Cà phê là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Theo nhiều khảo sát được thực hiện ở các thành phố hạng nhất và hạng hai ở Trung Quốc, một số người có thể tiêu thụ hơn 300 tách cà phê mỗi năm. Tại Mỹ, 2/3 người Mỹ uống cà phê mỗi ngày, nhiều hơn nước đóng chai hoặc trà, theo Hiệp hội Cà phê Quốc gia.
Đặc biệt là với nhân viên văn phòng, cà phê là đồ uống “duy trì sự sống”, giống tinh thần sảng khoái và có động lực làm việc hơn. Tiêu Hà, một nhân viên Marketing ở Trung Quốc cho biết cô nghiện cà phê từ khi đi làm vì phải làm thêm giờ, thậm chí thức khuya để hoàn thành công việc trong ngày. Bên cạnh đó, những cuộc hẹn công việc, giải trí tại quán cà phê cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ loại đồ uống này.
Khi uống cà phê, vì chứa caffeine nên nhịp tim của bạn sẽ tăng lên, não bộ hưng phấn hơn nhưng cũng có thể xảy ra hiện tượng “không dung nạp caffeine” khiến tim đập nhanh bất thường, chóng mặt, bồn chồn, hô hấp nhanh, thậm chí đổ mồ hôi nhiều và dạ dày khó chịu. Nhiều người đã thắc mắc liệu cà phê có gây hại có sức khỏe tim mạch hay không.
Trên thực tế, trái ngược với lo lắng của nhiều người, uống cà phê đúng cách được chứng minh thực sự có thể bảo vệ tim mạch. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Phòng ngừa Tim mạch Châu Âu, uống 0,5 - 3 tách cà phê nguyên chất mỗi ngày rất tốt cho tim mạch.
Một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Y học môi trường IUF-Leibniz Đức cho thấy 4 tách cà phê mỗi ngày có thể giúp bảo vệ tế bào tim ở người bị béo phì, tiền tiểu đường, thậm chí phục hồi một số tổn thương cơ tim. Nghiên cứu khác từ ĐH Sao Paulo (Brazil) cho biết chỉ 3 tách/ngày giúp đánh bại các mảng bám lòng mạch, thứ gây xơ vữa động mạch và có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của tiến sĩ Peter M. Kistler, chuyên gia hàng đầu về rối loạn nhịp tim, đồng thời là giáo sư y khoa tại Đại học Melbourne và Đại học Monash (Úc) cũng cho thấy kết quả uống 2 đến 3 tách cà phê mỗi ngày có liên quan đến việc giảm 10% đến 15% nguy cơ mắc bệnh tim, suy tim, các vấn đề về nhịp tim hoặc tử vong sớm vì bất kỳ lý do gì.
“Các bác sĩ thường e ngại về việc những người mắc bệnh tim mạch hoặc rối loạn nhịp tim tiếp tục uống cà phê. Vậy nên họ thường thận trọng và khuyên bệnh nhân nên ngừng uống do lo ngại rằng cà phê có thể gây ra nhịp tim nguy hiểm. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, uống cà phê thường xuyên là an toàn và có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho những người mắc bệnh tim", giáo sư Peter M. Kistler cho biết.
Tiến sĩ Gregory Marcus, bác sĩ tim mạch tại Đại học California (Mỹ) khuyến cáo tác động của cà phê có thể khác nhau ở mỗi người nên những bệnh nhân mắc bệnh tim có thể tự mình thử nghiệm xem caffeine ảnh hưởng đến họ như thế nào và điều chỉnh liều lượng hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Dù được chứng minh có nhiều lợi ích cho tim mạch thế nhưng loại cà phê phổ biến mọi người thường uống là cà phê hòa tan hoặc những loại cà phê chứa nhiều đường, kem, bột sữa,... có hàm lượng calo cao, gây tăng cân, béo phì, thậm chí là tiểu đường. Vậy nên các bác sĩ luôn khuyên mọi người nên uống cà phê nguyên chất và hạn chế đường, sữa nhất có thể.
Ngoài ra, cà phê nên được tiêu thụ với mức độ vừa phải để đảm bảo cơ thể không bị “say” cà phê. Một bài báo đăng trên tạp chí Y học New England chỉ ra rằng nên kiểm soát lượng cà phê mỗi ngày ở mức 3-5 cốc tiêu chuẩn 235ml/cốc. Lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày đối với người trưởng thành bình thường không được vượt quá 400mg và lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không được vượt quá 200mg.
Ngoài ra, việc tiêu thụ cà phê quá thường xuyên, quá liều lượng được khuyến cáo có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào đồ uống chứa caffeine. Khi ngừng uống hoặc giảm lượng caffeine đột ngột sẽ khiến bạn đau đầu, mệt mỏi bất thường, rối loạn cảm xúc trong thời gian đầu.