Bạn đã từng bao giờ nghĩ đến việc lập kế hoạch tài chính cho chính bản thân mình chưa? Hàng tháng khi nhận lương, bạn đã có thói quen phân bổ thành các hạng mục một cách khoa học và thiết lập kỉ luật bản thân về việc tiết kiệm chưa? Và ngay cả khi tiết kiệm được tiền, bạn cũng đang phân vân không biết nên đầu tư vào đâu, làm thế nào để “tiền đẻ ra tiền”.
Việc lập kế hoạch tài chính cá nhân nên được thực hành ở mọi lứa tuổi và bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Khi quản lý được chi tiêu và phân bổ số tiền của mình, bạn sẽ không phải đau đầu về việc hết tiền trước khi lương về hay số tiền mình tiết kiệm được sử dụng một cách hiệu quả.
Theo tác giả Lâm Minh Chánh trong cuốn sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam”, ông chia kế hoạch này thành 3 giai đoạn.
1. Kiếm tiền và những điều có thể bạn chưa biết
Chúng ta có thể kiếm được tiền bằng nhiều cách khác nhau. Một cách tổng quát trên thị trường, chúng ta được chia làm 4 nhóm chính theo tính chất công việc, bao gồm: nhóm 1 gồm những người đi làm thuê, nhóm 2 gồm những người làm việc tự do - tự làm chủ, nhóm 3 là doanh nhân - chủ doanh nghiệp, nhóm 4 là nhóm những nhà đầu tư.
Về cơ bản, tất cả mọi người đều sử dụng công thức: Thời gian x Công sức x Kĩ năng/kiến thức của mình để làm ra tiền. Bất kì nhóm nào cũng có giá trị với xã hội và bất kỳ người ở nhóm nào cũng có thể đạt được mức sống mà mình mong muốn nếu biết cách: “Kiếm tiền, tiết kiệm tiền và đầu tư tiền”.
Người làm thuê cũng có thể giàu nếu như họ hưởng mức lương khá tốt so với chi phí, và có những ưu đãi như: tiền thưởng khi hoàn thành công việc, thưởng trên hoa hồng khi bán hàng, hoặc được chia cổ phiếu của công ty…Kết hợp với việc quản lý tài chính cá nhân, nhóm làm thuê vẫn có thể đạt được mức chi tiêu tài chính chấp nhận được và tích lũy một phần tài sản cho các kế hoạch tương lai.
2. Tiết kiệm tiền - bài học cơ bản nhưng không phải ai cũng thực hiện được
Bài học đầu tiên ngay khi kiếm được tiền là bạn phải biết cách tiết kiệm tiền trước khi chi tiêu. Chúng ta phải biết đặt thứ tự ưu tiên và quản lý chi tiêu chặt chẽ để có thể tiết kiệm và tích lũy một cách cao nhất. Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ cần cắt giảm chi tiêu không cần thiết đã là tiết kiệm tiền, nhưng thật ra điều đó chưa đúng và đủ.
Cách tốt nhất là bạn hãy lập một kế hoạch để phân bổ chi tiêu. Hãy bỏ ra 3 tháng để ghi nhận tất cả các chi tiêu trong 3 tháng này, từ đó lập ra một kế hoạch phân bổ tài chính: những nhu cầu thiết yếu như nhà, ăn uống, hóa đơn điện nước, điện thoại, tiền đi lại (chiếm khoảng 20% - 35% thu nhập); những tiện nghi quan trọng như quần áo, ăn ngoài, lễ nghĩa (10-25% thu nhập); tiết kiệm cho quỹ tài chính cá nhân (5% - 20% thu nhập); giáo dục - phát triển cá nhân (5% - 15% thu nhập)...
Sẽ có nhiều người nói rằng chi tiêu của tôi đã sát lắm rồi, tháng nào là hết tháng đấy, làm sao để có thể ra tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, chừng nào bạn chỉ đang sống đúng với chế độ tối thiểu: chỉ kiếm đủ tiền ăn ở với mức thấp nhất thì chúng ta mới không thể tiết kiệm được. Còn khi nào chúng ta vẫn còn sử dụng tiền cho những giải trí, ăn ngoài, uống cà phê… thì chắc chắn vẫn còn có thể tiết kiệm.
Một ví dụ đơn giản khác: nếu thu nhập hàng tháng của bạn là 20 triệu đồng thì hàng ngày bạn hãy bớt tiêu xài 33,000 đồng - tức bớt 1 ly cà phê mỗi ngày, thì cuối tháng bạn sẽ tiết kiệm được 1 triệu đồng, tức đã là 5% thu nhập của bạn rồi. 5% mỗi tháng, nghe thì dễ mà thực hiện lại khó.
Kỷ luật của bản thân sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tiết kiệm và quản lý chi tiêu. Mỗi khi làm không đúng kế hoạch chi tiêu, chúng ta hãy tự nhắc nhở mình về kế hoạch chi tiêu hoặc mục tiêu tài chính bạn đã đề ra là gì (như tiết kiệm để mua nhà, đầu tư…), khi đó thì bạn mới có thêm nhiều động lực để làm đúng kế hoạch.
3. Đầu tư tiền một cách hiệu quả và thông minh
Ngay hôm nay, các bạn hãy lên kế hoạch tiết kiệm 10% thu nhập của mình hoặc kiếm thêm 10% này bằng cách làm thêm giờ, thêm một công việc ngoài giờ nào khác. Sau đó, bạn hãy mang số tiền tiết kiệm này đi đầu tư đều đặn, điều kì diệu sẽ đến. Đây được gọi là bí quyết số 1 của việc quản lý tài chính cá nhân.
Ví dụ khi bạn tiết kiệm 1 triệu đồng mỗi tháng, sau 30 năm (tức 360) tháng, bạn nghĩ là bạn sẽ để dành được 360 triệu phải không? Thực tế là nếu bạn chỉ gửi tiền vào ngân hàng hay đầu tư thụ động với lãi suất 8% một năm thì sau 30 năm bạn sẽ có 1,5 tỷ đồng mới chính xác. Đối với mỗi trường hợp đầu tư khác nhau sẽ có một mức lãi suất hàng năm khác nhau.
“Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của loài người. Những ai hiểu được nó sẽ nhận được giá trị to lớn từ nó. Những ai không hiểu nó sẽ trả giá vì nó” - Câu nói nổi tiếng của nhà bác học Albert Einstien khi nói về lãi suất kép. Hay hiểu nôm na là bạn tiết kiệm -> đầu tư -> sau đó tiếp tục sử dụng số tiền gốc lẫn lãi để tái đầu tư -> tiền sẽ đẻ ra tiền một cách nhanh chóng.
Việc đầu tư cũng sẽ phụ thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm của từng người. Theo tác giả Lâm Minh Chánh, ông luôn tôn chỉ câu nói: “Không có bữa trưa nào là miễn phí” - tức ám chỉ việc kiếm tiền một cách dễ dàng thường đi kèm với những rủi ro thường trực rất lớn. Qua đó theo ông, nhóm 1-2-3 (như đã đề cập ở phần 1) sẽ thuộc dạng nhóm đầu tư nghiệp dư, chỉ nên tập trung vào đầu tư dài hạn ví dụ vào các cổ phiếu giá trị và không nên sa đà vào chuyện trading (kinh doanh, đầu cơ ngắn hạn). Ông cho rằng những “món đó” nhà đầu tư chuyên nghiệp còn “4 ăn 6 thua” thì nói gì đến những nhà đầu tư nghiệp dư.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc vàng khi đầu tư như: nắm rõ cơ sở/tính pháp lý của sản phẩm, nhà nước và pháp luật có bảo vệ được chúng ta không? Độ tin cậy của người bán, người giữ phần “cán” tài sản mà ta đang đầu tư; hiểu rõ nguyên tắc vận hành, tạo ra lợi nhuận của tài sản/sản phẩm; các nguy cơ rủi ro khi đầu tư và cách quản lý rủi ro. Và hãy mạnh dạn nói không với tất cả các sản phẩm cam kết lợi nhuận cao (ví dụ lãi suất trên 20% một năm thường đã đi kèm tính rủi ro cao).
Lời kết
Trong cuộc sống, có thể bạn không phải là dân tài chính nhưng những kiến thức cơ bản của việc quản lý tài chính là điều bắt buộc bạn phải nắm rõ. Hiểu được nguyên tắc kiếm tiền - tiết kiệm - đầu tư và rèn giũa cho mình một kỷ luật vững vàng sẽ giúp bạn làm chủ tài chính của mình tốt hơn ngay từ bây giờ. Bất cứ ngành nghề nào, đầu tư luôn đi kèm với rủi ro - chỉ là mức độ rủi ro sẽ cao thấp khác nhau. Do đó, hãy tìm hiểu để bảo vệ tiền của chính mình.
*Tham khảo kiến thức từ cuốn “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam” của tác giả Lâm Minh Chánh.