Cụ thể, một trong những nhóm đối tượng quan trọng trong chuyển đổi số đó là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%.
Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, khoảng 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng tiêu cực. Nỗi đau hiện nay của doanh nghiệp nhỏ và vừa là không có thị trường đầu ra, thị trường truyền thống thì bị thu hẹp lại do giãn cách xã hội, sự phụ thuộc vào các bên trung gian, đồng thời các doanh nghiệp vẫn phải duy trì chi phí hoạt động, dẫn đến doanh thu sụt giảm khoảng trên 50%.
Số lượng doanh nghiệp nhỏ tạm dừng hoạt động vào khoảng trên 24%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm khoảng 15%. Theo đó, khoảng 47% doanh nghiệp coi chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết, tuy nhiên vẫn còn lạ lẫm và chưa biết bắt đầu từ đâu.
Nền tảng số chính là chìa khoá để giải quyết các bài toán số đó. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, tập hợp và đánh giá, lựa chọn, công bố những nền tảng số Make in Vietnam đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bô Thông tin và Truyền thông, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các nền tảng công nghệ xuất sắc Make in Vietnam đã được công bố.
Tại đây, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa nhận định, với mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2021, Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì phối hợp cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số và các nền tảng chuyển đổi số xuất sắc Make in Vietnam.
Theo đó, chương trình sẽ được triển khai xuyên suốt trong năm 2021 một các bài bản, có đánh giá hàng tháng, hàng quý để rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp. Để kích hoạt sáng kiến, dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin Truyền thông, các nền tảng số xuất sắc Make in Vietnam tuyên bố chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số như sau:
Chính sách ưu đãi tối thiểu bao gồm 3 điều chỉnh: miễn phí, trải nghiệm sử dụng nền tảng trong 3 tháng. Nếu ký hợp đồng sử dụng 1 năm thì được miễn phí sử dụng 6 tháng. Miễn phí các khoá đào tạo, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng nền tảng chính sách ưu đãi sẽ bổ sung, tuỳ thuộc vào đặc thù của mỗi nền tảng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa Nhà sáng lập BizFly.
Danh sách 12 nền tảng số xuất sắc Make in Vietnam đầu tiên được ứng dụng toàn bộ các nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phép doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, các tiếp cận để tạo ra những giá trị mới.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng nền tảng để thực hiện chuyển đổi số toàn diện các nhóm nhiệm vụ của mình. Cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ được hỗ trợ bao gồm: Kế toán, quảng cáo tiếp thị, phân phối, thanh toán và chăm sóc khách hàng.
Trong đó, doanh nghiệp là nhà hàng, khách sạn, địa điểm vui chơi là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra. Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh nhấn mạnh, BizFly là một trong những nền tảng cung cấp những giải pháp chuyển đổi số trong Marketing và bán hàng hiệu quả cho các doanh nghiệp này.
Cụ thể, nền tảng BizFly cung cấp dưới dạng bộ dịch vụ giải pháp, đáp ứng các nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh doanh hay mở rộng kênh marketing và bán hàng lên môi trường số một cách hiệu quả.
Đặc biệt, đây cũng là nền tảng nằm trong danh sách các nền tảng xuất sắc Make in Vietnam do Bộ Thông tin Truyền thông lựa chọn.
Ngoài ra, danh sách các nền tảng xuất sắc Make in Vietnam tham gia sẽ liên tục được cập nhật, doanh nghiệp nhỏ là vừa có thể tìm hiểu, đăng ký và tham gia. Với việc kích hoạt sáng kiến này, Bộ Thông tin Truyền thông đặt mục tiêu trong năm 2021, sẽ có 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chương trình, trong đó tối thiểu 30.000 doanh nghiệp sẽ được trải nghiệm miễn phí các nền tảng.