Kể từ khi trở thành một trào lưu, mukbang không chỉ dừng lại ở một trend làm clip nữa, nó thậm chí đã trở thành một "nghề" mà nhiều người theo đuổi bởi mức thu nhập vào hàng "khủng". Đa số mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh các YouTubers mukbang được săn đón bởi các thương hiệu đồ ăn lớn, đi đến các nhà hàng thì luôn nhận được sự ưu ái bởi họ chính là một trong những kênh quảng cáo rất hiệu quả cho các hàng ăn uống, nhãn hàng thực phẩm... Ấy thế nhưng, mọi chuyện đều có 2 mặt của nó. Có lẽ nhiều người cũng sẽ bất ngờ khi chính các YouTubers ấy lại bị nhiều nhà hàng tẩy chay.
Tại Hàn Quốc từng có một làn sóng mang tên "No Tuber Zone" - nơi các YouTubers không được chào đón. Rất nhiều nhà hàng không chỉ đưa ra quy định cấm các YouTubers mà còn dán cả thông báo yêu cầu không được ghi hình hay phát sóng trực tiếp bên trong nhà hàng. Điều gì đã tạo nên làn sóng tẩy chay dữ dội đến vậy?
Gây ảnh hưởng đến các vị khách khác
Chẳng ai muốn bị ghi hình lại và phát tán trên mạng xã hội mà chưa được xin phép, nhất là khi đó lại là khoảnh khắc riêng tư lúc đang ăn uống. Việc những YouTubers ghi hình tại quán ăn đã khiến cho rất nhiều vị khách cảm thấy bất tiện, thậm chí là khó chịu. Và tất nhiên, các chủ hàng quán cũng không hề thích điều này. Đây là một trong những lý do khiến họ đưa ra quyết định hạn chế và thậm chí là "cấm cửa" luôn các YouTubers.
Cấm quay trực tiếp trong nhà hàng. Điều này làm ảnh hưởng đến các vị khách khác (Ảnh: News.SBS).
Chiếm không gian trong nhà hàng, ngồi ăn uống và ghi hình rất lâu
Về lý mà nói, việc khách hàng đến ăn uống luôn cần tạo sự thoải mái cả về không gian lẫn thời gian. Ấy thế nhưng, các chủ hàng sẽ chẳng vui vẻ gì khi có ai đó đến ăn uống với thời gian gấp 3 - 4 lần người khác, thậm chí là hơn thế. Các YouTubers khi đi quay thường không đi một mình mà còn mang theo rất nhiều máy móc lỉnh kỉnh hoặc cả ekip đến. Điều này không chỉ chiếm rất nhiều không gian mà đôi khi còn làm ảnh hưởng đến đồ đạc trong quán. Dù ít dù nhiều, điều này cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhà hàng.
Vợ chồng chủ một cửa hàng mì lạnh tại Hàn Quốc cầm tấm biển thông báo cấm YouTubers quay video ở cửa hàng của mình và sẵn sàng nhờ đến sự can thiệp của pháp luật khi cần thiết (Ảnh: 인사이트).
Trường hợp YouTubers được trả tiền để cạnh tranh không lành mạnh
Dù điều này không quá phổ biến nhưng nó cũng từng diễn ra khiến nhiều chủ hàng quán cảm thấy lo lắng và khó chịu. Cụ thể, do ảnh hưởng của các YouTubers là rất lớn nên việc họ khen hay chê đều có những tác động không nhỏ đến việc kinh doanh của hàng quán. Cũng từ đây, một số cửa hàng đã dùng những chiêu thức không lành mạnh để cạnh tranh với đối thủ mà các YouTubers chính là những người được trả tiền để làm việc đó. Để phòng tránh điều này, nhiều nhà hàng đã "cấm tiệt" luôn các YouTubers đến quay clip.
Rất nhiều hàng quán ở Hàn Quốc đã đặt biển cấm, tẩy chay các YouTuber (Ảnh: Civicnews).
Rõ ràng, công việc nào cũng sẽ có 2 mặt của nó. Việc áp dụng không đúng cách sẽ gây nên những hệ quả không mong muốn.
Nguồn: Ohfun, Asiae, Civicnews...