Samsung hồi đầu năm nay đã giới thiệu thế hệ cảm biến ISOCELL đầu tiên dành cho điện thoại có độ phân giải lên tới 200MP. Và mặc dù đã ra tới thế hệ cảm biến ISOCELL 200MP thứ 2 là HP3, tuy nhiên mãi tới tận tháng 8 vừa qua mới xuất hiện chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới thương mại hoá cảm biến ảnh 200MP, đó là chiếc Motorola X30 Pro.
Ngày 4/10, Xiaomi chính thức trình làng chiếc smartphone đầu tiên của mình, và cũng là chiếc smartphone thứ 2 trên thế giới trang bị cảm biến 200MP do Samsung phát triển. Chiếc máy này có tên Xiaomi 12T Pro, là một phiên bản đổi tên của Redmi K50 Ultra nhưng được nâng cấp camera với độ phân giải cao hơn.
Xiaomi quảng cáo camera độ phân giải 200MP của Xiaomi 12T Pro là "camera di động chuyên nghiệp" và "thách thức sự sáng tạo". Trên thực tế, liệu độ phân giải 200MP có phải là một nâng cấp đáng giá và cần thiết đối với người dùng phổ thông?
Cảm biến 200MP nhưng ảnh chụp ra có độ phân giải 12.5MP
Mặc dù trang bị cảm biến 200MP, tuy nhiên giống như nhiều smartphone khác trên thị trường, Xiaomi sử dụng thuật toán nội suy 16 điểm ảnh thành một điểm ảnh duy nhất. Bởi vậy độ chi tiết sẽ không bằng so với khi chụp ở chế độ 200MP nhưng sẽ có lợi về khả năng xử lý ánh sáng, xử lý nhiễu hạt cũng như màu sắc.
Nếu muốn chụp ở độ phân giải 200MP, người dùng sẽ cần phải chuyển qua chế độ Ultra HD, tuy nhiên ở chế độ này máy sẽ vẫn chỉ chụp ảnh ở độ phân giải 50MP (nội suy 4 điểm ảnh), để chụp ở độ phân giải cao nhất, người dùng cần thêm một thao tác kích hoạt 200MP ở trên thanh công cụ. Ngoài ra, Xiaomi cũng cảnh báo chỉ nên chụp 200MP ở điều kiện đầy đủ ánh sáng, nếu không chất lượng ảnh có thể không như kỳ vọng.
200MP nhưng... thua 12MP
Thử nghiệm thực tế, chúng tôi sử dụng camera 200MP của Xiaomi 12T Pro, chụp và so sánh với ảnh chụp từ camera 12MP của iPhone 13 Pro Max để xem xét chất lượng ảnh chụp. Bạn đọc có thể xem chi tiết ảnh chụp toàn cảnh và ảnh đã crop dưới đây.
Ảnh chụp toàn cảnh một góc đô thị
Ảnh chụp toàn cảnh một góc sân chơi
Từ những ảnh trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy camera 200MP của Xiaomi 12T Pro cho chất lượng ảnh chụp tốt hơn về độ chi tiết so với camera 12MP của iPhone với cùng một tiêu cự.
Tuy nhiên, khi so sánh với camera 12MP telephoto 3X của iPhone thì độ chi tiết của ảnh 200MP lại kém hơn khá nhiều. Điều này cho thấy dù camera có độ phân giải cao đi chăng nữa thì khả năng hiệu quả về yếu tố chi tiết ảnh vẫn kém hơn so với việc trang bị camera telephoto độ phân giải thấp hơn nhiều.
Tất nhiên, khó có thể so sánh mức chi phí trang bị cảm biến siêu độ phân giải cao hơn hay camera telephoto cao hơn. Hiện tại, smartphone phân khúc tầm trung tới cận cao cấp đa số đều không được trang bị camera telephoto với tiêu cự dài, chủ yếu là không có hoặc tối đa là 2X. Cả camera siêu độ phân giải hay camera telephoto đều có nhược điểm là chụp thiếu sáng kém.
Do vậy, trên thực tế camera 200MP không hẳn là một điểm nâng cấp có ích cho người tiêu dùng đối với trải nghiệm sử dụng thực tế. Thêm một yếu tố nữa khiến camera 200MP của Xiaomi không được ưa chuộng bởi ảnh chụp ra có dung lượng rất cao, chiếm tới 50 - 80MB/ảnh, trong khi đó camera telephoto 12MP của iPhone chỉ có dung lượng khoảng vài MB.