2021 có thể nói là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của làn sóng game NFT tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Nối tiếp thành công của Axie Infinity, hàng loạt dự án game NFT đình đám cũng theo đó ra đời. Thậm chí, có những dự án còn huy động được số tiền khổng lồ từ phía các nhà đầu tư. Đó có thể coi là một trong những giai đoạn bùng nổ nhất của làng game NFT. Ấy thế nhưng, bước sang năm 2022, mọi thứ đã chẳng còn tươi sáng như vậy. Từng được coi là một trong cuộc cách mạng của làng game thế giới, nhưng ở thời điểm hiện tại, các tựa game NFT đang phải đón nhận một thực trạng khá đáng buồn, đó chính là gần như chẳng được mấy người ngó ngàng tới. Vậy, nguyên do bắt nguồn từ đâu?
Mùa downtrend đã tới
Khi nhắc tới vấn đề lợi nhuận của các tựa game NFT, chắc chắn, một trong những điều đầu tiên được bàn tới chính là ảnh hưởng tạo nên bởi yếu tố thị trường. Và chỉ cần đọc qua các thông tin về thị trường tiền ảo ở thời điểm hiện tại, chắc nhiều người cũng chẳng thể lạc quan nổi.
Tăng trưởng mạnh mẽ chỉ trong một tháng đầu năm ở giai đoạn 1/2022 - 2/2022, thế nhưng ngay sau đó, token của các tựa game NFT nhanh chóng giảm giá trị mạnh mẽ. Điều này cũng tương đương với việc giảm đi thu nhập và giá trị của các game thủ. Tuy nhiên đổi lại, điều này cũng mang tới một cơ hội rất lớn cho các "game thủ" mới, khi mà chi phí bỏ ra đã giảm đi đáng kể. Vậy nhưng, lo ngại từ dấu hiệu đi xuống của thị trường cũng làm khá nhiều người "chùn tay".
Vấn nạn scam, ôm tiền bỏ chạy từ phía các nhà phát triển
Làn sóng phát triển game NFT trong năm 2021 có thể coi là minh chứng rõ nhất cho sự bùng nổ của thể loại này. Nhưng đi kèm với đó cũng là vô số những hệ lụy. Thiếu đi sự kiểm soát, cộng thêm với sự ngờ nghệch của các game thủ, nhà đầu tư, không ít nhà phát hành đã tạo ra các "dự án ma", kêu gọi vốn sau đó "trả bài" bằng các phiên bản demo, một roadmap mà không bao giờ đi tới điểm cuối. Hoặc tệ hơn, đó là kêu gọi vốn hàng triệu đô rồi đổi lại, ra mắt một bản test với cấu hình tệ hại, nguệch ngoạc như cách mà Pixelmon - một tựa game nổi tiếng từng làm.
Và cứ như thế, việc các game thủ cùng nhà đầu tư mất đi niềm tin vào các dự án game NFT cũng chẳng có gì là lạ. Chỉ khổ cho các nhóm phát triển game NFT chân chính khi thật sự khó để kêu gọi vốn trong thời điểm này.
Về cơ bản, có lẽ làn sóng game NFT chỉ đang tạm lắng lại mà thôi vì suy cho cùng, công nghệ blockchain đã và đang dần chứng tỏ được sự hữu dụng của mình, dù cho ảnh hưởng của nó tới các tựa game truyền thống vẫn còn tương đối hạn chế. Thế nhưng, thời gian downtrend kéo dài bao lâu, cũng như phải mất bao nhiêu thời gian để khôi phục lại niềm tin của các nhà đầu tư và game thủ thì chắc chẳng ai biết được.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư. GameFi (viết tắt của Game Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.