Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày

Hương Nguyễn | 30-09-2020 - 13:13 PM

(Tổ Quốc) - Chàng trai sinh năm 1995 Nguyễn Thanh Huy hiện đang là chủ cơ sở chuyên bán tôm hùm tại TP Hồ Chí Minh. Anh Huy khoe, mình là người đầu tiên đưa tôm hùm ra vỉa hè, tiếp cận với đại đa số mọi người.

Từ bỏ công việc tại sân bay để đi bán tôm hùm bất chấp áp lực từ gia đình

Khi làm việc tại bộ phận lễ tân trong phòng chờ thương gia của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, thu nhập của anh đạt con số bao nhiêu?

Công việc lễ tân trong phòng chờ thương gia là một công việc đầy khó khăn và thử thách với tôi. Tôi cũng đã phấn đấu rất nhiều từ nhân viên phục vụ để lên được vị trí này.

Tôi phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc như đón tiếp khách, nhận và kiểm tra thông tin hành khách trước khi vào phòng chờ, đọc phát thanh khi có thay đổi về chuyến bay, thông báo boarding cho khách, kết sổ… rất nhiều việc phải cùng làm tại một thời điểm và chịu khá là nhiều trách nhiệm.

Tại thời điểm tôi còn ở sân bay, làm tính cả lương thưởng cả năm thì trung bình mức lương nhận được là từ 20 - 23 triệu/ tháng.

Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Thanh Huy khi còn làm tại Sân bay Tân Sơn Nhất

Nguyên nhân lớn nhất khiến tôi quyết định nghỉ việc ở sân bay là vì tính chất công việc ở đây gây cho tôi sự nhàm chán vì lặp đi lặp lại mỗi ngày. Tôi cảm thấy nếu có tiếp tục thì về lâu dài cũng không được phát triển và phát huy năng lực.

Lý do tiếp theo là vì giờ giấc làm việc trong sân bay khá là khắc nghiệt, đi sớm về khuya là chuyện bình thường. Về nhà chỉ muốn lăn ra ngủ mà không thể làm được việc gì khác.

Nghỉ việc ở sân bay với tôi là quyết định đúng đắn nhất, không có gì để mà hối hận.

Từ bỏ một công việc ổn định, có thu nhập cao để đi bán tôm, anh phải đối mặt với những gì?

Đầu tiên là áp lực từ gia đình và người thân. Ở quê mình, nghe nói có ai đó làm trong sân bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất là hãnh diện lắm. Và đó là công việc mơ ước của nhiều người vì môi trường làm việc chuyên nghiệp và mức lương ổn định.

Gần như tôi không dám cho gia đình biết là mình đã nghỉ việc. Tôi cứ đi đi về về và vờ như vẫn còn đi làm ở sân bay. Sợ bị chê trách, bị la lắm và sợ gia đình lo lắng cho tôi.

Thứ 2, trước lúc tôi mở cửa hàng bán tôm hùm đường phố thì cả Việt Nam chưa ai dám làm việc này. Tôi cũng lo không biết con đường mình đi có đúng hay không? Liệu có ai chấp nhận bỏ tiền ra để mua sản phẩm cao cấp như vậy ở lề đường không?

Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 2.

Thứ 3, chuyên ngành của tôi là Quản trị khách sạn – nhà hàng. Gần như tôi không có kinh nghiệm hoặc kiến thức trong kinh doanh. Cũng không biết hoạch định chiến lược, marketting ra sao…?

Thứ 4, tiền vốn của tôi có hạn thôi. Trong thời gian làm ở sân bay, tôi ăn chơi khá nhiều và nghỉ việc cũng không có kế hoạch cụ thể. Thích nghỉ thì nghỉ ngay nên không để dành được nhiều tiền để dự trù cho kinh doanh.

Khi nghỉ việc rồi thì thu nhập của tôi gần như không còn. Lúc này chỉ phụ thuộc vào việc bán tôm hùm.

Như anh đã chia sẻ trước đó, anh bỏ việc hàng không vì tính chất lặp đi lặp lại mỗi ngày. Vậy anh kỳ vọng một công việc như thế nào?

Tôi kỳ vọng công việc tiếp theo sau khi nghỉ việc hàng không là có thể có cơ hội được thể hiện bản thân mình, có thể được đóng góp ý kiến một cách thoải mái, có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Đặc biệt nhất là phải có nơi để mình có thể bộc lộ tài năng, phát huy hết sở trường của mình.

Tôi cũng nghĩ bản thân mình đã đi làm vì tiền cũng khá lâu rồi nên đã đến lúc muốn có một công việc để theo đuổi điểm mạnh và đam mê của bản thân.

Để ai cũng được ăn tôm hùm

Tại sao anh lại chọn kinh doanh tôm hùm mà không phải là thứ khác?

Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ mình có duyên với mấy con tôm hùm này. Tại tuổi thơ cơ cực với nó quá. Nhà tôi nuôi tôm hùm từ hồi bé tí nên sáng nào cũng 4h sáng phải dậy phụ gia đình làm mồi cho tôm ăn.

Sáng nào cũng ra biển phụ ba lăn tôm. Sáng nào cũng dầm nắng dãi mưa ra biển. Tóc không cần nhuộm vẫn vàng hoe.

Chiều chiều, ba mẹ gọi: "Quậy... Quậy... đi đập lồng lẹ lên!" (Quậy là tên ở nhà của tôi). Nghĩ lại cảnh đi đập lồng là bây giờ vẫn còn sởn gái ốc, ớn lạnh và thật sự ám ảnh. Nhưng dù sao cũng là 1 kỷ niệm đẹp và tuổi thơ có ý nghĩa.

Chưa kể tối tối, tự tôi chạy ghe (tàu, thuyền nhỏ) ra bè để trông coi mấy con tôm. Kiểu 1 mình lạc giữa đảo hoang vậy. Xung quanh tối thui không ánh đèn. Gió mưa cũng phải chịu. Mấy hôm sóng đánh vô cả chổ ngủ, ướt nhem ướt nhẹp cả người. Rồi nằm co ro tới sáng chạy ghe vô nhà xách cặp đi học.

Bởi vậy, hồi đó thề với lòng là sẽ không bao giờ nối nghiệp gia đình, không bao giờ liên quan tới tụi tôm hùm nữa.

Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 3.

Nên việc được tới Sài Gòn học là xác định làm gì cũng được miễn là tránh xa mấy con tôm này. Ai ngờ đâu vào một ngày đẹp trời về quê chơi với bạn rồi ăn tôm hùm, ăn hải sản rồi thấy sao ngon quá, rẻ quá, thế là tôi quyết định mang tôm tới Sài Gòn bán luôn.

Sau chuyến ăn chơi quay lại Sài Gòn là tôi bán tôm. Nào ngờ mọi người ủng hộ rất nhiều.

Vì uy tín, vì chất lượng vì giá bán nên miệng truyền miệng. Tiếng lành đồn xa thế là bán buôn cũng ngót gần 2 năm.

Vừa đi làm sân bay vừa bán tôm hùm online. Xong thấy ngán cảnh đi làm sớm về khuya quá nên tôi quyết định nghỉ luôn làm sân bay để tập trung bán tôm hùm.

Anh có nghĩ đến rủi ro gì khi đi kinh doanh tôm như vậy? Anh có chuẩn bị một "con đường lùi" nếu việc kinh doanh không ổn không?

Tôi quyết định nghỉ việc vào ngày 28 tết năm 2018. Còn nhớ như in cái ngày "last day" đó ở chỗ làm. Tôi chỉ muốn có một năm ăn tết trọn vẹn cùng gia đình vì trước nay tôi đã tập trung lo làm việc nên từ lúc vào Sài Gòn đến thời điểm đó chỉ về nhà sau Tết.

Việc nghỉ việc của tôi bồng bột lắm, không có kế hoạch sau đó nên chỉ biết nghỉ và nghỉ vậy thôi.

Ăn Tết xong tôi vào lại Sài Gòn để giả vờ đi làm, khi đó tôi còn chưa nghĩ ra được là sẽ làm công việc gì và ý định bán tôm hùm chỉ loé lên trong đầu khi mình chiêm nghiệm lại tất cả và phản hồi của khách tốt ra sao khi tôi còn bán tôm hùm online. Thế là từ đó tôi quyết định bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng kinh doanh tôm hùm.

Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 4.

Tội không có kế hoạch gì cho việc thất bại, khi đó tôi chỉ biết cứ làm hết sức mình tới đâu hay tới đó. Đến ngày khai trương, đó là ngày tôi cảm thấy áp lực nhiều nhất. Từ sáng tới chiều không có khách ghé, không một cuộc gọi, lúc đó mới nghĩ tới việc nếu thất bại chắc phải kiếm công việc gì đó khác làm thôi. Nhưng cũng chưa biết công việc gì?

Tính ra tôi liều quá nhỉ? (cười).

Cửa hàng của anh chỉ bán mỗi tôm hùm luộc mà không phải nhiều món chế biến kiểu khác? Liệu đây có phải là chiến lược kinh doanh của anh hay riêng anh có công thức chế biến độc lạ?

Tôi còn non và xanh lắm. Lúc đó không nghĩ ra chiến lược kinh doanh hay gì đó khác đâu. Gọi là làm theo cảm tính thôi.

Tôi chỉ muốn đó là cách chế biến ngon nhất đối với tôm hùm và đó là cách dễ tiếp cận mọi người nhất và đó cũng là cách tối ưu chi phí nhất so với số vốn của tôi.

Hiện tại, cửa hàng tôi có 3 loại nước sốt đặc chế, đây là công sức của anh Lâm đầu bếp của nhà hàng đã mày mò nghiên cứu với yêu cầu làm sao để tạo sự khác biệt, làm sao để ai cũng ăn được cho dù là trẻ con.

Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 5.
Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 6.
Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 7.

Hiện tại, tôm hùm không còn là món ăn độc lạ ở Sài gòn cũng như Việt Nam, anh có "bí kíp" kinh doanh nào khác lạ để có thể trụ vững được?

Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam đưa tôm hùm ra đường phố và đưa nó tiếp cận với đại đa số mọi người. Sau đó thì tôm hùm bắt đầu nở rộ khắp mọi nẻo đường. Và ai cũng bắt đầu nhắc về tôm hùm.

Có thể tới thời điểm này tôm hùm không còn là món ăn độc lạ ở Việt Nam. Nhưng với tôi nó vẫn là một thương phẩm mang nét đặc trưng người Cam Ranh quê tôi và là niềm tự hào của người Việt.

Trong tương lai, tôi vẫn rất là muốn đưa tôm hùm đến nhiều nơi hơn nữa. Có thể là đến với du khách quốc tế.

Vì mong muốn "Để ai cũng được ăn tôm hùm" nên tôi cũng đã chuẩn bị rất nhiều kế hoạch cho việc này.

Tôi cũng đã đi nhiều nơi, tham khảo nhiều nền ẩm thực để làm cho việc chế biến tôm hùm thêm độc đáo hơn. Sắp tới tôi sẽ có thêm một cửa hàng chuyên chế biến tôm hùm theo cách độc lạ cho khách. Và phong cách của cửa hàng mới và những món ăn sẽ chẳng giống ai trước đây.

Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 8.

Từ khi khởi nghiệp tới hiện tại, thu nhập từ công việc bán tôm hùm của anh có ổn không?

Kinh doanh từ đầu đã là công việc bấp bênh rồi. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng thu nhập của tôi vẫn đủ để trang trải cho cuộc sống và đầu tư thêm vào cửa hàng.

Những tháng dịch bệnh vừa qua cũng ảnh hưởng đến tôi khá nhiều. Giảm gần như 50% khách hàng. Đây là thời điểm khó khăn thật sự, tôi phải cố gồng gánh và bù vào chi phí chi cho cửa hàng cũng hơi nhiều.

Anh đã chia sẻ trước đó, có ngày thu về được khoảng 50 triệu đồng, vậy đây đã bao gồm các khoản gì hay là tiền lãi? Trung bình mỗi ngày anh bán được bao nhiêu kg tôm hùm?

Khi tôi là người duy nhất mở mô hình kinh doanh tôm vỉa hè, thời điểm đó tôi bán hơn 100kg/ngày, (những ngày cuối tuần), còn trong tuần cũng đều đều 40 - 50kg.

Nhưng sau đó thì kinh doanh tôm hùm bắt đầu nở rộ khắp nơi. Người người, nhà nhà bán tôm hùm nên lúc này doanh số cửa hàng cũng bị giảm rất nhiều. Trung bình lúc đó mỗi ngày chỉ bán được 15 - 20kg.

Tới thời điểm này mọi thứ đã dần ổn định trở lại, tôi có thể bán được tầm 25 - 30kg mỗi ngày. Không nhiều nhưng đủ với bản thân vì cái tôi muốn là bán chất lượng hơn là số lượng.

Số tiền 50 triệu đồng doanh thu một ngày, đây là con số đáng mơ ước so với một cửa hàng nhỏ như tôi. Đây cũng là thời điểm đỉnh cao của cửa hàng trước khi kinh doanh tôm hùm mọc ra như nấm.

Bỏ việc nghìn đô/tháng tại sân bay để đi bán tôm hùm vỉa hè, chàng trai khoe từng thu về 50 triệu/ngày - Ảnh 9.

Hiện tại có rất nhiều người cũng có ý định muốn kinh doanh hải sản tươi sống anh có lời khuyên gì tới họ không?

Kinh doanh hải sản theo tôi nghĩ là vô cùng khó khăn vì thị trường khốc liệt. Cửa hàng hải sản bây giờ mọc lên như nấm sau mưa và nó không còn chui vào hẻm hóc như xưa nữa.

Bây giờ rất nhiều cửa hàng hải sản được mở ra ở mặt tiền đường, ngã 3 ngã 4 toàn những vị trí đắc địa. Chưa kể, hải sản là sản phẩm đòi hỏi người kinh doanh phải có kinh nghiệm nuôi và bảo quản thật tốt.

Nếu thiếu kiến thức, hậu quả rất khôn lường. Hải sản không thể tồn kho lâu ngày vì sẽ làm yếu hải sản, làm giảm chất lượng. Có thể hao hụt sản phẩm rất nhiều. Tôi sẽ đưa ra một chút lời khuyên như sau:

Thứ nhất: Để làm tốt bất cứ việc gì, yếu tố đầu tiên là "đam mê". Bởi vì chỉ có thật sự đam mê bạn mới làm cho mình cố gắng mỗi ngày. Chỉ có đam mê mới làm bạn không gục ngã trước khó khăn. Đam mê sẽ khiến bạn tự tìm tòi học hỏi để phát triển bản thân và sản phẩm của bạn.

Thứ hai: Để khởi sự công việc kinh doanh hải sản thì bạn cần phải có bản sắc riêng của mình. Đừng làm theo kiểu truyền thống hay làm giống người khác nữa. Hãy tạo ra nét độc đáo, mới lạ trong mô hình kinh doanh hải sản của mình.

Thứ ba: Hãy tập trung vào chất lượng. Tạo ra giá trị và mọi thứ sẽ tự đến. Khách hàng sẽ tự tìm đến bạn.

Thứ tư: Đưa ra chiến lược thật cụ thể - Bán hải sản gì? - Phân khúc khách hàng ra sao? - Lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp - Cộng sự, nhân viên của bạn thế nào? - Chiến lược marketing ra sao?....

Thứ năm: Hãy tự đặt và trả lời những câu hỏi để tránh khỏi những rủi ro không đáng có. Càng đưa ra được nhiều câu hỏi bạn càng hiểu thị trường, càng đỡ mắc sai lầm và bạn cũng sẽ hiểu rõ những thứ mà mình sắp đối mặt. Càng trả lời được nhiều câu hỏi thì chứng tỏ bạn có cách khắc phục và xử lý những khó khăn sắp tới của mình.

Cuối cùng: Tồn hàng là yếu tố lớn nhất của kinh doanh hải sản. Hãy kiếm đầu ra cho sản phẩm của bạn. Càng nhiều càng tốt. Hãy triển khai nhiều kênh bán hàng để bán được nhiều sản phẩm mỗi ngày. Hãy kiếm cách giải quyết vấn đề tồn kho.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.