Đồng hồ cơ là một loại máy móc nhỏ nhưng tinh xảo. Giống như nhiều loại máy móc khác, nó cần được bảo dưỡng thường xuyên để hoạt động tốt.
Khi mua đồng hồ, bạn sẽ được người bán khuyên đem đi bảo dưỡng 2 năm/lần. Thế nhưng, không phải ai cũng nhớ để làm theo, nhất là khi đồng hồ không có dấu hiệu hỏng hóc gì.
Kenneth Tay là founder của Salon De Temps - trung tâm bảo dưỡng đồng hồ tại Singapore. Vị chuyên gia này sẽ giải thích tại sao đồng hồ luôn cần được bảo dưỡng, cũng như chỉ ra những dấu hiệu cho thấy đồng hồ đã đến lúc cần bảo dưỡng.
Đừng chờ đến khi đồng hồ có vấn đề mới bảo dưỡng
Bảo dưỡng đồng hồ cũng giống như bảo dưỡng xe hơi. Người thợ sẽ kiểm tra các phần bên trong đồng hồ, xem có bộ phận nào cần sửa chữa, lau chùi hoặc thay thế.
"Đồng hồ cũng giống như xe hơi, cần được bôi dầu trơn để tránh bị mài mòn bởi lực ma sát. Nếu bộ máy bên trong không có đủ dầu thì sẽ hỏng nhanh hơn", Kenneth Tay giải thích.
Bảo dưỡng đồng hồ cũng là một biện pháp để phòng tránh những hư hỏng có thể xảy ra trong tương lai. Vấn đề càng được phát hiện sớm, càng tốn ít tiền để sửa chữa. "Khi đại tu toàn bộ, người thợ sẽ tháo hết tất cả bộ máy đồng hồ, lau chùi kể cả những bộ phận nhỏ nhất và kiểm tra mọi chi tiết trong bộ máy", anh nói thêm.
Phần nào cần sửa chữa sẽ được sửa chữa. Sau đó, các bộ phận của đồng hồ sẽ được bôi trơn và lắp ráp lại. Bước cuối cùng là hiệu chuẩn đồng hồ để đảm bảo tính chính xác của thời gian, sau đó đóng nắp vỏ và thử lại chức năng chống nước.
Bao lâu thì nên bảo dưỡng đồng hồ?
Có cần phải tuân thủ khung thời gian khuyến nghị bởi nhà sản xuất khi mua đồng hồ? Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng và tuổi tác đồng hồ, cũng như điều kiện sử dụng và bảo quản nó.
"Sau khi đánh giá, nếu cảm thấy đồng hồ không cần phải bảo dưỡng, tôi nhất định sẽ nói với khách hàng", Kenneth Tay cho biết. "Tuy nhiên, nếu đã lâu bạn không bảo dưỡng đồng hồ, hãy chuẩn bị tinh thần chi rất nhiều tiền. Thậm chí, có những phần bị hư hỏng đến mức không thể thay thế được".
Nhìn chung, vị chuyên gia này khuyến cáo mọi người nên bảo dưỡng đồng hồ cơ khoảng 2-3 năm/lần, bất kể tình trạng ra sao.
"Đồng hồ thạch anh cũng cần được bảo dưỡng. Pin đồng hồ nên được thay mỗi năm 1 lần, dù bạn có đeo nó thường xuyên hay không. Bên cạnh việc thay pin, cần đại tu đồng hồ mỗi 5 năm/lần", anh chia sẻ.
Khi nào đồng hồ cần được bảo dưỡng ngay lập tức?
Đôi khi, đồng hồ cần được bảo dưỡng ngay lập tức dù nó vẫn hoạt động một cách bình thường. Việc quan trọng nhất là bạn phải nhận ra dấu hiệu.
"Một số dấu hiệu phổ biến là đồng hồ bất chợt dừng chạy, hoặc thời gian hiển thị không chính xác. Nếu đồng hồ chạy nhanh hơn bình thường, vấn đề nằm ở từ trường và cần phải được sửa chữa", Kenneth Tay giải thích. "Ngoài ra, nếu thấy có hơi nước hoặc sương mờ đọng bên trong đồng hồ, bạn cũng cần mang nó đi kiểm tra ngay vì đây không phải là dấu hiệu tốt".
Việc tiếp xúc với lực từ có thể khiến đồng hồ chạy chậm hoặc chạy nhanh, vì lực từ ảnh hưởng đến bộ máy bên trong đồng hồ, khiến các phần dính lại vào nhau, gây ra tình trạng thời gian kém chính xác.
Nhiều người không để ý rằng đồng hồ rất dễ tiếp xúc với lực từ. Lực từ có thể đến từ rất nhiều đồ dùng trong cuộc sống thường ngày, ví dụ như điện thoại, khóa kéo túi, loa hay lò vi sóng.
Sương mù xuất hiện bên dưới tinh thể đồng hồ là một dấu hiệu của sự ngưng tụ, cho thấy đồng hồ đã bị ẩm. Nguyên nhân có thể là do vòng đệm nằm dưới nắp lưng bị mài mòn, hoặc hơi nước lọt vào bên trong qua phần núm vặn. Bất kể là trường hợp nào, bạn cũng cần mang đồng hồ đi sửa bởi hơi nước có thể ăn mòn bộ máy theo thời gian.
Khi đồng hồ phát ra tiếng lạch cạch từ bên trong, có thể một vài bộ phận nào đó đang bị lỏng. Đừng lắc đồng hồ hay xoay núm vặn, bởi việc này có thể gây thêm nhiều hư hại. Việc bạn cần làm là gửi đồng hồ đến một người thợ chuyên nghiệp để được kiểm tra kỹ.
Làm sao để phòng ngừa hỏng hóc?
Ngoài việc bảo dưỡng đồng hồ thường xuyên, chuyên gia Kenneth Tay cũng chia sẻ một số việc nên và không nên làm để đảm bảo đồng hồ không bị hư hại, giúp bạn không phải tốn nhiều tiền sửa chữa.
"Đầu tiên, đừng bao giờ lắc đồng hồ cơ để giữ nó hoạt động. Đơn giản hơn, bạn chỉ cần lên dây cót cho bộ máy thông qua núm vặn để dự trữ năng lượng bên trong. Đây là một loại hiểu lầm phổ biến mà người đeo đồng hồ thường mắc phải", anh cho biết.
Thứ hai, cố gắng cẩn thận khi cầm hay đeo đồng hồ.
"Nếu bạn đánh rơi đồng hồ, khả năng cao là một số bộ phận bên trong sẽ bị hỏng, cho dù bên ngoài không có xây xát gì", anh nói thêm.
Cuối cùng, đừng để đồng hồ gần nơi ẩm thấp, chẳng hạn như phòng tắm. Theo Kenneth Tay, đồng hồ ở các nước có khí hậu ẩm thường phải bảo dưỡng nhiều hơn so với các nước có khí hậu khô. Do đó, bạn không nên làm trầm trọng hóa tình huống bằng cách đặt đồng hồ ở nơi độ ẩm cao.
(Theo CNA)