Trong thời buổi nhiều đơn vị làm việc từ xa, các ông chủ/các nhà quản lý doanh nghiệp đang lo lắng điều gì?
Mối quan tâm của phần lớn doanh nghiệp là câu chuyện hiệu suất công việc. Nhưng điều ông Nguyễn Việt Anh – CCO Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa - Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Business Solutions) - quan ngại là việc mọi người xa rời dần tổ chức trong một thời gian dài, sẽ dẫn đến thiếu sự gắn kết giữa cá nhân và tổ chức, tăng nguy cơ rời bỏ công ty.
"Điều chúng tôi đặt ra khi mọi người làm việc từ xa hay trong thời Covid-19 chính là tinh thần – tinh thần của nhân viên sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng", ông Việt Anh chia sẻ tại sự kiện Innovation Summit diễn ra mới đây.
Ông lấy dẫn chứng từ câu chuyện của Amazon: Tăng thêm lao động, tăng lương, trong bối cảnh đơn hàng của Amazon chưa tăng.
Việc tuyển thêm 175.000 người trong bối cảnh giới doanh nghiệp sa thải hàng triệu người lao động trong Covid-19 đã tạo hiệu ứng truyền thông tích cực trong xã hội Mỹ.
Kết quả: Giá trị cổ phiếu đạt mức cao nhất trong lịch sử vào ngày 16/4, đạt 2.398 USD/cổ phiếu, tăng gần 30% so với thị giá hồi đầu năm.
Ông Nguyễn Việt Anh – CCO Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa - Viettel Business Solutions.
"Tại Viettel, trong đơn vị của tôi cũng như vậy, mặc dù khó khăn liên quan đến bối cảnh chung của kinh tế, nhưng chúng tôi xác định đây là thời điểm, là cơ hội giữ chân lao động, tăng thêm nhân sự, và có thể tăng lương".
"Chi phí tiền lương ở đơn vị của tôi chiếm khoảng 6% tổng chi phí của đơn vị. Vì vậy nếu tăng thêm 10% lao động, tương ứng chi phí lương tăng 10%, cơ cấu lương trong tổng chi phí sẽ tăng lên đâu đó chừng 6,5% - 6,6%. Tuy nhiên chúng tôi đã làm được việc - giữ được chân nhân viên và đem lại sự khích lệ vô cùng tốt để họ yên tâm công tác, để họ thực sự cống hiến, phát huy trí tuệ", CCO khối SME của Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel chia sẻ.
Về tình hình kinh doanh trong Covid-19, ông Việt Anh cho biết trước đây Viettel Business Solutions 90% bán offline, "face to face" do đặc thù sản phẩm – dịch vụ. Đại dịch lần này ban lãnh đạo tổng công ty nhìn nhận là cơ hội dịch chuyển vô cùng lớn để tăng cường đào tạo cho nhân viên, giúp cho nhân viên có cơ hội bán hàng tốt hơn.
"Trong tháng 3 và tháng 4, chúng tôi tăng trưởng 20% doanh thu online, chiếm tỷ trọng 10% cơ cấu doanh thu", ông Việt Anh nói và cho biết đây là bước chuyển dịch rất lớn mà trước đây có một vài sự thay đổi nhưng không đạt được kết quả khả quan như vậy.
Ông Việt Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khích lệ tinh thần trong nhân viên. "Ảnh hưởng đến doanh thu có thể chưa chết ngay nhưng câu chuyện về sức khỏe của bộ máy, tinh thần của nhân viên là cực kỳ quan trọng", đại Viettel Business Solutions chia sẻ.
"Chúng tôi luôn nói với nhau rằng cả một xã hội lo lắng về nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp luôn đứng bên cạnh người lao động với các hình thức tăng lương, tăng tuyển dụng lao động, luôn đứng cạnh người lao động bằng cách đào tạo. Đây chính là cơ hội để chúng ta tăng cường nhiều hơn công tác đào tạo, chuyển dịch kênh bán hàng từ offline sang online. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi hoàn thiện, tăng cường các công cụ để đẩy mạnh nhanh quá trình chuyển đổi số".
Ông Việt Anh cho biết, tổng công ty cũng truyền thông cho anh em đại dịch là câu chuyện tạm thời lắng xuống, cần nhìn lại chính mình, tái cấu trúc mạnh mẽ trong đơn vị, dồn nhân sự cho những bộ phận sản xuất, nghiên cứu, cũng như các bộ phận có sản phẩm mới, với mục tiêu sau dịch sẽ có nhân sự, sản phẩm sẵn sàng cung cấp và đẩy nhanh quá trình "hồi sinh" doanh nghiệp.
"Tôi nghĩ câu chuyện về nhân sự với bối cảnh đặt ra cho các doanh nghiệp hiện tại là câu chuyện đau đầu. Tuy nhiên, trong khủng hoảng luôn luôn có cơ hội. Cả xã hội nói đến câu chuyện khủng hoảng. Nếu chúng ta tiếp cận câu chuyện ở góc độ khủng hoảng thì tinh thần sẽ rất tiêu cực, có khi doanh nghiệp đi xuống trước khi mất khách hàng, không có doanh thu, không lợi nhuận. Do đó, chúng tôi đặt cao câu chuyện về mặt tinh thần", ông Việt Anh nói.