Bắt đầu từ một mảnh đất trên đỉnh núi thôn Sơn Đồng (Chương Mỹ) với tổng diện tích sử dụng lên tới 3000m2, gia đình chị Nhàn Đặng (Hà Nội) đã quyết định trùng tu lại vừa để ở khi rảnh rỗi hoặc cuối tuần, vừa kết hợp kinh doanh mô hình homestay.
Chia sẻ về hành trình bỏ phố về núi để cải tạo nhà, Thanh Nhàn cho biết: "Ban đầu chú ruột chồng mình là người mua đất vào năm 2005, trực tiếp là người quy hoạch và xây dựng căn nhà sàn để gia đình chú sinh sống cố định. Sau đó thì có thêm bố mẹ và gia đình mình làm căn nhà ba gian để cuối tuần cả nhà lên chơi, tìm kiếm chút thảnh thơi khi rời phố.
Tuy nhiên, chú cũng đã có tuổi, lại vướng bận con cái. Gia đình mình thì trẻ nên còn phải làm việc, các bé học hành, việc về đây mỗi cuối tuần cũng không thể duy trì. Cứ thế nên khoảng thời gian ở nhà trên núi ngắt quãng. Từ năm 2011 - 2017, nhà để không và chỉ có 1 chú quản gia người địa phương trông nom. Đến 2018, vợ chồng mình mới quyết định cải tạo lại khu nhà trên núi này để nghỉ ngơi những ngày cuối tuần và đón tiếp bạn bè".
Căn nhà trên núi của Thanh Nhàn sau khi được trùng tu
Quá trình cải tạo nhà trên núi: Mất 6 tháng hoàn thiện, đập đi xây lại nhiều chỗ
Đầu tiên là vị trí khu đất. Nằm trên đỉnh núi thôn Sơn Đồng, trong xóm núi đường thôn loanh quanh chỉ xe nhỏ đi được nên ở đây vẫn còn rất nguyên sơ. "Cả làng và nhà mình đều được bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ đủ loại sấu, trám xanh, trám đen, bồ kết, hồng xiêm, hồng bì... nhất là hàng trúc Lành Canh đã gần 20 năm tuổi. Nên ở khâu ý tưởng tụi mình đã lựa chọn concept decor phong cách Nhật Bản một chút: Tối giản, gọn gàng, ngăn nắp nhưng thiên nhiên ngập tràn với ao cá vườn cây".
Toàn cảnh nhà trước khi cải tạo, khá cũ vì bị bỏ hoang lâu năm
Tiếp theo là hệ thống nước và không khí. Theo chia sẻ của chị Nhàn thì: "Mạch nước núi do hệ cây lớn giữ trong lòng đất dồi dào. Đặc biệt đến mức khi mình mời các sư phụ ở Nhật về đánh giá thì họ đều nói rất ngọt, tốt đến mức mà cây trái trồng lúc nào cũng sai từ gốc đến ngọn, cho trái rất non và cảm giác tươi mát".
Ý tưởng cải tạo nhà trên núi được bắt đầu vào năm 2018
"Vì không phải KTS chuyên nghiệp, cũng chẳng phải dân xây dựng thiết kế gì nhưng do tính chất công việc mình đang làm thiên về bất động sản nghỉ dưỡng, vận hành các khu resort và homestay trên núi,... nên kinh nghiệm cũng được tích luỹ dần.
Mình cứ làm sao cho vừa mắt nhìn, đúng nhu cầu thì làm thôi. Quan điểm ban đầu tụi mình đặt ra: Cứ là thiên nhiên và tự nhiên là đẹp sẵn rồi, càng tối ưu được nguyên bản thiên nhiên thì sẽ càng đẹp, không can thiệp quá thô bạo. Nghệ gì thì nghệ đến khi sử dụng là phải tiện nghi, tỉ mỉ từng tí một", Nhàn Đặng chia sẻ về ý tưởng trùng tu khu nhà trên núi của mình.
Quá trình trùng tu cả 2 căn nhà (nhà sàn và nhà ba gian) hết gần 6 tháng vì sau hơn 5 năm không sử dụng nhà hoang hoá và thủng mục hết mái và sàn, chỉ giữ lại được khung.
Một vài góc nhỏ xinh trong căn nhà trên núi
Sau khi lên concept decor tổng thể và trao đổi với từng đội triển khai thì quá trình trùng tu diễn ra khá suôn sẻ. "Phần cứng về thi công, công năng thì anh nhà mình làm việc, cảnh quan vườn tược có em phụ trách cảnh quan từ resort của mình trên Sapa về, duy trì nhà cửa trồng trọt chăn nuôi đã có hai quản gia".
Nói về khó khăn trong quá trình trùng tu, Thanh Nhàn cho biết đó là khâu vận chuyển nguyên vật liệu rất vất vả vì địa hình khó đi: Chuyển từng chuyến xe nhỏ một nên vừa tốn thời gian vừa tốn chi phí, vất vả cho đội thợ nữa. Nhiều hôm các bạn chuyển xi măng bằng xe máy, phế liệu thì các bà trong xóm phải tự gánh xuống, rất cực.
Một vài nguyên vật liệu khác thì được tận dụng lại như: Bộ bàn ghế gỗ chú thợ mộc dưới làng xẻ và chà cho, chế từ cục gỗ làm chân và hai mảnh xẻ thân ghép vào làm mặt; Những tấm vải lanh nhuộm chàm mang từ Sapa về; Gốm Nhật tự tay chị Nhàn đi lựa từng chiếc, hay những đôi guốc xinh xinh được chị mua trong chuyến đi Đài Loan,… Mỗi thứ một chút nhưng hài hòa với nhau.
Hoa và rau củ trong sân vườn thì nhiều lắm, và đặc trưng theo mùa, vậy nên quanh năm đều có nguyên liệu tự nhiên để sử dụng
Vườn xanh ngắt với rau ngót, rau ngót, mồng tơi, đậu, bí, các rau gia vị, hay đu đủ, thanh long, mít chín trĩu cây,... nhiều lắm! Sử quân tử, mẫu đơn, ngọc trâm, hoa bưởi, mộc,… cứ đua nhau nở theo mùa, hết mùa hoa này lại có mùa hoa khác nên lúc nào cũng thơm thanh thanh quanh nhà.
Cải tạo nhà trên núi để nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh homestay
Để duy trì một căn nhà ở ngoại thành đúng nghĩa với người ở trong phố nói chung rất vất vả, vì ngại đường xa đi lại. Gia đình chị Nhàn có hai quản gia từ Lào Cai về, trông nom và chăm sóc nhà cửa.
Trước đây gia đình chị thường về 1-2 lần/tháng, cho đến đợt dịch nên cả nhà đưa nhau lên ở lâu hơn, khoảng 2 tuần.
"Lúc trước, đang ở phố quen tiện nghi, gia đình mình lên núi ở vài ngày thì ổn chứ nếu bảo ở 2 tuần 'cách ly' thì mình cũng ngại ngần lắm. Nhưng sau rồi quyết tâm lên núi ở vì nhà bí bách quá. Từ khi dọn hẳn lên núi ở, mình thấy bõ công làm nhà lắm!
Vào đây nhà mình sinh hoạt rất tự nhiên theo nhu cầu, tận hưởng chứ không phải cứ đến giờ ăn rồi ngủ. Do môi trường và không khí khiến cơ thể lúc nào cũng nhẹ nhõm, ngày ngủ 8 tiếng cơm ăn 2 bữa là đủ. Nhà có gì xài đó. Có đôi khi nguyên ngày quanh quẩn câu cá, làm vườn, học hành, làm việc online,... thế thôi mà thời gian trôi vèo vèo".
Những phút giây bình yên khi lên núi ở
Đó là khoảng thời gian yên bình nhất mà gia đình mình có. Sau khi hết cách ly, công ty và trường học mở cửa lại thì cũng là lúc gia đình mình quay về phố thị sinh hoạt. Nhưng cũng vì có khoảng thời gian sống yên bình ở núi, tụi mình quyết định thường xuyên trở về đây hơn.
Hễ cứ có thời gian là rủ bạn bè về chơi và thư giãn. Thời gian còn lại thì tận dụng nhà trên núi để kinh doanh homestay, làm nơi "trú ẩn" cho những vị khách cần được nạp lại năng lượng yên bình", Thanh Nhàn chia sẻ.
Nhưng dù vậy, chị Nhàn cũng phải công nhận một điều: "Nhà ở đâu cũng là nhà, chỉ cần luôn có yêu thương và gia đình thì đó sẽ luôn là tổ ấm hạnh phúc nhất!"