Theo 1 bài viết mới đây trên tạp chí Nature, các nhà khoa học tại Đại học Stanford đang tiến hành một nghiên cứu rất độc đáo: Chụp ảnh hậu môn của con người khi họ đi vệ sinh để qua đó kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe của họ.
Cụ thể, các nhà khoa học đã phát minh ra hệ thống theo dõi khả năng “xả nỗi buồn” của từng cá nhân cụ thể trong 1 thời gian nhất định. Toàn bộ dữ liệu thu về (chủ yếu là bằng hình ảnh) đều được lưu trữ cẩn thận bằng công nghệ điện toán đám mây, và đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu vì mục đích sức khỏe cộng đồng. Mặc dù thế giới đã đón nhận rất nhiều mẫu bồn cầu thông minh trong vài năm trở lại đây, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên một chiếc bệ xí lại có khả năng nhận diện và chụp ảnh “cửa hậu” của con người.
Từ việc đi vệ sinh, các nhà khoa học có thể đánh giá tình trạng sức khỏe của con người.
Chiếc toilet đặc biệt này có tên Precision Health Toilet, được trang bị đến 4 camera phục vụ cho các mục đích khác nhau: 1 chiếc chuyên chụp phân, 1 chiếc chụp hậu môn và 2 chiếc theo dõi dòng chảy của nước tiểu. Hệ thống camera sẽ giúp chiếc toilet phân tích chất lượng cũng như phân loại chất thải của con người.
Để tránh nhầm lẫn dữ liệu, Precision Health Toilet còn được tích hợp cả bộ nhận diện 2 lớp để có thể phân biệt được người sử dụng khác nhau và chất thải tương ứng của họ. Lớp nhận diện đầu tiên chính là cảm ứng vân tay được gắn trên cần gạt xả nước. Lớp thứ hai chính là chiếc camera chụp lỗ hậu môn nêu trên. Các nhà khoa học cho biết mục đích của công nghệ bảo mật này là tránh tình trạng nhầm lẫn, xáo trộn dữ liệu trong quá trình trải nghiệm của người dùng.
Giáo sư Seung-min Park, đồng tác giả của bài nghiên cứu độc đáo này cho biết: “Việc sử dụng chất thải và hậu môn của con người như 1 bộ nhận diện sinh trắc học không phải là đề tài quá mới. Từ thế kỷ trước, đại danh họa Salvador Dalí đã từng phát hiện ra trên mỗi lỗ hậu môn có khoảng 35 - 37 nếp nhăn khác nhau, độc đáo giống như vân tay vậy”.
Chiếc toilet đặc biệt này được trang bị hệ thống camera và lớp bảo mật cao cấp.
Điều quan trọng nhất trong bài nghiên cứu này là toàn bộ dữ liệu sẽ được gửi lên đám mây thay vì lưu trữ trong chiếc toilet. Giáo sư Park chia sẻ: “Toàn bộ những thông tin thu thập được ở dạng hình ảnh, video đều được chú thích rõ ràng, chi tiết theo từng người dùng cụ thể. Sau đó, chúng được lưu trữ trên đám mây thông qua kết nối không dây để các nhà khoa học có thể dễ dàng tải về và tiến hành nghiên cứu”.
Ngoài ra, giáo sư Park cũng nhấn mạnh quyền riêng tư của những người tham gia thử nghiệm là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong nghiên cứu này: “Chúng tôi luôn thận trọng với những dữ liệu thu được từ phía người dùng. Quá trình gửi hình ảnh, dữ liệu, thông tin nhạy cảm của họ đều được mã hóa end-to-end để đảm bảo tính bảo mật. Chúng tôi cũng đã sử dụng 1 thuật toán đặc biệt để phân loại dữ liệu ảnh hậu môn, có khả năng tự động xử lý dữ liệu mà không cần sự can thiệp của con người”. Ngoài ra, những hình ảnh của người dùng cũng được mã hóa và lưu trữ trong một thiết bị tuyệt đối an toàn.
Quy trình thu thập và truyền tải dữ liệu người dùng đều được mã hóa và bảo mật cẩn trọng.
Cuối cùng, giáo sư Park cho biết sự phát triển của Precision Health Toilet là bước đầu tiên trong quá trình nghiên cứu sức khỏe cộng đồng. Trong đó bao gồm việc chẩn đoán các chứng bệnh phổ biến như u xơ tiền liệt tuyến, hội chứng ruột kích thích và nhiễm trùng đường tiết niệu: “Chiếc bồn cầu đặc biệt này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu sức khỏe của con người. Nó có thể âm thầm quan sát và theo dõi người dùng mà không thực sự can thiệp hay gây ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của họ”.
Theo Mashable