Có hai anh em nhỏ khá bất hạnh, người mẹ vì mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời khi cả hai con còn rất nhỏ.
Nhà còn lại ba bố con nương tựa vào nhau. Thế nhưng người bố là một con nghiện cờ bạc, để có tiền đánh bạc, ông ta bán hết tất cả những gì có thể bán trong nhà. Cuối cùng, chẳng còn gì để bán, ông ta đi ăn cắp, phạm pháp nên phải đi tù.
Người thân duy nhất phải vào tù, hai anh em trở thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Hai anh em ban đầu đi ăn xin, sau đó lớn hơn một chút thì bắt đầu đi nhặt đồ phế liệu mưu sinh.
Việc này có thể đem đến cho chúng một chút thu nhập. Người anh khi có tiền thì lập tức đi ăn một bữa no nê còn người em thì tích cóp dành dụm những đồng tiền khó nhọc mới kiếm được và sau đó dùng toàn bố số tiền này để trang trải học phí cho chính mình trong một ngôi trường dành cho người nghèo.
Trong khi đó, người anh thì lăn lộn trong những xới bạc trên đường, dần dần, cậu ta học uống rượu, hút thuốc phiện, đánh nhau và nhanh chóng trở thành đầu sỏ cầm đầu một nhóm du côn đường phố.
Người em thì khác, cậu chịu khó học hành, tranh thủ ban ngày đi làm, tối đi học và thử viết văn.
Cứ như thế hơn chục năm qua đi, hai anh em "đường ai nấy đi" giờ đây đã trở thành những thanh niên ngoài đôi mươi.
Thế nhưng điều khác biệt là, người anh vì một lần đánh nhau, đâm chết người nên phải đi tù, còn người em tốt nghiệp đại học và trở thành nhà văn, nhờ có nhiều tác phẩm hay nên đã vào làm việc tại một tòa soạn báo.
Trong dịp lễ Tạ ơn hồi năm 2015, phóng viên của một tờ báo dựa theo thông tin được người khác cung cấp đến nhà giam phỏng vấn người anh trai bất hảo trong câu chuyện kể trên.
Đứng trước một phạm nhân có thần thái vô cùng ủ dột, phóng viên hỏi: "Chúng tôi có biết thông tin về bố anh, anh xảy ra cơ sự như hôm nay, liệu có liên quan đến những ảnh hưởng không tốt do bố anh để lại?"
Người anh khẳng định chắc chắn: "Đúng thế, hành vi xấu của bố tôi giống như một tảng đá nặng, đè nặng lên tim tôi, thế nên tôi mới đi theo con đường cũ của ông ấy."
Phóng viên lại tiếp tục phỏng vấn người em trai đang làm việc trong tòa soạn, thời điểm đó, anh ta đang bận rộn với việc phát hành sách mới. Dù vậy, người em vẫn chấp nhận trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Phóng viên hỏi: "Anh của anh nói rằng do ảnh hưởng của bố mà anh ấy vào ngục. Xin hỏi anh có bị ảnh hưởng bởi bố của mình không?"
Người em trả lời chắc nịch: "Có, tôi chắc chắn đã chịu ảnh hưởng của bố tôi."
Phóng viên cảm thấy khó hiểu nên hỏi tiếp: "Cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bố, tại sao anh trai anh lại trở thành một tên tội phạm khét tiếng còn anh lại trở thành một nhà văn được người khác kính nể?"
Người em kiên định nói: Nỗi khốn khổ của bố tôi giống như một hòn đã nặng, đều đè nén lên trái tim chúng tôi. Nhưng điều khác biệt là anh tôi cứ mãi để hòn đá đó trên vai mình, vì thế mỗi bước đi của anh ấy đều rất nặng nề.
Còn tôi, tôi đã đặt hòn đá đó xuống chân cuối cùng, nó đã trở thành một bậc thang giúp tôi tiến về phía trước."
Khổ nạn trong cuộc đời, có thể là hòn đá ngáng đường nhưng cũng có thể là bậc thang giúp con người tiến về phía trước. Ảnh minh họa.
Lời bình
Khổ nạn trên đường đời giống như những hòn đá, có thể trở thành những bậc thang giúp con người đi lên hoặc đưa con người đi xuống, phụ thuộc vào việc con người ta vừa cõng nó vừa bước đi hay giẫm chân nên nó để bước đi.
Từng có câu nói rằng: Lối suy nghĩ quyết định đường ra, khí phách phong độ quyết định tầm cao, những chi tiết nhỏ bé quyết định đến thành bại và tính cách quyết định vận mệnh.
Cùng là một chiếc thùng nhưng nếu đựng nước, người ta sẽ gọi đó là thùng nước; nếu đựng sữa, người ta sẽ gọi đó là thùng sữa; nếu đựng phân người ta sẽ gọi là thùng phân.
Cùng là một chiếc thùng nhưng vì chứa đựng những thứ khác nhau mà chúng trở nên khác biệt.
Đời người cũng vậy, cùng là con người, tương đồng về nơi sinh, chốn ở, điểm xuất phát... nhưng suy nghĩ khác nhau, quan niệm khác nhau sẽ có cuộc đời không giống nhau. Bạn có suy nghĩ thế nào, bạn sẽ có cuộc đời thế đó.