"Mùa hè nóng nhất" chính là dòng miêu tả mà chúng ta thường thấy được sử dụng lặp đi lặp lại vào mỗi mùa hè, trong gần 10 năm qua. Bởi mỗi năm, cái nóng lại càng thêm gay gắt và phá đổ mọi kỷ lục mà nó từng tạo ra trước đó.
Vào tháng 5 vừa qua, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petiri Talas đã nói rằng bảy năm qua là bảy năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Nhưng sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chứng kiến "năm nóng kỷ lục" tiếp theo.
Đã hơn 40 năm kể từ khi nhà khí hậu học người Mỹ Wallace Smith Broecker dự đoán lần đầu tiên vào năm 1975 rằng "nồng độ carbon dioxide tăng lên trong khí quyển sẽ dẫn đến sự nóng lên toàn cầu đáng kể". Cuối cùng, đã tới lúc chúng ta bắt đầu chứng kiến điều đó một cách rõ rệt.
Theo báo cáo về "Trạng thái khí hậu toàn cầu 2020" do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố, nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay cao hơn khoảng 1,2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Tức là chúng ta đã không phải trải nghiệm cái nóng đến mức này trong hàng trăm năm qua, kể từ khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra. Và điều đó cũng có nghĩa là hầu hết các quốc gia và khu vực đang vận hành một hệ thống xã hội, lối sống và cơ sở hạ tầng được xây dựng trên cơ sở không hề tính đến mức nhiệt độ khắc nghiệt như hiện nay.
Năm này qua năm khác, ngày càng có nhiều đợt nắng nóng hỗn loạn và bất thường có khả năng ảnh hưởng và thay đổi cái gọi là “cuộc sống hàng ngày” mà chúng ta từng biết.
Trái đất đang "cháy"
Ít nhất 1.700 người đã chết do nhiệt độ cao ở các khu vực của châu Âu, điển hình như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ở các quốc gia có khí hậu lạnh hơn như Vương quốc Anh, Pháp và Ý, nhiệt độ cũng bắt đầu vượt quá mức bình thường. Đồng thời, nhiệt độ cao và khô hạn cũng đã làm bùng phát nhiều vụ cháy rừng ở các nước châu Âu.
Nắng nóng có thể giết chết con người, và tổng số người chết liên quan đến các đợt nắng nóng đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Nhưng cuộc sống không cho phép con người trốn tránh cái nắng. Vô số các công việc như đưa thư, lái xe, cảnh sát giao thông, công nhân vệ sinh, công nhân xây dựng và nhiều nhóm ngành nghề khác nhau vẫn phải làm việc ngoài trời, chịu nhiều rủi ro sức khỏe do nhiệt độ cao mang lại. Và ở nhà chưa chắc đã an toàn tuyệt đối. Đã có rất nhiều trường hợp người trung niên và cao tuổi ngại bật điều hòa ở nhà, sau đó phải nhập viện do nhiệt độ cao.
Đối với các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nhiệt độ cao, một số giải pháp trước mắt là cần tăng cường các chính sách và luật pháp liên quan, thậm chí điều chỉnh một số công việc và lối sống mà chúng ta quen thuộc để giảm bớt các vấn đề sức khỏe có thể gây ra bởi nhiệt độ cao.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ của môi trường sống và làm việc thích hợp cần phải trở thành một yếu tố quan trọng cần lưu ý để bảo vệ quyền và lợi ích cá nhân của mọi người trong tương lai. Bởi chúng ta không thể mong đợi tất cả mọi người chỉ trốn trong nhà và ngồi trước điều hòa để đối phó với nhiệt độ cao. Và dù có vậy, hóa đơn tiền điện sẽ là một vấn đề đau đầu khác.
Khí hậu cực đoan có thể là tiêu chuẩn trong tương lai
Nắng nóng gay gắt đang tác động toàn diện đến mọi mặt của xã hội loài người.
Ngay cả khi con người có thể chịu đựng hoặc tránh được nhiệt độ cao, thì các loại cây trồng mà con người phụ thuộc vào để sinh tồn có thể không thể chịu đựng được.
Bộ nông nghiệp Mỹ dự báo vào tháng 5 vừa qua rằng thu hoạch lúa mì vụ đông năm 2022 sẽ giảm 8% so với một năm trước đó, mặc dù diện tích trồng trọt đã tăng nhẹ. Còn theo một báo cáo được Reuters trích dẫn, do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt tồi tệ nhất trong 122 năm, một trong những nước xuất khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới là Ấn Độ dự kiến sẽ giảm thu hoạch lúa mì năm nay 6%. Ủy ban châu Âu cũng dự báo tổng sản lượng ngũ cốc năm nay, bao gồm lúa mì, lúa mạch và ngô, sẽ thấp hơn 2,5% so với năm ngoái do thời tiết khô hạn.
Và không chỉ “việc ăn” mà cả “việc ở” cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Các cơ sở hạ tầng của chúng ta cũng đang bắt đầu cảm thấy khó chịu trong điều kiện khí hậu mới.
Theo Mariam Zachariah, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Imperial College London, thì các tòa nhà ở nhiều nước châu Âu vốn được thiết kế để cách nhiệt và chống lại cái lạnh. Do đó, chúng đang tỏ ra khó có thể chịu được sức nóng khắc nghiệt như hiện nay.
Một số ví dụ điển hình như đường băng ở sân bay Anh đã bị tan chảy do nhiệt độ quá cao khiến nhiều chuyến bay bị hoãn. Còn đường ray tàu hỏa ở nước này cũng bị biến dạng do nhiệt độ quá cao, khiến cơ quan đường sắt đã phải hạn chế tốc độ của các đoàn tàu.
Rõ ràng, do sự phát triển của đô thị hóa quy mô lớn, khi quy hoạch và xây dựng các thành phố và cơ sở hạ tầng liên quan, mọi người thường ít khi tính đến mối quan hệ giữa thiết kế kiến trúc, vị trí quy hoạch, vật liệu… và khí hậu khu vực địa phương. Ví dụ, nhiều nhà cao tầng khi được xây lên sẽ cản trở luồng gió mùa, khiến người dân xung quanh cảm thấy ngột ngạt hơn. Tuy nhiên, diện tích đất chật hẹp và chi phí đắt đỏ không cho phép các nhà đầu tư đưa ra một phương án khả thi hơn. Hoặc khi sử dụng vách kính cho các tòa nhà văn phòng cao tầng, sự phản chiếu của ánh nắng sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng nhiệt độ cao ở đô thị.
Bên cạnh đó, nắng nóng khắc nghiệt chỉ là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu. Và điều này cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện hoặc gia tăng của các loại thời tiết khắc nghiệt khác như lũ lụt, mưa giông…
Một báo cáo do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố năm ngoái chỉ ra rằng số lượng thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu hoặc lũ lụt đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua. Một số quốc gia như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đang đối mặt với nạn nắng nóng và hạn hán khiến các dòng sông khô kiệt, cháy rừng khắp nơi. Còn Hàn Quốc vừa qua đã chứng kiến những trận mưa lịch sử gây ngập lụt. Các quốc gia ven biển cũng đang ngày càng hứng chịu nhiều trận bão “mạnh nhất lịch sử” hết năm này qua năm khác.
Những điều kiện khí hậu bất thường và khắc nghiệt này đã gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế và thậm chí cả con người. Nhưng điều đáng sợ hơn là trong tương lai, những hiện tượng này có thể sẽ trở thành “điều bình thường mới”.
Và chúng đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với trình độ cơ sở hạ tầng, quản lý xã hội và phòng chống thiên tai hiện có của các quốc gia. Xét về mức độ ảnh hưởng hiện tại và tiến độ có thể xảy tới trong tương lai của biến đổi khí hậu, chúng ta phải xem xét và cân nhắc tới những kết quả xấu nhất và chuẩn bị càng sớm càng tốt, vì tình hình hiện rất không khả quan.
Theo Thỏa thuận Paris, được thông qua vào năm 2015, các quốc gia đã xây dựng một bản kế hoạch chi tiết, được gọi là Đóng góp do các quốc gia tự xác định (NDC). Đó là các cam kết của từng quốc gia về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Và giả sử rằng 194 bên tham gia Thỏa thuận Paris đều rất đáng tin cậy và thực hiện các kế hoạch của họ một cách chính xác, thì nhiệt độ toàn cầu sẽ vẫn tăng 2,7 độ C trong thế kỷ này.
Nhưng theo một báo cáo năm 2018 do các chính phủ và hàng nghìn nhà khoa học cùng thảo luận, thì nếu muốn tránh được các tác động tiêu cực của nhiệt độ tăng thì sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu phải được kiểm soát trong vòng 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp. Tức là nếu nhiệt độ tăng 2,7 độ C, các thảm họa sinh thái khác nhau sẽ không thể tránh khỏi.
Như vậy, về bản chất các tác động tiêu cực hơn nữa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi. Rõ ràng, bởi điều này không dễ thực hiện. Việc điều chỉnh tổng thể lượng khí thải carbon ở cấp quốc gia tương đương với việc sẽ gây tổn thương cho lợi ích của chính người dân, bởi từ lâu chúng ta đã quen với việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
Hơn nữa, có những trường hợp như Mỹ, đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris. Tổng thư ký LHQ António Guterres cũng đã nói rằng thế giới đã "đi chệch hướng để đạt được các mục tiêu mà Thỏa thuận Paris yêu cầu".
Tin vào con người
Tất nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta phải mất tự tin và chỉ nằm chờ thời khắc cuối cùng xảy tới. Lịch sử đã chứng minh, con người là giống loài mà mỗi khi đối mặt với khủng hoảng luôn tỏ ra kiên cường và ứng xử với trí tuệ phi thường. Và với biến đổi khí hậu, chúng ta cũng có thể vượt qua như vậy.
Và giải pháp cũng có thể sẽ xuất hiện một cách vô tình. Vào đầu thế kỷ 20, London, New York và một loạt các thành phố lớn khác sử dụng xe ngựa làm phương tiện đi lại chính và gặp khó khăn do lượng phân ngựa thải ra nhiều tới mức khó xử lý. Các nhà khoa học dự kiến tới những năm 1930, London sẽ bị chôn vùi bởi những đống phân ngựa.
Tuy nhiên, vào những năm 1930, tình cảnh đó đã không xuất hiện, bởi vì những chiếc xe chạy bằng dầu đã trở thành công cụ đi lại chính trong thành phố, và xe ngựa không còn thấy xuất hiện nữa. Có thể nói, đôi khi một giải pháp cho vấn đề khí hậu đã xuất hiện hoặc sắp xuất hiện, chỉ là chúng ta vẫn chưa biết đó là giải pháp gì mà thôi.
Và đây không phải là sự lạc quan mù quáng mà là nhận định cơ bản về khả năng tự cứu mình của một loài sinh vật đã tồn tại và sinh sôi trên trái đất hàng trăm nghìn năm.
Đồng thời, chúng ta cũng phải tin tưởng vào sức mạnh của sự tích tụ, từ những việc nhỏ như ít tạo ra rác thải hơn cho tới nỗ lực của các chính phủ, tổ chức và các nhà nghiên cứu khoa học ở mọi quốc gia. Từ đó, tất cả chúng ta đang từng bước tiếp cận tới câu trả lời cuối cùng cho vấn đề khí hậu toàn cầu.
Tham khảo iFeng, Sina