PGS.TS Hoàng Thanh Vân (SN 1984, Thái Nguyên) là một trong số ít những nhà khoa học người Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới trong lĩnh vực Dự báo thiên tai. Không chỉ nổi tiếng với các công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao, chị còn được biết tới với danh hiệu “PGS trẻ tuổi nhất ở Đài Loan”.
“Bóng hồng Việt Nam” chinh phục vũ đài khoa học
Trao đổi với PV, chị Hoàng Thanh Vân say sưa kể về các công trình khoa học và những dự án chị đã cống hiến cho nước nhà.
Trước đây, khi còn ở Việt Nam, chị bén duyên với ngành “Địa lý tự nhiên” và đã có thời gian làm giảng viên tại Đại học Thái Nguyên. Là phụ nữ nhưng chị chẳng ngại khi dấn thân vào những “điểm nóng” thiên tai để đo đạc địa trắc. Tại đây, chị Vân xót xa khi chứng kiến người dân khổ sở, lam lũ trong vùng thiên tai.
Say này, khi đã trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đài Loan, chị Hoàng Thanh Vân phát hiện ra rằng thiên nhiên và các hiện tượng thiên tai ở đây có nhiều nét tương đồng với quê nhà. Trong khi đó, Đài Loan là một trong 10 nơi trên thế giới phát triển mạnh về công nghệ phòng chống thiên tai nên chị Vân càng quyết tâm học hỏi những cách làm tiến bộ.
PGS.TS Hoàng Thanh Vân đang giảng dạy cho các sinh viên quốc tế.
Theo đuổi con đường nghiên cứu với học bổng toàn phần của Trường Xây dựng, Đại học Feng Chia, chị chuyên tâm học tập và rất nhanh chóng đã hoàn thành xong chương trình nghiên cứu sau 4 năm.
Vượt vũ môn thành công, chị về nước và dự định tiếp tục đóng góp cho Việt Nam. Vậy nhưng, một cơ duyên bất ngờ ập đến, chị nhận được cuộc gọi từ giáo sư từng theo học.
GS.Tien-Yin Chou - Giám đốc TT GIS, Đại học Feng Chia đã mời chị Vân ở lại để cùng tham gia hỗ trợ dự án.
Sau thời điểm đó, chị Vân thi đỗ làm giảng viên toàn phần tại trường Đại học Feng Chia. Chính bản thân chị Hoàng Thanh Vân cũng không thể tưởng tượng rằng, quyết định quay trở lại Đài Loan rồi tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu lại có tính bước ngoặt trong cuộc đời.
PGS.TS Hoàng Thanh Vân chụp ảnh cùng các bạn sinh viên.
Sự nghiệp có bước tiến rất tốt, chị hoàn thành nghiên cứu bậc TS, rồi tiếp tục nghiên cứu phong hàm lên PGS, và hiện đang chuẩn bị phong hàm cho GS. Vậy nhưng quay trở về bản ngã của một người phụ nữ giàu cảm xúc, chị Hoàng Thanh Vân cũng từng có lúc dao động khi nghĩ đến hạnh phúc cá nhân.
Chị đùa vui rằng: “Khi học xong bậc tiến sĩ, mình cũng tròn 30 tuổi nên cũng ngại cảnh khó lấy được chồng”. Nhiều khi, bố mẹ chị Vân cũng xót con gái chỉ mong muốn chị ổn định chuyện gia đình.
Thế nhưng qua hàng giờ trò chuyện với PGS.TS Hoàng Thanh Vân, mới hiểu vì sao “bóng hồng Việt Nam như chị không ngừng mải mê chinh phục vũ đài khoa học, thậm chí hy sinh nhiều năm thanh xuân trong cuộc đời.
Chị nói: “Lĩnh vực nghiên cứu của mình tập trung chủ yếu vào công nghệ quản lý thiên tai, nghiên cứu thực tiễn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mô hình cảnh báo cho việc quan trắc thiên tai theo thời gian thực, có thể dự báo sớm trước 6 tiếng.
Sau mỗi một dự án, có kết quả nghiên cứu, thì mình sẽ ứng dụng dạy vào môn học cho sinh viên, do đó sinh viên được trải nghiệm thực hành dự án thực tiễn, dựa trên kết quả nghiên cứu có thể xuất bản báo SCI, và sách chuyên khảo”.
Năm 2016, khi mới 31 tuổi, chị Hoàng Thanh Vân lần đầu tiên được phong hàm PGS bậc 1 (Assistant Professor).
4 năm sau đó, chị tiếp tục đón nhận hàm PGS bậc 2 (Associate Professor). Bản thân chị là PGS trẻ tuổi nhất Đài Loan khi mới ngoài 30 tuổi.
Để đạt được thành tích đáng nể này, PGS.TS Hoàng Thanh Vân đã trải qua một chặng đường nghiên cứu không ngừng nghỉ. PGS.TS Hoàng Thanh Vân thường xuyên giảng dạy, hướng dẫn cho nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh quốc tế, trong đó có cả những người hơn chị Vân rất nhiều tuổi.
Hơn hai năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện, chị Vân đã không thể trở về Việt Nam thăm gia đình. Theo như chị tâm sự, thời gian trước khi đại dịch bùng phát, chị thường về thăm gia đình mỗi tháng một lần nhưng hiện nay do thời gian cách ly quá dài, chị phải đắn đo, cân nhắc nhiều việc trước khi quyết định có nên về hay không.
Chị cho biết nếu về nước trong thời điểm này sẽ tốn khá nhiều thời gian, nhất là thời gian cách ly bắt buộc kéo dài sẽ khiến nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh tiến sĩ phải chờ đợi lâu hơn để được chị hướng dẫn. Chị không muốn làm ảnh hưởng đến tiến độ bảo vệ luận án của các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại Đài Loan.
PGS.TS Hoàng Thanh Vân đưa nghiên cứu sinh tiến sĩ đi thực địa thiên tai.
Nhìn ngắm những bức ảnh mà PGS.TS Hoàng Thanh Vân chia sẻ với PV, dễ nhận thấy chị sở hữu vóc dáng nhỏ nhắn nhưng khá nổi bật giữa đoàn người. Công việc của một nhà khoa học buộc chị luôn phải trực tiếp dấn thân, đưa toàn đoàn nghiên cứu sinh tiếp cận thực tế nên những khoảnh khắc PGS.TS Hoàng Thanh Vân “đội mưa đội nắng” chẳng phải chuyện hiếm.
Chị Hoàng Thanh Vân chịu ảnh hưởng lớn bởi quãng thời gian còn đi học, do thường được bầu làm lớp trường nên rất xông xáo tham gia các hoạt động của tập thể. Giờ đây, chị vẫn là thủ lĩnh của các phong trào do nhà trường và các CLB sinh viên phát động.
Ngoài trách nhiệm lớn trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, chị Vân được nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh yêu mến vì tính cách vui vẻ, hòa đồng. Trong suốt 8 năm liên tiếp giảng dạy trong ngôi trường uy tín top đầu Đài Loan, PGS.TS Hoàng Thanh Vân góp mặt trong số 10% giáo viên xuất sắc theo đánh giá của sinh viên.
Luôn hướng về quê nhà
PGS.TS Hoàng Thanh Vân cho biết: “ Không phải cứ ở Việt Nam mới đóng góp được cho đất nước. Bản thân mình đang sống và làm việc tại Đài Loan, nhưng hầu hết các dự án đều hướng về Việt Nam, tất nhiên xin được vốn tài trợ cũng không phải đơn giản. Ví dụ như dự án ở Bản Khoang (Lào Cai), nội dung phải thực sự thuyết phục mới xin được quỹ tài trợ”.
Thông qua các hoạt động hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm khoa học giữa các trường và các tổ chức, hoặc giữa các công ty, PGS.TS Hoàng Thanh Vân nắm bắt được rất nhiều thông tin, từ đó lựa chọn hướng đề xuất dự án hợp tác cho Việt Nam.
PGS.TS Hoàng Thanh Vân bàn giao dự án với Viện trưởng Trịnh Hải Son và một số đại diện của Viện địa chất khoáng sản Việt Nam.
Với các dự án của Cơ quan Giáo dục Đài Loan, PGS.TS Hoàng Thanh Vân được nhận quỹ cho trợ giảng, đó cũng một nguồn vốn để chi trả lương cho các bạn là học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh của Việt Nam, tạo điều kiện cho các bạn ấy có thêm thu nhập bằng chính việc học tập và nghiên cứu trong trường.
Ngoài ra, chị Hoàng Thanh Vân hỗ trợ và hướng dẫn cho thế hệ di dân mới là các cô dâu Việt để họ có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới ở Đài Loan, và động viên họ đến trường Đại học, hay tiếp tục theo đuổi học vấn cao hơn.
Hàng năm tại các triển lãm giáo dục, chị Vân cũng hỗ trợ hai bên trong các hoạt động giới thiệu các chương trình học bổng. Từ đó, các em sinh viên Việt Nam được tiếp nhận nhiều thông tin hữu ích hơn.
Đặc biệt, dù sống ở Đài Loan nhưng PGS.TS Hoàng Thanh Vân cùng nhiều người bạn của mình luôn nỗ lực quảng bá văn hóa Việt Nam và dạy tiếng Việt Nam phổ cập tới cộng đồng tại đây.
- PGS. TS Hoàng Thanh Vân là biên tập viên Tạp chí quốc tế SCI của Thụy Sĩ (Journal of Atmosphere), chỉ số ảnh hưởng IF: 2.6.
- Chị đã công bố 23 bài báo SCI, SCI Tạp chí GIS, Viễn thám quốc tế, và bài báo Hội thảo quốc tế. Đã phản biện hơn 30 bài báo cho các tạp chí SCI, SCI cua GIS, Viễn thám uy tín, và Springer, Willey.
- Là chuyên gia trong lĩnh vực GIS, viễn thám, và kiêm nhiệm phiên dịch cho các cuộc họp dự án hợp tác cua Bộ TNMT Việt Nam với Cơ quan Bảo tồn đất và nước Đài Loan về thiên tai từ (2014 cho đến nay)
- 2015-2022: Là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm 24 dự án.
- 2019-2022: Đồng chủ trì dự án Cơ quan Khoa học Công nghệ Đài Loan cùng với Cơ quan bảo tồn Đất và Nước Đài Loan, dự án Bộ TNMT Việt Nam trạm quan trắc thiên tai theo thời gian thực (dự án khoảng 5 tỷ VND tài trợ hoàn toàn cho Việt Nam cả phần cứng và phần mềm, đã được lắp đặt và đang hoạt động tại Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai năm 2019).
- 2020-2022: Đồng chủ nhiệm dự án Quan trắc không khí của Cơ quan Bảo tồn Đài Loan, dự án Đài Loan tặng (cả phần cứng và phần mềm) cho Bộ TNMT Việt Nam (TT quan trắc miền Bắc) 105 trạm quan trắc không khí, lắp đặt cho 3 tỉnh miền Bắc (Hà Nội, Hà Nam và Nam Định).
- Dự án hàng năm (Từ 2014-nay): PGS.TS Hoàng Thanh Vân chủ trì dự án đưa sinh viên Đài Loan về Việt Nam dạy tiếng Trung miễn phí cho sinh viên các trường Việt Nam như Đại học Thái Nguyên (gồm có ĐH Sư Phạm, ĐH Công nghiệp, Trường ngoại ngữ), Đại học khoa học Tư nhiên HN, Đại học Giao thông.
- Giai đoạn bùng dịch covid, dự án của GS Vân tiếp tục dạy tiếng Trung online cho sinh viên và cán bộ một số trường ĐH Việt Nam (gồm có Đại học Khoa học Huế và Đh Khoa học Tự nhiên HN).