Chuyện tình của đôi vợ chồng hơn 40 năm giúp đường phố sạch sẽ
Hơn 40 năm qua, chú Tống Văn Thơm (74 tuổi) và vợ là cô Nguyễn Ngọc Đào (67 tuổi) cùng gắn bó với nghề thu gom rác thải. Công việc tuy vất vả, tốn nhiều thời gian, thu nhập lại chẳng đáng bao nhiêu nhưng là kế sinh nhai giúp gia đình cô chú nuôi được 3 người con, vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Năm ấy, chú Thơm làm nghề vá xe đạp ở lề đường, còn cô Đào làm công nhân vệ sinh quét . Suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu của chứ Thơm khi nhìn thấy cô Đào là tội nghiệp quá. "Bà ấy nhỏ con mà đẩy cái xe rác to, trông thương lắm", chú Thơm kể.
Thế rồi hai cô chú dần dần nói chuyện, thấy cô Đào đi qua là chú ra phụ giúp. Sau này, chú Thơm cũng làm nghề thu gom rác thuê cho các hộ gia đình. Có nhiều thời gian tiếp xúc, cô chú dần nảy sinh tình cảm. Tình yêu ngày ấy giản dị, chú Thơm không tỏ tình, không nói tiếng yêu mà chủ động đến nhà cô Đào chơi, nói chuyện với phụ huynh để xin cưới.
Bản thân cô Đào ban đầu không nghĩ sẽ kết hôn với chú Thơm. Nhưng rồi thấy chú siêng năng, cần cù nên cô đổi ý. "Ngày cưới, bố mẹ tôi ở quê lên, cũng chẳng có tiền bạc gì, nhà có con heo mang lên làm 7 món, mời hàng xóm sang ăn uống. Đám cưới chỉ có duy nhất con heo như vậy, không có cả nhẫn cưới", chú Thơm chia sẻ.
Vợ chồng nghèo nuôi con học Thạc sĩ
Kết hôn xong, chú Thơm vừa đi gom rác, vừa phụ vợ quét đường. Một năm sau, cô chú sinh người con trai đầu lòng, cô Đào đi làm, chú Thơm ở nhà vừa trông con, vừa vá xe đạp, vừa đi gom rác thuê. Lần lượt thêm 2 cô con gái nữa của cô chú ra đời. Có một kỷ niệm đặc biệt là khi sinh con gái út vào, cô Đào chuyển dạ khi đang đi quét rác.
Vội vàng gọi xích lô vào viện, cô đẻ rơi con gái ngay ở cổng bệnh viện. Cả 3 đứa con gần như đều do chú Thơm chăm bẵm. Đứa lớn chỉ uống nước cơm, 2 cô con gái út thì mỗi tháng được 2 hộp sữa. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng cô chú đều cố gắng nuôi dạy 3 người con khôn lớn trưởng thành, có người học đến Thạc sĩ.
Giờ đây, các con của cô chú đều đã đã có gia đình riêng. Con trai lớn làm kỹ sư, con gái thứ 2 hiện sống ở TP.HCM, gần nhà bố mẹ còn con gái út đã kết hôn và sang Mỹ định cư được 4 năm.
"Ngày nhỏ, khi con học lớp 6, lớp 7, đến trường hay bị bạn bè trêu: "Đứa này là con của ông lượm rác". Nó về tự ái rồi hỏi tôi hoài. Tôi cũng không biết làm sao, chỉ an ủi con: "Người ta nói gì thì kệ người ta, mình nghèo thì mình chịu thôi. Mà ba lượm rác thì con cố gắng ăn học thành người. Sau này ba không ở mãi với con để lo cho con được. Bắt đầu từ từ con cũng cố gắng. Đến khi con đỗ đạt rồi, nó tự nói rằng: "Nhờ ba mẹ cực khổ mà con mới được thành công như vậy".
Ngần ấy năm hôn nhân, vợ chồng chú Thơm, cô Đào chưa bao giờ nói lời yêu thương với nhau. Hai vợ chồng cứ lam lũ làm ăn, cuốn vào công việc nên không có thời gian để tâm sự nhiều. Trước đây, cứ ban ngày chú đi làm về thì cô đi, đến nửa đêm mới về, vợ chồng ít gặp nhau. Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc xô bát, xô đũa.
Nhưng sống với nhau bao nhiêu năm, chú Thơm hiểu tính cô Đào nên thường là người nhường nhịn. Cô hết giận chú mới nói chuyện, phân tích cho cô hiểu.
Vợ chồng chú Thơm, cô Đào vẫn duy trì công việc thu gom rác.
Đến hiện tại, dù con cái đều đã trưởng thành nhưng chú Thơm, cô Đào vẫn gắn bó với công việc thu gom rác. Hai vợ chồng đi làm từ 13h đến 22h khuya, có hôm 3h sáng hôm sau mới về, ăn uống đa số là ăn đồ từ thiện chứ ít có thời gian nấu nướng.
Nghề gom rác vất vả, kể cả ngày Tết, cô chú cũng chỉ được nghỉ đúng ngày mùng 1, mùng 2 là phải đi làm bình thường. Mỗi khi đi quét rác, thấy người người, nhà nhà đón giao thừa, cô chú lại tủi thân nhưng rồi luôn phải tự an ủi mình. Dẫu vậy, cô chú luôn trân trọng công việc này, bởi từ ngày gia đình còn khó khăn cho đến khi có được như bây giờ, cũng đều là nhờ nghề quét rác. Cho nên sau này có già, yếu thì cô chú nghỉ chứ không từ giã nó.
Lần đầu nói lời yêu thương với vợ, chú Thơm cảm ơn cô Đào đã cùng mình chăm lo cho mái ấm gia đình, cho các con được ăn học thành người. "Cảm ơn bà đã đồng hành trong cuộc đời của tôi", chú Thơm nghẹn ngào nói.
Nguồn: Tình trăm năm