BS Bệnh viện Bạch Mai gợi ý "giải pháp dã chiến" giúp nhân viên y tế tránh lả nhiệt và say nóng khi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

Tiểu Nguyễn | 01-06-2021 - 15:45 PM

(Tổ Quốc) - Dưới thời tiết 40 độ C đi lấy mẫu xét nghiệm, "giải pháp dã chiến" thực tế là kinh nghiệm chống dịch cách đây 20 năm được rất nhiều người hoan nghênh.

Dưới tiết trời nắng nóng ngoài trời trên 40 độ C, mấy ngày qua, nhìn các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, chúng ta không khỏi xót xa và lo lắng. Trước tình hình đó, BS Lương Quốc Chính cùng toàn thể các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra giải pháp như sau:

- Đối với nhân viên y tế: Chỉ cần trang bị khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề.

- Đối với khu vực lấy mẫu: Bố trí ở nơi thoáng mát (ngoài trời), phía sau nhân viên y tế là một chiếc quạt công nghiệp thổi hết tốc lực.

"Cách làm này có thể giúp nhân viên y tế tránh được lả nhiệt hoặc say nóng nhưng vẫn có thể phòng và chống lây nhiễm được", BS Lương Quốc Chính khẳng định.

Chuyên gia đưa ra giải pháp dã chiến cắt đứt lây nhiễm chéo Covid-19, không lo say nắng say nóng - Ảnh 1.

Những ngày qua, nhiều nhân viên y tế ngất xỉu do làm việc dưới thời tiết nắng nóng.

Vì sao quạt công nghiệp lại có thể vừa tránh lây nhiễm Covid-19 vừa không lo say nắng say nóng?

Theo BS Lương Quốc Chính, quạt công nghiệp ngoài mục đích làm mát thì mục đích quan trọng là thông gió, làm loãng nồng độ và thổi bay giọt bắn và virus trong không khí (nếu có) tản rộng ra chỗ khác nhằm tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Nhiều người lo ngại việc thổi quạt làm phát tán giọt bắn và virus trong không khí. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định không cần thiết phải lo lắng. "Khả năng bị nhiễm virus càng tăng khi nồng độ giọt bắn và virus trong không khí càng cao. Chính chiếc quạt này làm cho nồng độ giọt bắn và virus trong không khí giảm khiến cho khả năng nhân viên y tế bị lây nhiễm giảm. Nếu phối hợp phun khử khuẩn khu vực lấy mẫu thường xuyên thì hiệu quả phòng lây nhiễm càng cao. Ngoài ra, nhân viên y tế đã có trang bị bảo hộ rồi thì càng yên tâm", BS Chính cho biết.

Ngoài ra, giải pháp dùng khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề cũng giảm được nồng độ giọt bắn và virus trong không khí. Nếu phối hợp phun khử khuẩn thường xuyên nơi lấy mẫu thì hiệu quả phòng bệnh sẽ cao hơn. Ngoài ra, nhân viên y tế có khẩu trang N95, kính che mặt, găng tay và tạp dề bảo vệ rồi nên không sợ lây nhiễm và tránh được lả nhiệt và say nóng.

Dùng quạt công nghiệp là kinh nghiệm phòng chống dịch từ 20 năm trước

Giải thích rõ hơn về giải pháp dã chiến này, BS Chính cho biết, ý tưởng này không có gì mới, dựa trên cơ sở cơ sở kinh nghiệm phòng chống lây nhiễm chéo SARS trong bệnh viện từ các thầy tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cách đây 20 năm.

Chuyên gia đưa ra giải pháp dã chiến cắt đứt lây nhiễm chéo Covid-19, không lo say nắng say nóng - Ảnh 4.

"Trong khi hiện tượng lây nhiễm chéo trong bệnh viện xảy ra dễ dàng tại Bệnh viện Việt Pháp vì bệnh phòng dùng điều hòa, không thoáng khí, khiến cho nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh và tử vong thì tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương khi đó đã tắt hết điều hòa, mở cửa thông thoáng và bật quạt suốt ngày đêm. Kết quả là không xảy ra hiện tượng lây nhiễm chéo tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương", BS Chính cho hay.

Điều này cũng dựa trên cơ sở kinh nghiệm phòng chống lây nhiễm chéo SARS-CoV-2 trong bệnh viện tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Đà Nẵng vào tháng 8 năm ngoái của các chuyên gia chống dịch (Bệnh viện Bạch Mai và các cơ sở y tế trên toàn quốc tới tăng cường cho Đà Nẵng).

Chuyên gia đưa ra giải pháp dã chiến cắt đứt lây nhiễm chéo Covid-19, không lo say nắng say nóng - Ảnh 5.

"Giải pháp dã chiến" có lẽ là đủ bảo vệ nhân viên y tế không bị lây nhiễm chéo và tránh cho nhân viên y tế không bị lả nhiệt và say nóng trong bộ bảo hộ kín mít.

Tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, hệ thống điều hòa không được bật, thay vào đó là hệ thống thông gió đơn giản là những chiếc quạt công nghiệp để cách nhau mỗi 10-20m trong các bệnh phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 và các hành lang... thổi hết tốc lực theo một hướng nhằm giúp lưu thông không khí trong khu vực ô nhiễm. Kết quả là, chỉ có vùng đỏ (red zone) nhân viên y tế mới phải trang bị bảo hộ trùm kín toàn thân, tại các vùng vàng (yellow zone) và vùng xanh (green zone) chỉ cần chiếc khẩu trang N95 và các biện pháp phòng bệnh cá nhân khác dành cho nhân viên y tế là đủ... mà không xảy ra lây nhiễm chéo, nhất là lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế.

"Đối với các khu vực lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên diện rộng ngoài cộng đồng, đây là những khu vực mà có ít nguy cơ lây nhiễm chéo hơn khi so với khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 như mô tả ở trên, thì "giải pháp dã chiến" có lẽ là đủ bảo vệ nhân viên y tế không bị lây nhiễm chéo và tránh cho nhân viên y tế không bị lả nhiệt và say nóng trong bộ bảo hộ kín mít như vậy", BS Lương Quốc Chính khẳng định.

Chuyên gia đưa ra giải pháp dã chiến cắt đứt lây nhiễm chéo Covid-19, không lo say nắng say nóng - Ảnh 6.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM