Sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân
Chiều 3/3, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận sự nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ của cả hệ thống trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, số người lây nhiễm tăng chóng mặt, có khi ngày hôm sau tăng gấp đôi ngày hôm trước.
"Dịch lan ra nhiều nước, trong đó có những nước là địa bàn thị trường truyền thống và là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu...", ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dịch Covid-9 đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch…
"Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh", ông Dũng nói.
Nói về việc phòng chống dịch Covid-19, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh phải kiên quyết áp dụng cách ly tập trung, không để lây lan dịch từ bên ngoài vào.
"Nếu để một ca nhiễm bệnh vào Việt Nam và để xảy ra lây chéo thì sẽ rất khó kiểm soát", ông Dũng nói.
Người phát ngôn Chính phủ neu rõ, tại phiên họp, Chính phủ thống nhất kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.
Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương "tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra".
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận chỉ thị của Thủ tướng về giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với Covid-19; tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư công; vốn, tài chính, thanh toán điện tử...
Cách ly là biện pháp cực kỳ quan trọng để phòng chống dịch Covid-19
Trả lời câu hỏi về giải pháp ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh đã có thành công bước đầu và đã có nhiều bài học.
Ông nói, hiện, dịch bệnh đã lan ra 70 quốc gia và vùng lãnh thổ và Việt Nam đều có các kịch bản để sẵn sàng ứng phó.
Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn ví dụ khi dịch lan ra ở Hàn Quốc, chúng ta đã áp dụng biện pháp phù hợp như yêu cầu tất cả hành khách vào Việt Nam phải khai báo y tế để giám sát.
Sau đó, chúng ta làm việc với hàn Quốc về việc dừng miễn thị thực đối với du khách và tiếp theo, tiến hành cách ly tất cả hành khách đi qua, đến từ vùng dịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ định 3 sân bay đón khách về từ vùng dịch sân bay Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ, dừng đón khách hàn Quốc ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất...
Về hiệu quả việc cách ly, ông Long nhấn mạnh trong phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng như phòng, chống dịch Covid-19 thì cách ly là cực kỳ quan trọng, giúp không lan rộng dịch vào Việt Nam và không lây lan trong cộng đồng.
Ông dẫn lại bài học cách ly ở Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trong 21 ngày qua đã giúp không phát sinh ca bệnh mới. "Chúng ta đã thực hiện rất hiệu quả", ông Long nhận định.
Về khả năng cách ly, hệ thống quân đội có trên 60 điểm với khoảng hơn 30.000 chỗ cách ly ở tất cả các doanh trại quân đội, trường quân sự...
Hiện chúng ta điều phối cách ly ở các địa phương và đã có hơn 10.000 người đang được cách ly, vẫn có thể cách ly được thêm lượng người nữa...
Thứ trưởng Bộ Y tế nêu thêm, đã tính đến phương án giảm lượng cách ly ở mỗi địa điểm này bằng các hình thức: Giám sát về mặt y tế, phát thêm phiếu hỏi… làm sao để chứng minh người đó không đi qua vùng dịch.
Bên cạnh đó, làm việc với gia đình, chính quyền địa phương, với đối tượng không đi qua vùng dịch thì thực hiện cách ly tại nhà để giảm việc cách ly tại các trung tâm, tránh quá tải tại các trung tâm cách ly tập trung.
"Tới đây chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp này nếu ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào đó có tình hình diễn biến dịch tăng nhanh, có dấu hiệu lan ra cộng đồng, tránh dịch lan vào Việt Nam", ông Long nói thêm.