Các hãng hàng không trên thế giới đang đo đếm thiệt hại do virus corona gây ra khi hàng nghìn chuyến bay đến Trung Quốc bị hủy, đẩy nhiều hãng hàng không ở châu Á đến bờ vực phá sản nếu các nước đóng cửa đường bay này lâu dài.
Đường bay với Trung Quốc gián đoạn, các hãng bay Âu, Á, Mỹ ảnh hưởng nặng
Một số hãng đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp với hy vọng bù đắp thiệt hại do sự sụt giảm di chuyển toàn cầu. Tại Hong Kong, hãng hàng không Cathay Pacific vốn đã chịu ảnh hưởng của những cuộc biểu tình trước đó, nay phải yêu cầu nhân viên nghỉ không lương 3 tuần.
Trong khi đó, Hong Kong Airlines cho hơn 400 nhân viên thôi việc. Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ không lương.
Số vé bán ra trên các chuyến bay quốc tế từ Trung Quốc đến các nước trong tuần thứ 2 của tháng 2/2020 (màu vàng) so với cùng thời điểm năm 2019 (màu xanh). Nguồn: OAG, Đồ họa: WSJ
Ngay cả những hãng hàng không không bay qua Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Hãng Qantas của Australia cho biết hôm 20/2 hãng này đã giảm các chuyến đến Hong Kong và Singapore sau khi phải dừng các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục, chiếm 16% số chuyến bay, ít nhất đến hết tháng 5. Hãng dự kiến sẽ bị thiệt hại 99 triệu USD doanh thu trong năm nay.
Tại Thái Lan, Thai Airways cũng cắt các đường bay nối Bangkok với Seoul và Singapore khi các khách hàng trong khu vực không đặt vé đi du lịch.
Trung Quốc trở thành thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới sau nhiều năm Mỹ nắm giữ vị trí là nguồn tăng trưởng hàng đầu của các hãng hàng không lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đã mở hàng loạt đường bay thẳng đến các thành phố của nước này trong những năm gần đây, nhiều đường bay có tần suất hàng chục chuyến một tuần. Ví dụ, các hãng hàng không của American Airlines Group có 28 chuyến bay mỗi tuần giữa các điểm đến của Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này khiến họ bị ảnh hưởng nặng nề khi đường bay đến Trung Quốc bị gián đoạn. Khi dịch Covid-19 ngày càng khó lường, nhiều hãng hàng không nước ngoài, bao gồm nhiều hãng của Mỹ, phải đình chỉ toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc từ tháng trước.
Tại châu Âu, Air France-KLM, hãng bay của Pháp và Hà Lan, cảnh báo sẽ tổn thất 215 triệu USD từ tháng 2 đến tháng 4 vì nhu cầu đi lại sụt giảm. Hãng đã cắt đường bay đến Thượng Hải và Bắc Kinh đến giữa tháng 3.
Hàng không nội địa Trung Quốc sụt giảm 91%
Các hãng hàng không của Trung Quốc cũng đã trở thành những hãng hàng không lớn nhất thế giới, ghi dấu ấn ở mọi điểm đến trên toàn cầu. Tất cả đều phải cắt giảm số lượng chuyến bay vì dịch trong hơn một tháng qua khi virus đã làm hơn 70.000 người nhiễm bệnh và hơn 2.000 người tử vong chỉ tính riêng ở Trung Quốc.
Khi hàng triệu người Trung Quốc bị phong tỏa hoặc yêu cầu hạn chế đi lại, nhiều người khác cũng không mặn mà gì với việc di chuyển. Các chuyến bay nội địa cũng sụt giảm làm các hãng bay phải hủy hơn 25.000 chuyến mỗi tuần, theo công ty dữ liệu hàng không OAG.
Số vé bán ra trong các chặng bay nội địa ở Trung Quốc tuần thứ hai của tháng 2/2020 so với cùng thời điểm năm 2019. Đồ họa: WSJ
Số vé bán ra trong các chuyến bay nội địa của Trung Quốc sụt giảm 63% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 5,4 triệu vé trong tuần thứ hai của tháng 2, OAG cho hay. Và với nhiều ghế trống trên mỗi chuyến bay, lượng hành khách giảm 91%, theo số liệu của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.
Ước tính tổn thất gần 30 tỷ USD - "Ảnh hưởng chưa từng có"
"Chưa từng có sự kiện nào từng ảnh hưởng đến ngành hàng không lớn như vậy", chuyên gia cao cấp của OAG John Grant bình luận hôm 17/2.
Dịch SARS năm 2002-2003 cũng từng ảnh hưởng không nhỏ đến các hãng hàng không, khiến ngành hàng không thiệt hại 7 tỷ USD. So với thời điểm đó, ngành vận tải hàng không liên quan đến Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 10 lần, khiến dịch Covid-19 trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với cả các hãng nằm ngoài châu Á.
Ngành công nghiệp hàng không dự kiến thiệt hại 5 tỷ USD doanh thu trong quý đầu, và 29,3 tỷ USD tức sụt giảm 4,7% trong cả năm, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế ước tính. Trong đó, các hãng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại khoảng 27,8 tỷ USD và các hãng quốc tế sụt giảm khoảng 1,5 tỷ USD.
Tổng hợp các thông tin mới nhất, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước dưới tác động của dịch nCoV tại đây
Tính đến ngày 14/2, các hãng hàng không Trung Quốc đã phải trả lại 2,85 tỷ USD cho khách hàng bởi các chuyến bay bị hủy.
3 hãng hàng không nhà nước lớn của Trung Quốc là Air China, China Southern và China Eastern Airlines có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng các hãng nhỏ hơn sẽ phải vật lộn để duy trì hoạt động trong thời gian dài, Paul Yong, nhà phân tích tại ngân hàng DBS của Singapore, nói.
Trong đó, Hainan Airlines đặc biệt khó khăn bởi công ty mẹ của hãng này, HNA Group, vốn gặp vấn đề về nợ. Chính phủ có thể sẽ phải can thiệp và cho phép 3 ông lớn chia nhau các đường bay của Hainan Airlines, điều mà nhiều người đã đồn đoán từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Hồi đầu tháng, Hong Kong Airlines, một công ty con khác của HNA, nói rằng hãng đã phải cho thôi việc ít nhất 400 người trong tổng số 3.500 nhân viên và yêu cầu một số khác nghỉ không lương trong thời điểm khủng hoảng này. Hôm 19/2, hãng cho biết sẽ hủy toàn bộ dịch vụ trên chuyến bay để cắt giảm chi phí.
Hàng không giá rẻ cũng chao đảo
Các hãng hàng không giá rẻ cũng có thể gặp phải gián đoạn kéo dài, các nhà phân tích dự báo.
"Câu trả lời phụ thuộc vào việc ai có bảng cân đối kế toán mạnh nhất. Chúng ta có khả năng phải chứng kiến một số hãng nhỏ tuyên bố phá sản", Paul Yong nói.
Hãng hàng không Nok Air của Thái Lan, một hãng phát triển nhờ tăng trưởng đột biến lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan thời gian qua, dường như đang chịu ảnh hưởng nặng nề, ông nói. 10 trên 19 điểm đến nước ngoài của Nok Air là đến Trung Quốc.
VietJet cũng là một hãng hàng không giá rẻ phụ thuộc nhiều vào khách du lịch Trung Quốc. 10 trên 20 điểm đến ngoài thị trường Việt Nam là các điểm đến Trung Quốc.
Số chuyến bay từ Trung Quốc đến Thái Lan giảm 60% và từ Trung Quốc đến Việt Nam giảm 84% trong tuần thứ hai của tháng 2, so với cùng thời điểm năm 2019, OAG cho biết. Nok Air và Vietjet không phản hồi về thông tin này.
Các hãng lớn hơn cũng nỗ lực tự bảo vệ trước sự sụt giảm liên tục các chuyến bay đến Trung Quốc. Cathay Pacific yêu cầu nhân viên nghỉ 3 tuần không lương sau khi hãng hủy 90% số chuyến bay đến Trung Quốc đại lục, chiếm một phần ba tổng công suất bay của hãng.
Cathay Pacific đã bị tổn thất nặng vì mất khách Trung Quốc do cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong. Sự việc khiến hoạt động kinh doanh giảm sút mạnh và chủ tịch lẫn giám đốc điều hành phải từ chức hồi năm ngoái.
Asiana Airlines cho biết ngày 18/2 vừa qua, hãng đã yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ không lương khi các chuyến bay tới Trung Quốc giảm 70%. Hãng này lỗ 562 triệu USD trong năm 2019 và đang phải đối mặt với "khoản lỗ khổng lồ trong năm nay" vì dịch bệnh, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời CEO Han Chang-Soo cho biết.
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA CEO Alexandre de Juniac cũng nhận định các hãng hàng không và các chính phủ cùng đau đầu về dịch bệnh. "Chúng ta phải đối diện với tình huống nguy cấp về y tế công cộng và chúng ta phải cố gắng hết sức để nó không biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế", ông nói.
Tham khảo WSJ, Forbes