Những người thực sự thỏa mãn với công việc của họ thường phải hội tụ đủ ba yếu tố sau đây: Thứ nhất là cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa, thứ hai là hòa nhập được với văn hóa công ty, cuối cùng là tôn trọng các sếp và lãnh đạo của mình.
Nếu thấy bản thân gật đầu đồng ý với hai trong ba điều trên, có thể chị em đang ở mức độ bất mãn nhẹ. Nhưng nếu chỉ thấy một điều đúng, hẳn là nội tâm bạn phải khổ sở lắm mỗi sáng thức dậy đi làm. Và nếu con số này là 0/3 thì rõ ràng bạn đang ngồi làm việc sai nơi rồi!
Dù đang ở mức độ nào thì chị em cũng nên cải thiện tình trạng đáng buồn này để vươn lên trong sự nghiệp.
1. Cảm thấy công việc có ý nghĩa
Nhiều nhân viên cảm thấy công việc của họ chán ngắt, việc gọi điện thoại hàng ngày hay gõ hàng chục văn bản tẻ nhạt chẳng có nghĩa lý gì cả. Tệ hơn, có người còn tỏ thái độ bướng bỉnh, không hợp tác. Có lẽ họ quên mất rằng công ty trả tiền cho họ để trở nên có ích, cống hiến chứ không phải là đang làm từ thiện cho những con người chỉ biết giận dỗi.
Thay vì trở nên thiếu chuyên nghiệp như vậy, chúng ta có thể cho mọi người thấy vai trò, trách nhiệm trong công việc của mình lớn thế nào. Hãy bắt đầu xin thử sức ở những công việc có chuyên môn cao hơn, chủ động đề xuất đổi mới, vận dụng sự sáng tạo… và kết quả tốt hơn sẽ khiến bạn tìm thấy ý nghĩa trong các nhiệm vụ hàng ngày của mình.
2. Hòa nhập tốt với văn hóa công ty
Chị em cảm thấy văn phòng thật bí bách vì ai ai cũng lạnh lùng, vô cảm? Trước tiên hãy tự hỏi bản thân xem mình muốn gặp gỡ đồng nghiệp sau giờ làm việc để tán gẫu, kết thân hay không thích phải cố tỏ ra thân thiết để hiểu họ hơn?
Sau khi đã có câu trả lời, chị em nên nhớ rằng: Làn sóng thay đổi văn hóa công sở sẽ bắt đầu khi chính mình trở thành một ngọn hải đăng lan tỏa sự tích cực và lạc quan. Thay vì đánh giá đồng nghiệp gay gắt, hãy xem xét những điều tốt đẹp ở họ, khen ngợi những điều bạn ngưỡng mộ và hỏi han về sở thích, kế hoạch cuối tuần của họ nhé.
3. Tôn trọng các vị lãnh đạo
Một người sếp tồi có thể là cái gai lớn khó nhổ bỏ trong sự hài lòng về công việc của chị em. Đôi khi ta có thể nảy ra vài suy nghĩ không dám nói thành lời như: “Mình giỏi hơn tên ngốc đó tỉ lần!” hay “Mình thừa sức cân vị trí của hắn!”
Rõ ràng nhiệm vụ của bạn trong công ty không phải là đánh giá sếp, mà là luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến để thành quả do bản thân gặt hái được cả sếp và “sếp của sếp” công nhận, tán thưởng. Khi làm tốt việc của mình, chị em sẽ trở thành một nhân viên mẫn cán trong mắt sếp mà thôi!
Hơn nữa, kị nhất là bức bối quá mà kể xấu sếp với đồng nghiệp, một ngày đẹp trời mà đến tai sếp thì chị em biết hậu quả khôn lường như nào rồi đấy!
Nếu đã thử tất cả các cách trên mà chị em vẫn không thấy yêu thích công việc của mình hơn tí nào, thì tốt nhất nên nhảy việc để tìm nơi thích hợp nhất với bản thân cho khỏe, chị em nhé!
(Tổng hợp)