Được ông bà chăm sóc, yêu thương là một trải nghiệm tuyệt vời đối với mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, sự chăm sóc của ông bà đôi khi cũng có thể gây ra những tác dụng phụ, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ.
Theo trang tin Brightside, dưới đây là 5 ảnh hưởng tiêu cực mà bố mẹ cần chú ý:
1. Con có thể không vâng lời
So với bố mẹ, ông bà thường có xu hướng nuông chiều con cháu nhiều hơn. Không ít ông bà có thói quen lấy lòng cháu, thậm chí làm ngược lại những biện pháp dạy dỗ con mà bố mẹ đã đề ra. Điều này sẽ gián tiếp khiến trẻ trở nên không nghe lời, thậm chí xem nhẹ lời của bố mẹ vì đã có ông bà bao che.
2. Con sợ hãi và khó chịu với bố mẹ
Trong khi các bậc cha mẹ luôn nghiêm khắc với con thì ông bà lại dễ tính hơn và để mặc con cháu được làm điều mình muốn. Cuối cùng, bố mẹ lại vô tình đóng "vai ác" trong mắt trẻ nhỏ. Trong khi bố mẹ cố gắng giành lại vị trí trong cuộc sống của con thì con lại sợ hãi và khó chịu. Nhất là khi bố mẹ luôn nghiêm khắc và khó tính hơn so với ông bà.
3. Con thiếu hụt các hoạt động thể chất
Trẻ nhỏ tràn đầy năng lượng và luôn thích chạy nhảy, vui chơi để phát triển cơ thể đúng cách, khỏe mạnh. Tuy nhiên vì yếu tố sức khỏe nên ông bà không thể theo sát con cháu trong hầu hết các hoạt động ngoài trời. Nhiều khi con chỉ có thể ở cùng ông bà cả ngày trong nhà và thiếu hụt các hoạt động thể chất. Đây là điều không tốt cho sự phát triển toàn diện của con.
4. Con có thể ăn quá nhiều
Nhiều ông bà thường thích "vỗ béo", cho cháu rất nhiều món ăn bồi bổ hoặc đồ ngọt. Tiến sĩ Stephanie Chambers, công tác tại Khoa Khoa học Sức khỏe Cộng đồng của Đại học Glasgow, Scotland đã thực hiện một số nghiên cứu và chỉ ra: Trẻ em có thể bị béo phì, gặp các vấn đề về răng miệng, thậm chí mắc bệnh tiểu đường vì được ông bà cho ăn quá nhiều kẹo và các món nhiều chất béo.
Ông bà thường nuông chiều cháu bằng đồ ăn, dẫn đến việc cháu gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
5. Con không có các kỹ năng xã hội
Những đứa trẻ sống cùng với ông bà trong thời gian dài thường không hứng thú kết bạn với những đứa trẻ khác. Bởi trẻ cảm thấy thoải mái với những mối quan hệ quen thuộc và lo sợ khi phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Điều này khiến trẻ thiếu hụt đi các kỹ năng sống, khả năng giao tiếp cũng kém hơn.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ được đi học mẫu giáo thường năng động, nhanh nhẹn hơn so với những trẻ được bố mẹ gửi cho ông bà trông nom.