều đến các bệnh lý tim mạch cận lâm sàng.
Mặt khác, triệu chứng của hạ huyết áp thế đứng đôi khi xuất hiện chậm, khoảng hơn 3 phút sau khi đứng lên. Một nhóm các bác sĩ tại Bệnh viện Beth Israel Deaconess đã tiến hành nghiên cứu trong 10 năm và phát hiện rằng, sự chậm trễ này sẽ tăng dần theo thời gian và liên quan đến bệnh tiểu đường, rối loạn thần kinh, cũng như tăng nguy cơ tử vong.
Nguyên nhân nào dẫn tới hạ huyết áp thế đứng?
Một thành viên của nhóm nghiên cứu - bác sĩ Christopher H. Gibbons - cho biết, hạ huyết áp thế đứng có thể "là dấu hiệu ban đầu của bệnh Parkinson, mất trí nhớ và các rối loạn thần kinh tự chủ khác".
Hạ huyết áp thế đứng cũng có thể là do một số nguyên nhân ít phổ biến hơn như mất nước hoặc quá nóng. Hạ đường huyết, ăn quá no hay uống quá nhiều rượu cũng có thể dẫn tới tình trạng này. Tuy nhiên, hạ huyết áp thế đứng sẽ xảy ra thường xuyên hơn nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh tim mạch, rối loạn thần kinh hoặc nội tiết.
Một số loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp, trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn cương dương, Parkinson, tiểu tiện ít, co thắt cơ,... có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp thế đứng.
Theo bác sĩ Lewis A. Lipsitz - Giám đốc Viện nghiên cứu Lão hóa ở Boston (Mỹ), bệnh nhân cao huyết áp thường dễ bị hạ huyết áp thế đứng. Bởi lẽ, bệnh cao huyết áp làm suy giảm khả năng bơm máu của tim, làm dày thành mạch và gây suy giảm chức năng thận. "Tuổi càng cao, bệnh lại càng nguy hiểm", ông cho biết.
Muốn phòng tránh hạ huyết áp thế đứng, hãy khám sức khỏe và vận động thường xuyên
"Hầu hết các bác sĩ đều không khám sàng lọc hạ huyết áp thế đứng, trừ khi bệnh nhân cảm thấy chóng mặt hay choáng váng khi đứng lên", bác sĩ Jurachek nói.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ, bởi tổn thương thần kinh do đái tháo đường gây ra cũng là một yếu tố nguy cơ phổ biến. Theo một nghiên cứu quy mô lớn, có 5% số người ở độ tuổi trung niên bị hạ huyết áp thể đứng. Ngoài ra, căn bệnh này cũng ảnh hưởng tới 25-30% số bệnh nhân đái tháo đường.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Trường Đại học Tim mạch Hoa Kỳ đều khuyến cáo mọi người nên đi khám sàng lọc hạ huyết áp thế đứng cả trước và sau khi uống thuốc huyết áp. Các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc huyết áp liều mạnh là nhóm có nguy cơ đặc biệt cao.
Bác sĩ Lipsitz nói: "Các bệnh nhân uống thuốc làm giảm huyết áp nên đi kiểm tra thường xuyên để đề phòng hạ huyết áp thế đứng". Ông gợi ý bệnh nhân nên nằm xuống khoảng 3-5 phút, sau đó đo huyết áp liên tục (sau 20 giây, sau 30 giây, sau 1 phút và sau 3 phút đứng dậy). Khi một người đứng dậy, 1/8 lượng máu sẽ dồn xuống chân vào bụng, nhưng ở người già, sự gia tăng nhịp tim và sự co thắt của mạch máu diễn ra kém hiệu quả hơn.
Để điều trị hạ huyết áp thế đứng, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng tất ép hoặc nịt bụng y khoa để giảm thiểu lượng máu tụ khi đứng dậy. Nếu nguyên nhân là do thiếu nước, bạn có thể uống nhiều nước hơn để cải thiện tình hình. Trên thực tế, nhiều người già hạn chế uống nước để không phải đi vệ sinh quá nhiều lần.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tránh đứng im một chỗ quá lâu, tắm nước quá nóng, nạp quá nhiều tinh bột và đồ uống có cồn. Một trong những cách hiệu quả nhất để phòng tránh hạ huyết áp thế đứng là thường xuyên vận động. Cải thiện trương lực cơ ở nửa dưới của cơ thể có thể ngăn chặn máu dồn xuống khi đứng dậy, khiến não bộ thiếu máu và cảm thấy chóng mặt, thậm chí là ngất xỉu.
(Theo NYT)