Golf từ lâu đã là bộ môn được rất nhiều người say đắm và dành nhiều thời gian, công sức và thậm chí là cả đời để chinh phục. Với địa hạt golf Việt Nam, chúng ta dần hòa mình vào làn sóng mạnh mẽ ấy. Cùng theo dõi bình luận viên golf Nguyễn Nam Giang đi sâu hơn vào thế giới golf Việt để cảm nhận điều này.
Nam Giang, tên thật là Nguyễn Nam Giang. Anh là bình luận viên thể thao (golf) của kênh ON Golf trên VTVCab đồng thời là chủ mục của hai chuyên trang về golf tại Việt Nam là GolfEdit.com và The Golfers.
Chẳng ai có thể chinh phục được golf
- Xin chào anh Nam Giang. Anh bắt đầu yêu golf từ khi nào?
Năm 2011 tôi bén duyên với golf. Nhìn lại hành trình 12 năm gắn kết với môn thể thao này, tôi đã có nhiều kỷ niệm vui buồn và đáng giá trong suốt thời gian dài đó.
- Vậy còn hành trình bình luận golf của anh thì sao?
Hành trình bình luận golf của tôi mở ra từ năm 2019 bởi một cơ duyên nho nhỏ từ người anh trong nghề. Sang đến năm 2020, tôi quyết tâm theo đuổi con đường bình luận chuyên sâu. Tất cả những kỹ năng từ đài từ, phát âm, kiến thức chuyên môn đều được tôi chú trọng.
- Chắc chắn trong quá trình chinh phục ước mơ, anh đã gặp rất nhiều trở ngại. Anh có thể chia sẻ khó khăn lớn nhất mà bản thân từng trải qua không?
Năm đầu tiên vào làm golf, khó khăn lớn nhất đối với tôi là golf chưa phát triển như bây giờ, và rất ít người chơi môn thể thao này. Vì thế, tôi quyết định xây dựng một chuyên trang về golf với tên gọi Việt Nam Golf News - website tập trung chia sẻ về kỹ thuật và các giải đấu golf đình đám.
Bước ngoặt ấn tượng đến với tôi vào năm 2015, khi tôi được tham dự giải đấu vô địch Quốc gia nữ và được xem trực tiếp giải đấu Hồ Tràm mở rộng (Asian Tour). Sau những giải đấu ấy, tôi mong muốn tiếp cận với golf thế giới nhiều hơn, và quyết định đổi Việt Nam Golf News thành GolfEdit.com. Trang web được tôi phát triển, nâng cấp, và hiện tại nó đang trở thành một trong những trang hàng đầu về chuyên môn cũng như có chiều sâu nhất định về golf.
Những ngày đầu “chập chững” với golf, tôi mất khá nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu về golf. Đây chưa bao giờ là một bộ môn dễ chinh phục. Không phổ biến như bóng đá, không dễ theo dõi như điền kinh hay bơi lội, kỹ thuật và những diễn biến trong golf vô cùng phức tạp.
Năm 2015 tôi chính thức chơi golf, bước ngoặt đầu tiên này đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về chúng. Quả thực, phải có sự trải nghiệm thực tế thì mới lan tỏa được năng lượng golf tới mọi người.
- Thần tượng golf của anh là ai?
Tôi ấn tượng và ngưỡng mộ Tiger Woods, nhưng người tôi thực sự thần tượng là Rory Mcllroy. Anh ấy có lối chơi golf vô cùng chỉn chu, ổn định và cách chơi của anh đã ảnh hưởng nhiều tới tôi.
- Theo anh, sức hút của golf nằm ở đâu?
Golf lúc nào cũng như mới, và chẳng ai có thể chinh phục được golf. Ngày hôm qua bạn có trận đấu tệ, nhưng hôm nay bạn lại chơi tốt. Đôi khi, chỉ một cú đánh cũng có thể điều khiển cảm xúc của bạn cả ngày. Vì thế, người nào bản lĩnh và chấp nhận những khoảnh khắc thăng trầm của golf thì sẽ chơi được.
Tôi vẫn thường hay đùa vui rằng golf chính là bộ môn “yoga não”. Bởi khi chơi golf, tâm trí người chơi được giải phóng ra khỏi những bộn bề, lo âu của cuộc sống. Nhất là trong thời buổi hiện đại đầy rẫy những vấn đề tâm lý và con người ta dường như mất đi nhiều niềm vui đơn giản. Hãy chơi golf và tận hưởng không gian xung quanh chúng, đồng thời giữ cho mình tâm trí trống rỗng, thoải mái.
Golf thể hiện phong cách sống
- Theo anh, một người chơi golf giỏi cần những yếu tố gì?
Chơi golf giỏi điều kiện tiên quyết là bạn phải tập trung học từ cơ bản và nắm chắc kỹ thuật. Bạn không nên ra sân quá sớm khi chưa luyện tập đủ. Hơn nữa, vấn đề tâm lý cũng là thứ mà các golfer cần khắc phục qua mỗi trận golf.
- Golf tốn nhiều chi phí để tham gia tập luyện. Anh có thể chia sẻ lý do tại sao môn thể thao này lại "đắt" như vậy?
Việc xây dựng một sân golf đòi hỏi rất nhiều chi phí. Đầu tiên là quỹ đất, tiếp theo là chi phí duy trì vận hành như con người, bảo dưỡng, thuế… Golf được coi là hàng hóa tiêu thụ đặc biệt nên giá cả không thể rẻ được.
Nhưng hiện nay, những chủ đầu tư sân golf cũng có nhiều cách thức điều chỉnh chi phí để golf được phổ biến hơn. Thay vì định kiến đây là một bộ môn đắt đỏ, tôi nghĩ nếu đã đam mê golf, bạn hoàn toàn có thể chơi được như sử dụng lại bộ gậy cũ, dành thời gian nhiều hơn tại sân tập và chỉ lên sân vào những ngày giảm giá. Tôi nghĩ đấy là cách hay.
- Golf hiện tại không còn đơn thuần là một môn thể thao, nó còn là phong cách sống. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Golf là bộ môn liên quan mật thiết tới phong cách sống, không chỉ về tư duy, phong cách ăn mặc mà còn thể hiện qua lối chơi. Bạn biết câu nói: “Nếu tôi muốn biết tính cách của bạn ra sao, tôi sẽ rủ bạn chơi golf” không? (cười).
Tại sao lại có câu nói này? Khi chơi golf, người chơi sẽ thể hiện rõ nét nhất tính cách của mình từ việc đối mặt với cú đánh hỏng đến cải thiện kỹ thuật sau mỗi cuộc chơi. Thậm chí, việc bạn cư xử với nhân viên (caddie), cách hành xử với bạn chơi, với sân golf… cũng thể hiện một phần con người bạn.
Golf là chất xúc tác, là điểm hòa quyện, là lý do để mọi người thưởng thức được nhiều vẻ đẹp của cuộc sống.
Golf là bộ môn liên quan mật thiết tới phong cách sống, không chỉ về tư duy, phong cách ăn mặc mà còn thể hiện qua lối chơi.
- Anh đánh giá ra sao về phong cách và lối chơi của một số golfer nổi tiếng thế giới?
Một số golfer như Adam Scott có phong cách chỉn chu, đậm tinh thần phái mạnh. Hay như golfer Rickie Fowler, anh ấy có lối ăn mặc trẻ trung năng động cùng tinh thần golf đầy nhiệt huyết. Ngược lại, Tiger Woods lại có nét dữ dằn, không bao giờ bỏ cuộc ẩn sau vẻ ngoài lịch lãm.
Còn về golf nữ, tôi thích Lydia Ko bởi sự nhã nhặn và tinh tế của cô ấy.
Golf Việt và những bước chuyển mình
- Tại Việt Nam, Golf là môn thể thao đang phát triển mạnh trong những năm vừa qua. Theo anh, khó khăn lớn nhất của người chơi golf nghiệp dư và chuyên nghiệp nói riêng và môn thể thao golf tại Việt Nam nói chung là gì?
Việt Nam là một nước có số lượng người chơi golf nhiều, nhưng chưa tinh. Đa phần mọi người chơi theo phong trào và hướng tới việc giải trí là chính. Thật sự golf chuyên nghiệp ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển. Trên thực tế số lượng golfer chuyên nghiệp tại Việt Nam đang quá ít ỏi. Họ phần lớn là những thầy dạy, thời gian tham gia giải đấu rất ít dẫn tới thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.
Khó khăn nữa là người chơi golf nghiệp dư, golf phong trào chưa chú trọng về mặt kỹ thuật. Mọi người không chịu khó tập luyện mà đôi khi chỉ lên sân để… “check in”. Một số chỉ tập vài buổi là bắt đầu muốn lên sân golf. Nhiều người chơi mất rất lâu để cải thiện được trình độ của mình.
Rõ ràng, mình phát triển đông nhưng chưa có chiều sâu. Việt Nam cần có hệ thống giải đấu, có sự học tập với các nước bạn. Cái này sẽ liên quan tới tầm vĩ mô hơn, là các hiệp hội, các tổ chức golf tại nước mình cần tìm ra chìa khóa để chinh phục được bộ môn này để người chơi giải trí được rạch ròi với những người chơi chuyên nghiệp.
- Được biết, để học chơi golf, chúng ta cần những HLV có kiến thức chuyên môn. Liệu Việt Nam đang gặp thách thức nào trong việc phát triển các khóa học chơi golf cơ bản?
Hiện tại việc dạy và học golf tại Việt Nam đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, đây là thời điểm “tranh tối tranh sáng” khiến cho việc dạy golf vẫn còn nhiều bất cập. Có nhiều học viện chuyên nghiệp, nhưng cũng có nhiều nơi hướng dẫn chưa đủ tiêu chuẩn, chưa có bằng cấp và golf ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn mới nên vẫn chưa thể hoàn hảo ngay được. Thậm chí, tình trạng các trung tâm mọc lên như nấm với những “thầy dạy tự phong” cũng khiến golf không thể đi vào quy củ, hệ thống.
Trước tình hình đó, hiệp hội golf cũng đã tập trung cung cấp các chứng chỉ cho huấn luyện viên để hệ thống dạy học ngày một phát triển hơn. Hy vọng thời gian tới golf Việt sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Khó khăn lớn nhất là người chơi golf tham gia nhiều nhưng chưa chú trọng về mặt kỹ thuật.
- Anh mong muốn môn thể thao golf sẽ thay đổi thế nào trong 5 năm tới tại Việt Nam?
Tôi mong rằng sẽ có thật nhiều giải đấu Quốc tế tổ chức ở Việt Nam để chúng ta được truyền cảm hứng và có cơ hội giới thiệu du lịch, các điểm đến đẹp. Chúng ta chưa có những golfer hàng đầu thế giới, nhưng sẽ có những điểm đến hàng đầu thế giới. Chúng ta có Phú Quốc, Đà Nẵng, thậm chí ở miền Bắc cũng có nhiều sân golf nổi bật và đẹp.
- Dự định cá nhân của anh với golf?
Trước tiên, tôi muốn tập trung phát triển chuyên sâu về những cái đã và đang có đồng thời mở rộng sang mảng du lịch golf. Đôi khi tôi nghĩ mình sẽ phát triển golf trên các nền tảng đa kênh để mọi người có sự quan tâm hơn tới bộ môn này.
Tôi cũng mong rằng Việt Nam có thêm nhiều gương mặt mới lạ, sôi nổi và trẻ trung. Bởi vì golf trẻ là tương lai. Các bạn chơi quá tốt. Những gương mặt như Nguyễn Anh Minh, Lê Khánh Hưng đều là những golfer trẻ xuất sắc. Làng golf nước mình cần sự quan tâm, chung tay của các hiệp hội, các tổ chức. Các bậc phụ huynh nếu có thể, hãy khuyến khích con theo đuổi môn thể thao đầy thử thách này.
Một điều cuối cùng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ có nhiều sân golf hơn, và các sân golf sẽ phát triển mạnh về dịch vụ, chất lượng phục vụ. Ngoài ra, những công nghệ mới về golf sẽ cập nhật nhanh chóng. Hiện nay tại Việt Nam, công nghệ golf 3D (chủ yếu ảnh hưởng từ Hàn Quốc) đã được áp dụng và đem lại những lợi ích nhất định cho người chơi golf.
- Cuối cùng, anh có chia sẻ gì với những người mới bắt đầu chơi golf?
Mong muốn của tôi là golf sẽ được nhiều người biết đến và nghiêm túc chinh phục.
Bạn muốn chơi golf ư? Hãy lấy một cây gậy và tập swing ngay lập tức. Hãy thực hành, hãy chơi golf ngay khi bạn cảm thấy sẵn sàng thay vì chờ đợi một “hôm nào”.
Tạm gác lại câu chuyện golf Việt và hành trình golf đầy thú vị của nhân vật, ta thấy golf rõ ràng là một bộ môn giàu đẹp về mặt tinh thần, thẩm mỹ và có ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách sống của các golfer.