Bộ Y tế Campuchia: Thông tin Thủ tướng Hun Sen nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) là tin giả

Hồng Anh | 17-02-2020 - 21:14 PM

(Tổ Quốc) - Bộ Y tế Campuchia ngày hôm nay (17/2) đã bác bỏ một "tin giả" cho rằng Thủ tướng Hun Sen đã nhiễm virus COVID-19, đồng thời đề nghị cảnh sát nước này xử lý kẻ tung tin giả.

Báo Khmer Times đưa tin, Bộ Y tế Campuchia ngày hôm nay (17/2) đã bác bỏ thông tin trên mạng xã hội cho rằng Thủ tướng Hun Sen đã nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) từ nữ hành khách cao tuổi người Mỹ trên du thuyền MS Westerdam.

Trước đó, một tài khoản có tên Neang Sokhun đã đăng tải một bài viết trên Facebook nói rằng ông Hun Sen đã nhiễm virus corona, sau khi giới chức Malaysia thông báo về trường hợp nữ hành khách nói trên có kết quả dương tính với COVID-19.

Trả lời các phóng viên trong buổi họp báo, phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia Or Vandine khẳng định: "Đó là tin giả. Chúng tôi đã đề nghị phía cảnh sát can thiệp xử lý trường hợp này".

Trong khi đó, các quan chức Bộ Y tế Campuchia ngày hôm nay đã tiến hành xét nghiệm lại các mẫu của 223 hành khách còn lại, để đảm bảo số hành khách này đều âm tính với COVID-19 và có thể trở về nhà, theo ông Mang Sineth, phó thống đốc tỉnh Preah Sihanouk.

"Các quan chức y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm từ các hành khách còn lại để đảm bảo họ có thể trở về nhà", ông Sineth nói. Được biết, các xét nghiệm sẽ được thực hiện tại Viện nghiên cứu Pasteur ở thủ đô Phnom Penh.

Trước khi cập bến tại Sihanoukville, du thuyền MS Westerdam chở 1.455 hành khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn đã bị 5 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á (Thái Lan, Nhật Bản, đảo Đài Loan, đảo Guam và Philippines) từ chối do lo ngại về sự lây lan của COVID-19.

Cuối cùng, Campuchia đã cho phép du thuyền này cập cảng vào ngày 6/2 vừa qua vì lý do nhân đạo, theo Khmer Times. Khi đó, các thực phẩm, nhu yếu phẩm trên du thuyền Westerdam đã gần cạn kiệt.

>> Xem thêm thông tin nóng về virus corona trên thế giới tại đây.

Bộ Y tế Campuchia: Thông tin Thủ tướng Hun Sen nhiễm virus corona chủng mới (COVID-19) là tin giả - Ảnh 3.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM