Bộ Quốc phòng cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung:
“Hiện nay việc tuyển thanh niên đi nghĩa vụ quân sự gặp nhiều khó khăn, lực lượng thanh niên sẵn sàng nhập ngũ và tự nguyện nhập ngũ không nhiều vì lý do như đi xuất khẩu lao động, sức khỏe không đảm bảo, nhập học... đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng tuyển quân hàng năm.
Cử tri đề nghị xem xét trình sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự để phù hợp với thực tiễn, theo đó cần mở rộng đối tượng nhập ngũ, như học sinh sau khi học xong THPT không tham gia học các trường đại học, cao đẳng hoặc sau khi học xong chương trình đại học, cao đẳng cần phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đồng thời cần sửa đổi tiêu chuẩn về khám tuyển nhập ngũ để phù hợp với tình hình thực tiễn; nâng phụ cấp đối với tân binh nhập ngũ sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ có khoản kinh phí để tháo gỡ khó khăn và có chế tài xử lý những đối tượng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:
Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về NVQS. Sau hơn 7 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị. Thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, hằng năm công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ để bổ sung quân số cho các đơn vị thường trực và thay quân theo luật định, tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao; góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Qua sơ kết, nghiên cứu, rà soát 6 năm thực hiện Luật NVQS năm 2015 giai đoạn 2016 - 2021 của các địa phương, đơn vị và Bộ Quốc phòng; thực tiễn, quá trình triển khai thực hiện đã có những khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề về tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại Điều 41 có nội dung chưa được cụ thể, thiếu chi tiết, dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện xét duyệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ ở địa phương; chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân quy định tại Điều 49, Điều 50 đã được các cấp, các ngành quan tâm.
Tuy nhiên, so sánh với thu nhập chung của người lao động và mặt bằng của đời sống của toàn xã hội chưa bảo đảm công bằng so với các đối tượng tương đương, nhất là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người lao động tại các khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài; mức trợ cấp xuất ngũ thấp, trong khi công dân nhập ngũ phải gác lại việc học tập, lao động sản xuất, hôn nhân gia đình trong khoảng thời gian trước, trong và sau khi nhập ngũ.
Bộ Quốc phòng tiếp thu, nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 theo chương trình soạn thảo Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực NVQS bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.