Con người thường tự phụ mình là loài động vật có vú duy nhất trên Trái Đất biết trồng trọt. Từ 10.000 năm trước, chỉ với sự ra đời của một nền nông nghiệp sơ khai, tổ tiên của chúng ta đã giải quyết được nạn đói.
Nguồn thực phẩm dồi dào kể từ đó cho phép loài người gia tăng dân số, củng cố dinh dưỡng để phát triển cả chiều cao và cân nặng của mình. Không thể phủ nhận, trồng trọt và nông nghiệp đã góp phần rất lớn vào sự phát triển và thịnh vượng của nền văn minh nhân loại.
Đó là lý do tại sao trong các tựa game mô phỏng sự phát triển của các nền văn minh, ví dụ như Đế chế, hoạt động vẽ ruộng và trồng trọt ở đời hai thay cho săn bắn hái lượm luôn được quan tâm chú trọng.
Nhưng bây giờ, có một loài động vật có vú đầu tiên không phải con người dường như cũng biết làm điều đó. Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học cho rằng loài Gopher, hay chuột túi Mỹ cũng đã biết canh tác nông nghiệp.
Những con chuột túi Mỹ này thích ăn rễ cây thông lá dài. Do đó, chúng thường đào hang phía bên dưới những cánh đồng hoặc khu rừng có loài cây này. Nhưng chuột Gopher không chỉ thu hoạch những đoạn rễ thông lá dài mọc vào hang, mà chúng còn biết trồng thêm những rễ cây mới để ăn.
Những con chuột tạo ra những khu vực canh tác riêng trong hệ thống hang của mình, thường dài cả trăm mét với những đường hầm quanh co. Chúng cũng tích trữ nước tiểu và phân, để bón cho những rễ cây nhằm gia tăng năng suất.
Trong khi có một số cuộc tranh luận khoa học xung quanh định nghĩa của trồng trọt, để xem liệu hành vi của chuột túi Mỹ có đủ cấu thành hoạt động trồng trọt hay chưa, các tác giả nghiên cứu mới chỉ ra một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy những con chuột này đã quản lý được một nền nông nghiệp, ít nhất như cách con người quản lý rừng.
Nhà sinh vật học Francis Putz, đến từ Đại học Florida, cho biết: "Loài chuột túi ở vùng Đông Nam này là những động vật có vú đầu tiên không phải con người biết làm nông nghiệp. Trước đó, hoạt động nông nghiệp chỉ được biết đến ở các loài kiến, bọ cánh cứng và mối, chứ không phải các loài động vật có vú khác (ngoại trừ con người)".
Có thể bạn chưa biết, nhiều loài động vật cũng biết làm nông
Đó là trường hợp của một số loài côn trùng, chẳng hạn như kiến. Những con kiến cắt lá (Atta, Acromyrmex) ở Trung và Nam Mỹ được biết đến với khả năng chăn nuôi nấm. Nhiều người nhầm tưởng rằng những con kiến này cắt lá về tổ để ăn. Nhưng không, đó chỉ là nguồn thức ăn chăn nuôi của chúng.
Trong những khu rừng ở Mexico, bạn có thể dễ dàng gặp những con kiến này đang tha về tổ những chiếc lá cây, cỏ và đôi khi cả hoa tươi có kích thước lớn gấp 20 lần cơ thể chúng. Mục đích là để cho loài nấm mà chúng đang nuôi ăn.
Đợi sau khi nấm lớn lên, kiến mới ăn nấm. Đó là bởi nấm có dinh dưỡng cao hơn các loài lá. Mặc dù đây là một chiến lược thông minh, thỉnh thoảng, những con kiến này vẫn bị mất mùa. Nếu công việc trồng nấm của chúng gặp khó khăn, kiến cắt lá có thể đối mặt với nạn đói trong tổ.
Một loài kiến khác có tên là kiến đen vườn (Lasius niger) thì có một chiến lược làm nông nghiệp theo hình thức chăn nuôi. Loài kiến này nuôi những con rệp bên trong hệ thống chuồng trại mà chúng thiết kế, giống như cách con người nuôi bò sữa. Mục đích là để "vắt" lấy mật rệp, một nguồn thức ăn giàu đường và dinh dưỡng dành cho chúng.
Kiến đen vườn chăn thả rệp theo đúng nghĩa. Chúng thường thiết kế một khu vực cành cây giàu dinh dưỡng nhất cho rệp sinh sống, đồng thời canh gác để bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi.
Vào buổi tối mùa đông, kiến còn bê rệp vào tổ của chúng cất cho ấm, rồi ban ngày lại lùa chúng ra ngoài. Để những con rệp trong đồng cỏ lớn lên mà không bay đi, một số con kiến còn cắt cụt cánh của chúng.
Kiến đen vườn cũng giữ trứng rệp, để khi nào chúng đến một vùng đất mới, những quả trứng này có thể nở ra thành một đàn rệp mới, để chăn nuôi ở đó. Nhưng phần thú vị nhất là kiến biết huấn luyện rệp để vắt sữa của chúng.
Những con rệp được huấn luyện tốt sẽ tích đầy mật cho đến khi được kiến dùng râu vuốt ve, lúc đó chúng mới tiết sữa. Có lẽ với những kỹ năng điêu luyện này, kiến hẳn phải là nền văn minh đầu tiên trên Trái Đất biết làm nông chứ không phải con người.
Trở lại với những nền nông nghiệp dựa trên trồng trọt, chúng ta còn có loài mối cũng biết trồng nấm. Tổ mối thường được thiết kế với những gò đất có cấu trúc phức tạp, trong đó có một số khoang được kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm phù hợp cho nấm phát triển. Giống như kiến cắt lá, mối trồng nấm trong những ngăn tổ này để lấy thức ăn. Chúng kiếm lá cây và gỗ về nhá cho nấm ăn để phát triển.
Bọ cánh cứng Ambrosia cũng trồng nấm theo cách tương tự. Chúng quản lý mùa màng của mình bên trong những vỏ cây mục nát. Cũng có nhiều người nhầm tưởng rằng loài mối này đục thân cây và ăn gỗ. Nhưng không, những mùn cưa mà chúng bào ra khỏi thân gỗ chỉ là để nuôi nấm. Cả con trưởng thành và con non của bọ cánh cứng Ambrosia đều ăn nấm.
Một loài nuôi nấm khác là ốc Marsh Periwinkles (Littoraria irrorata). Chúng cũng được biết đến với khả năng nuôi nấm ký sinh trên lá cỏ. Những con ốc sên dùng chiếc lưỡi thô ráp của chúng để khoét những rãnh sâu trong lá, giống như một lưỡi cày. Sau đó, nấm có thể phát triển bên trong những rãnh đó. Hàng ngày, những con ốc này đi vệ sinh vào rãnh để bón phân cho mùa màng của mình.
Ở dưới nước, bạn có thể mong đợi một nền nông nghiệp đến từ cá. Những con cá đầm (dame fish) được cho là biết trồng tảo. Chúng chăm sóc những cánh đồng tảo của mình và bảo vệ lãnh thổ đó rất kín kẽ. Những con cá này thường tấn công bất kỳ sinh vật nào bơi đến gần mùa màng của chúng.
Cuối cùng là một loài cua được gọi là Yeti. Những con cua này nuôi vi khuẩn trên chính những cái càng đầy lông của chúng. Cua cho vi khuẩn ăn khí mê tan từ những lỗ thông hơi dưới đáy biển. Ngược lại, vi khuẩn chuyển hóa chất vô cơ thành oxy và sulfide mà cua cần để phát triển.
Khi những con cua sẵn sàng thu hoạch mùa màng, chúng sẽ dùng những chiếc răng giống như máy gặt, gặt trên những chiếc lông càng của chúng để có được bữa ăn của mình.
Nhưng bây giờ, các nhà khoa học mới tìm thấy loài động vật có vú đầu tiên biết trồng trọt
Vậy có thể thấy trong khi nông nghiệp không phải một khía cạnh khó tiếp cận đối với nhiều loài côn trùng và động vật thân mềm, động vật giáp xác, nó lại là một khái niệm khá mới đối với động vật có vú, không phải con người.
Ngay cả các loài linh tưởng lớn sở hữu trí thông minh và có họ hàng gần với chúng ta cũng vẫn chỉ dừng lại ở một xã hội hái lượm. Thế nhưng, bây giờ có một loài chuột túi lại có thể biết trồng trọt.
Đó là những con Gopher (Geomys pinetis), một loài chuột có túi nhỏ sống ở vùng Bắc và Trung Mỹ. Chúng nặng chỉ khoảng 200 gam, dài từ 15-20 cm và có lông màu nâu xám. Thứ công cụ lợi hại nhất của chuột túi Mỹ phải kể đến là những chiếc răng và móng vuốt lớn của chúng, thứ giúp chúng đào hang bên dưới những cánh đồng để ăn rễ cây.
Chuột Gopher dành gần như cả cuộc đời mình bên dưới mặt đất, để đào những hầm ngầm lớn và dài tương đương cả sân bóng đá. Thỉnh thoảng những con chuột túi Mỹ này mới ngoi lên mặt đất, trong mùa tìm bạn tình giao phối.
Để tìm hiểu tập tính của loài chuột này, nhà sinh vật học Francis Putz tại Đại học Florida đã đến quỹ đất Flamingo Hammock, một khu đất nông thôn được điều hành chung mà Putz là chủ sở hữu một phần để nghiên cứu.
Anh cùng với các sinh viên đại học của mình đã sử dụng camera nội soi (loại hay dùng để thăm dò ống nước và động cơ ô tô) để nhìn vào bên trong hang của chuột túi. Quan sát xã hội của loài sinh vật này, Putz nhận thấy những con chuột không chỉ biết ăn rễ cây, chúng còn biết trồng trọt.
Cụ thể, những con chuột Gopher thường thu hoạch những rễ cây thông lá dài hoặc tầm ma mọc vào trong đường hầm của chúng. Sau khi thu hoạch xong, chúng sẽ đi tiểu tiện và đại tiện khắp các đường hầm như một hình thức bón phân cho rễ cây mọc dài ra.
Các chất thải này sẽ tạo ra một môi trường dày đặc không khí ẩm ướt và giàu chất dinh dưỡng giúp kích thích rễ cây tiếp tục phát triển. Thông qua việc bón phân, những con chuột túi Mỹ có thể trồng được đủ rễ cây để cung cấp từ 20-60% nhu cầu calo hàng ngày của chúng, và chỉ cần phải kiếm các rễ cây mới trong phần còn lại.
Mặc dù đây không phải là hình thức canh tác phức tạp, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hành vi của chuột Gopher đủ giống với cách con người quản lý diện tích rừng tự nhiên, bao gồm việc thu hoạch cây trồng có kiềm chế, tiết kiệm và chăm sóc một phần của nó để cây tăng trưởng trở lại trong lai.
Một con chuột Gopher đang kéo rễ cây xuống để thu hoạch
Putz lưu ý rằng trong hầu hết các trường hợp, những con chuột túi Mỹ không kéo toàn bộ cây vào đường hầm và ăn hết. Chúng luôn để lại một số cây nhằm nuôi rễ của chúng mọc dài ra.
Hoạt động này đòi hòi chi phí cả về mặt thời gian lẫn năng lượng. Những con chuột này cũng biết bảo vệ mùa màng của chúng.
"Chúng đang cố gắng tạo ra môi trường hoàn hảo để cho rễ cây phát triển và bón phân cho mùa vụ", nhà động vật học Veronica Selden tại Đại học Florida cho biết. "Tất cả những điều kiện này là đủ tiêu chuẩn cho một hệ thống sản xuất lương thực cấp thấp".
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Current Biology.
Tham khảo Science, Sciencealert, Treehugger, Atlantic