Mới đây, chương trình Đời nghệ sĩ đã lên sóng với sự xuất hiện của Đông Đào - một trong những ca sĩ được yêu thích nhất của dòng nhạc Bolero, trữ tình quê hương, đồng thời cũng là doanh nhân thành đạt.
Tại chương trình tuần này, Đông Đào đã chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của cô.
Vì nghèo nên đi kinh doanh
Ai cũng biết, ngoài ca hát thì tôi còn là một doanh nhân thành công, kinh doanh mát tay.
Thế nhưng, rất ít người biết lý do nào đã dẫn lối cho tôi đến với thương trường. Một số khán giả cho rằng do tôi lấy chồng là doanh nhân nên bị tác động, cũng có người lại nói đó là tố chất, là máu kinh doanh vốn có trong con người tôi.
Thực ra, trước khi gặp được ông xã thì tôi đã có hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh.
Tôi kinh doanh nhỏ thôi nhưng mặt hàng mà tôi kinh doanh cũng hóc búa lắm. Lúc ấy, tôi có một cửa hàng chuyên bán kính xây dựng.
Cơ duyên để tôi đi bán kính xây dựng là do nghèo. Trước đó, tôi đi làm thuê cho một công ty chuyên kinh doanh về kính.
Tôi học nghề rồi biết được cách kinh doanh, các bài toán về kinh tế. Thậm chí, tôi còn biết cắt cả kính xây dựng nữa.
Sau đó, tôi mới có suy nghĩ tại sao không làm riêng cho mình. Tôi tích lũy một số vốn từ việc đi hát để mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh kính xây dựng.
Khi tôi gặp được chồng tôi thì cả hai có sự đồng cảm vì cùng làm ngành kinh tế. Có lẽ khi gặp tôi, ông xã thích tôi ở lĩnh vực kinh doanh nhiều hơn là nghệ thuật.
Tuy nhiên, khi anh ấy đi sâu vào cuộc sống nghệ thuật của tôi thì lại hiểu và còn yêu thích nghệ thuật nhiều hơn, dù anh ấy vốn không biết hát.
Dạy con miệt mài vì sợ quên tiếng Việt
Hai năm dịch bệnh vừa qua, nhiều nghệ sĩ gặp khó khăn nhưng đó lại là khoảng thời gian ý nghĩa với tôi khi tôi có nhiều thời gian dành cho gia đình. Tôi có dịp trổ tài nấu ăn cho cả nhà, trong khi trước đây tôi khó có cơ hội thể hiện.
Trong thời gian dịch, tôi bị kẹt lại tại nước ngoài và chỉ ở nhà, nấu ăn thôi. Ngoài nấu ăn, tôi còn tập luyện thêm nhiều bài hát cũng như chia sẻ và dạy thêm cho các con những văn hóa hay của người Á Đông.
Tôi muốn dạy con về văn hóa Á Đông, đặc biệt là Việt Nam bởi con cái đã ở nước ngoài khá lâu. Tôi sợ các con quên đi truyền thống dân tộc nên bắt buộc phải dạy thêm.
Đứa lớn nhà tôi ở nước ngoài từ 10 tuổi, bây giờ đã hai mấy tuổi nên nhiều khi tiếng Việt nói bị lớ lớ và nói sai nhiều từ.
Ví dụ, khi nói chuyện với tôi, cháu nói "ràng buộc" không được mà thành "ràng bó". Tôi sợ tiếng Việt của các con bị mai một đi nên phải dạy lại.
Cũng nhờ sự chỉ dạy tận tình của tôi mà các con hiểu thêm về tình yêu thương của văn hóa người Á Đông, về sự sâu sắc và gắn kết hơn so với văn hóa phương Tây.