"Bố mẹ ơi! cho con ít tiền tiêu vặt", 3 cách phản ứng của 3 gia đình dưới đây vô tình gây hại cho con nhưng rất nhiều người mắc phải

An Nhiên | 13-03-2020 - 21:58 PM

(Tổ Quốc) - Tiền tiêu vặt sẽ là "bài toán tài chính" đầu tiên mà đứa trẻ phải tính toán. Tuy nhiên, bố mẹ luôn băn khoăn không biết có nên cho con tiền tiêu vặt không và cho vào lúc nào, bao nhiêu là đủ?

Đến một độ tuổi nhất định, con cái sẽ chủ động chìa tay xin bố mẹ tiền tiêu vặt. Đại đa số cha mẹ thường cho con tiền theo ba cách sau:

Không giới hạn

Với cách cho này, cha mẹ sẽ khiến con cái lãng phí, không biết trân trọng công sức lao động của bố mẹ. Dưới đây là một ví dụ:

Bố của Tiểu Minh là giám đốc một công ty. Do công việc bận rộn nên anh ít có thời gian chăm sóc, chuyện trò với con trai, đa số người chăm Tiểu Minh là mẹ và giúp việc. Thậm chí giờ Tiểu Minh đã lên lớp 3 nhưng bố cậu bé vẫn chưa biết con học trường nào.

"Bố ơi cho con một ít tiền tiêu vặt", bố mẹ nên trả lời và làm thế nào để dạy con đúng đắn - Ảnh 1.

Cho hay không cho con tiền tiêu vặt? Câu hỏi này luôn là băn khoăn của các bố mẹ.

Chính vì thế, bố của Tiểu Minh luôn cảm thấy có lỗi với con trai và tìm mọi cách bù đắp cho con như mua đồ chơi, cho con tiền tiêu vặt.

Do được bố cho tiền thường xuyên và dễ dàng như vậy nên cậu nghĩ mọi thứ có thể giải quyết bằng tiền, tiêu tiền không suy nghĩ và không bao giờ có khái niệm tiết kiệm.

Từ chối thẳng thừng

Nếu cha mẹ từ chối thẳng khi con xin tiền tiêu vặt, sẽ khiến con cảm thấy không tự tin và dần dần sẽ trở thành một đứa trẻ tự ti.

Khác với bố Tiểu Minh, mẹ Tiểu Kiệt lại là một kế toán nên chị rất chặt chẽ chuyện tiền bạc. Vì không tin con mình có thể tự quản lý được túi tiền ở tuổi nhỏ nên cô nhất định không cho con tiền tiêu vặt. "Con là một đứa trẻ, mọi thứ mẹ đã mua đủ cho con, nên con không cần phải tiêu gì nữa" – mẹ nói với Tiểu Kiệt.

Câu nói của mẹ khiến bé Kiệt không dám xin tiền tiêu vặt nữa, nhưng thấy các bạn ở lớp có tiền riêng bố mẹ cho, Kiệt thấy mình rất tự ti vì không bằng bạn bè.

Dùng tiền làm "mồi" nhử

Lấy tiền tiêu vặt để làm phần thưởng cho con sau mỗi việc con làm sẽ dần tạo nên một đứa trẻ ích kỷ, chỉ biết tới bản thân.

Bố của Tiểu Nhi cho con tiền tiêu vặt bằng cách thưởng tiền sau mỗi lần sai con làm như sai con mang thứ gì từ dưới nhà lên, Tiểu Nhi sẽ được khoảng 5.000 đồng, quét nhà được 10.000 đồng…

Dần dà, Tiểu Nhi có thói quen, chỉ làm việc nhà khi có tiền, và cô bé ngày càng trở nên ích kỷ.

"Bố mẹ ơi! cho con ít tiền tiêu vặt", 3 phản ứng của 3 gia đình dưới đây vô tình gây hại cho con nhưng rất nhiều người mắc phải  - Ảnh 3.

Thực tế cho thấy, cả ba cách cho tiền tiêu vặt nói trên đều không đúng. Cho tiền tiêu vặt sai cách sẽ khiến con bạn hiểu lầm và đi lạc đường, phát triển lệch lạc.

Không nên quá lơi lỏng, nhưng cũng không nên quá khắc nghiệt trong cách cho con tiền tiêu vặt. Món tiền này phải được trao cho các bé một cách đúng đắn, hợp lý để các con có khái niệm chính xác về tiền bạc và tiêu dùng đúng cách.

Vậy có nên cho con tiền tiêu vặt và cho như thế nào mới đúng? Cha mẹ nên tham khảo những yếu tố dưới đây trước khi đưa ra quyết định của mình:

Độ tuổi

Ở tuổi nào trẻ có thể tự kiểm soát túi tiền của mình? Các chuyên gia cho rằng tốt nhất nên bắt đầu cho trẻ tiền tiêu vặt khi bé lên 6-7 tuổi. Ở lứa tuổi này, khả năng nhận thức của bé đã tốt hơn và có kỹ năng tính toán cơ bản. Cho con một số tiền nhỏ tiêu vặt lúc này, cha mẹ có thể dạy con khái niệm về tiền và kỹ năng tiêu dùng.

"Bố mẹ ơi! cho con ít tiền tiêu vặt", 3 phản ứng của 3 gia đình dưới đây vô tình gây hại cho con nhưng rất nhiều người mắc phải  - Ảnh 4.

Quãng thời gian 

Nên cho trẻ tiền tiêu vặt thường xuyên để trẻ có thể tự lên kế hoạch chi tiêu của mình. Với trẻ nhỏ, quãng thời gian cho tiền nên rút ngắn hơn.

Bố mẹ nên bắt đầu bằng định kỳ 1 tuần/lần, có thể mỗi lần cho trẻ 15.000-30.000 đồng và để trẻ tự quản lý quỹ tiền tiêu vặt của chúng.

Cách cho tiền

Khi trẻ xin tiền tiêu vặt, đầu tiên cha mẹ không nên vội vã từ chối ngay, mà hãy hỏi con lý do. Nếu bị bố mẹ từ chối ngay lập tức khi lần đầu xin tiền tiêu vặt, sẽ khiến con cảm thấy thất vọng và mất tự tin.

Khi biết rõ lý do, bố mẹ sẽ quyết định có cho con tiền hay không. Và nếu cho con tiền, bố mẹ cũng nên cho con lời khuyên hợp lý để trẻ biết cách tiết kiệm khi chi tiêu.

Nếu quá khắt khe trong chuyện tiền bạc với con, đứa trẻ sẽ dễ nảy sinh tính ăn cắp tiền của cha mẹ hoặc một ai đó để tiêu.

Nói tóm lại, cho con tiền tiêu vặt là cách để bố mẹ dạy con học cách tiêu tiền, có khái niệm đúng về tiền, có kế hoạch chi tiêu đúng đắn.

Theo Sohu

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM