"Lúc đi làm thuê chỉ cần coi trọng 1 ông chủ, vì đó là người trả lương cho mình. Nhưng mở quán kinh doanh thì khác, tất cả những khách hàng đều sẽ là ông chủ nhỏ!" Đúc kết kinh nghiệm 2 năm bỏ phố về quê mở quán cafe, Hoàng Tú (1993, Thanh Hóa) cho biết, tự kinh doanh rồi mới biết đâu là khổ... "2 năm đó quả thực dậy cho mình rất nhiều bài học, có lẽ còn nhiều hơn cả 7 năm đi làm thuê gộp lại." Quá trình vực dậy sau đó của Tú cũng rất đáng ngưỡng mộ. Thất bát vì làm ăn riêng, nhưng 1 năm sau đó vẫn mua được căn gần 3 tỷ đồng. Có vay nợ, nhưng sự tính toán trong tài chính của anh bạn cũng có nhiều điều hay ho.
Cùng lắng nghe hành trình bỏ phố về quê, rồi lại từ quê ra phố của Hoàng Tú!
Mở quán cafe để "học làm chủ"
Trước đây mình có thuê nguyên miếng đất trống để mở 1 quán cafe nhà vườn. Nhưng cuối năm 2021 đã phải nhượng lại cho người khác làm.
Một số hình ảnh của quán cafe lúc đang hoạt động
Mình bắt đầu có ý định về quê mở quán là lúc nghỉ việc về tránh dịch. Thời điểm đó, mấy anh em chơi cùng với nhau lên kế hoạch mở 1 quán nước nhỏ nhỏ, phong cách hoài cổ 1 chút để kinh doanh, sau này sẽ thuê người quản lý hộ nếu có muốn đi xa. Ý định của tụi mình không hẳn là tập trung hết nguồn lực vào cafe, mà chỉ đơn giản là mở 1 mô hình kinh doanh để thử làm chủ. Cũng coi như trong thời gian dịch dã có cái để rèn luyện. Nếu thành công, sẽ là 1 chốn tìm về, kiếm được thêm tiền. Nếu thất bại, thì được học hỏi và hiểu được những khó khăn nếu làm chủ.
Mô hình dự án ban đầu tụi mình nhắm đến là dài hạn, không chỉ đơn giản là kinh doanh cafe đơn thuần nên khá khó khăn trong việc tìm định hướng cho quán. Lúc đó, trông ai cũng rất tâm huyết, cảm giác máu sục sôi trong người vì được làm việc mà mình đam mê. Cuối cùng, sau biết bao nhiêu chầu cafe mất tiền, tụi mình quyết định đi theo hướng vừa mở quán nước, vừa nhận tổ chức sự kiện. Một số sự kiện được tổ chức khá thành công có thể kể đến như: tiệc nướng của đại gia đình, tiệc tối chụp kỷ yếu của học sinh cấp 3, chụp ảnh cưới,... Rất nhiều người trẻ lựa chọn quán vì vừa có sự riêng tư nhất định, vừa có không gian mở:
Vốn mở quán được tối ưu hóa bằng "sức người", tức là cái gì có thể tự làm tụi mình đều làm hết. Mình là dân học thiết kế, nhà cũng có mở 1 xưởng gỗ nữa, nên toàn bộ đồ đạc sử dụng chất liệu gỗ trong quán đều do tự tay mày mò. Tiết kiệm được 1 khoản đáng kể phần công thuê, tiền gỗ, thay vào đó là tốn kém thời gian. Đổi lại thì những sản phẩm mình tự làm ra đều cảm thấy ưng ý. Khoản chi phí cần đầu tư nhiều nhất có lẽ là mặt bằng. Vì làm ở khu rừng thông, ven biển, nên để ký được với chủ đất thực sự rất khó. Mình đã phải chi ra hơn 300 triệu đồng để ký hợp đồng trong nửa năm, cao hơn so với giá mà bên khác đưa ra. 1 tháng tốn khoảng 50 triệu tiền mặt bằng.
“Bỏ phố về quê” thất bại, nhưng lý do lớn nhất không phải là tiền
Làm được hơn 2 năm thì mọi thứ bắt đầu vào guồng quay rệu rã. Không phải quán kinh doanh không được, mà do nội bộ bắt đầu phát sinh vấn đề. Như đã kể, mình gom vốn cùng mấy anh em, nhưng chỉ được giai đoạn đầu là ổn. Về sau mỗi người đều bắt đầu có cái khó riêng, nên không thể làm cùng nhau nữa. Vốn cũng rút về, nên mình bỏ thêm tiền vào để giữ lại được quán.
Cái khó ở đây không phải là không có tiền, mà là không có sức để làm thêm. Quán cafe có rất nhiều việc, nên nếu 1 người làm chủ quả thực là không kham nổi. Công việc chính của mình là thiết kế, thời điểm mở quán cafe mình không làm giờ hành chính nữa, bỏ việc về quê để làm online. Cũng phải kiếm tiền mới duy trì được quán chứ. Thế nên, lúc nội bộ có vấn đề mình không thể phân thân để giải quyết vì vẫn còn những dự án thiết kế riêng cần hoàn thiện.
Thế là, mình thuê thêm 1 người khác về để quản lý quán, và giao gần như toàn quyền để bạn đó hỗ trợ linh động nhất. 1 tuần ra thăm quán 1 lần và kiểm tra đồ đạc, sổ sách. Nhưng khó khăn là tụi mình không có chung định hướng dẫn đến quán hoạt động không theo ý, càng để lâu càng kém phát triển. Rồi cứ loay hoay 1 mình với công việc của quán, vừa phải xử lý dự án ngoài. Không có đội nhóm cùng kéo tinh thần nhau lên, nên cuối cùng mình phải từ bỏ quán. Vì thứ kiếm ra tiền bây giờ là các dự án, chứ không phải quán cafe.
Thời điểm cố gắng giữ lại quán, mình cũng gặp 1 số vấn đề về tài chính. Có vay mượn thêm người thân, bạn bè để bù lỗ. Nhưng nó không phải lý do sang nhượng quán, mà chỉ vì bản thân không thể kham nổi quá nhiều việc nữa.
Áp lực vì làm chủ thất bại, vay tiền mua nhà để có động lực… làm lại từ đầu
Lúc từ bỏ quán, mình lại quay trở lại làm việc hành chính, cũng nhận thêm nhiều dự án ngoài để bù lỗ nhanh nhất. Bố mẹ thấy mình nhượng quán thì cũng không nói gì, chỉ khuyên bảo là thất bại ở đâu thì làm lại ở đó. Vì lúc mở quán, bố mẹ là người chứng kiến mình cố gắng đến thế nào. Dù lỗ, phải vay tiền gia đình để bù vào, nhưng chưa 1 lần thấy bố mẹ phàn nàn gì cả. Sau khoảng 1 năm, lúc mình quyết định vay nợ mua nhà thì bố mẹ lại là người ngăn cản đầu tiên. Lý do vì sợ mình quá sức. Mua trả góp căn nhà 3 tỷ không phải là con số nhỏ. Nhưng mình quyết mua cho bằng được.
Nói ra vì sao thì có lẽ mọi người sẽ bảo mình nông nổi. Quả thực, mình muốn có 1 khoản nợ, để thúc bản thân dậy. Khoảng thời gian đóng quán, nói ra thì nhẹ nhàng nhưng mình rất áp lực. Phải nói là khủng khiếp. Lúc đó, những chuyện xấu đến 1 cách ồ ập: công việc, gia đình, tình cảm,... khiến mình thức trắng cả tháng trời chỉ để tìm cách giải quyết. Nó khiến mình mất đi ý chí bắt đầu lại. Vậy nên, đầu năm 2022 mình đã mua nhà. Có lẽ là quyết định lớn nhất trong suốt 30 năm cuộc đời. Mình cũng sắp lập gia đình, nên 1 mái ấm sẽ giúp bản thân được tiếp thêm động lực.
Hiện trạng căn nhà lúc sắp hoàn thiện những bước thi công nội thất cuối cùng
Căn nhà này mình vay trả góp 70%, số tiền còn lại là tất cả những gì mình xoay xở được: nhượng quán cafe, rút hết tiền tiết kiệm (khoản tiền mà mình nghĩ có lẽ sẽ chỉ dùng khi về già), vay thêm anh ruột 1 ít. Với mình, đây là quyết định đúng đắn nhất thời điểm này, vì nó giúp mình suy nghĩ tích cực hơn, có động lực mỗi sáng dậy đi làm. Nhưng 1 suy nghĩ luôn có trong đầu mình: "Kiểu gì cũng phải làm tiếp quán cafe cho ra trò!". Giờ quay lại đi làm thuê, nhưng đúng ra là mình dành thời gian để thu lượm thêm những cái hay ở bên ngoài xã hội. Và khi quay trở lại với giấc mơ làm chủ, mình sẽ cố gắng tích lũy, cả tiền bạc và kinh nghiệm, để sau này có thể tập trung 100% sức mình vào sự nghiệp kinh doanh.